Để tưởng nhớ đến người cha – nhà thơ Hoàng Trung Thông, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đã vẽ khoảng 50 bức họa trong thời gian gần 2 năm. Vậy là sau 17 năm vắng bóng trên họa đàn, người nghệ sĩ đã trở lại trong trường phái ngây thơ với những bức tranh thu đầy miên man, tự tình.
Vẽ để nhớ về người cha thi sĩ
Sự trở lại đặc biệt của Hoàng Phượng Vỹ với “Miên thu” như muốn truyền tải tình cảm về một “Tết Trung thu” đoàn viên đầm ấm, về sự rộn ràng của “Hội mùa cơm mới”, về không khí sầm uất của “Chợ phiên” với lợn cắp nách, rượu say nồng…
“Miên thu” được Hoàng Phượng Vỹ tập trung sáng tác từ đầu năm 2020 với chất liệu chủ yếu là sơn dầu và bột màu. Ông nói rằng, triển lãm được tổ chức với mục đích tưởng nhớ đến người cha - nhà thơ Hoàng Trung Thông.
“Tôi vẫn ngây thơ bền bỉ như một niềm đam mê suốt những năm qua. Đi kèm đó là nỗi nhớ thẳm sâu về cha mình. Cha tôi tuổi Dần, sinh ra tôi cũng tuổi Dần, năm nay năm Dần nên sự trùng hợp này càng làm nỗi nhớ đó ứa trào khôn nguôi. Cha tôi là thi nhân, ông yêu mùa thu, yêu trăng thu.
Bởi thế nên tôi muốn dâng tặng cha một triển lãm cá nhân, sau nhiều năm chỉ âm thầm vẽ. Bao yêu thương và nỗi niềm tôi chỉ biết gửi cả vào tranh. Tôi mong cha sẽ hài lòng và tôi mong cuộc sống của chúng ta sẽ luôn như những ngày hội Trung thu đoàn viên, yên vui”, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ cho biết.
Diễn ra từ ngày 5/9 đến ngày 14/9 tại không gian Haikio-Let’s Art (TPHCM), triển lãm đang thu hút đông đảo giới mộ điệu và các giới nghệ sĩ đến thưởng lãm.
Bay từ Hà Nội vào TPHCM để dự triển lãm của Hoàng Phượng Vỹ - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, những bức tranh thu của họa sĩ không gợi cho người xem vẻ u buồn của mùa thu thường tình. Ngược lại, đó là niềm vui, tình yêu yêu thương và niềm hân hoan đoàn tụ.
Diễn viên Hồng Ánh cũng có mặt tại triển lãm, cô cho biết những tác phẩm mà họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ với những nét thơ ngây đem đến cảm giác vui vẻ. Tác phẩm phản ánh tâm hồn của tác giả, và những nét vẽ ấy đưa người xem về một thuở gắn bó với ánh trăng, với Tết Trung thu và tinh thần trẻ nhỏ.
Có thể nói rằng, ngắm gần 50 bức tranh “Miên thu”, công chúng luôn thấy những giấc mơ mênh mang và êm đềm. Những giấc mơ chẳng phải về thế giới huyền bí, cao siêu hay diệu vợi, mà thật gần trong tâm hồn mỗi người.
Thơ ngây đến già dặn
Sau các triển lãm cá nhân: Ký ức (1997) tại Hà Nội, Hội họa (2002) tại Bangkok, Trở về (2004) tại Hồng Kông, Tuổi thơ (2005) tại Hà Nội, đến nay Hoàng Phượng Vỹ mới làm triển lãm cá nhân tiếp theo tại TPHCM để tưởng nhớ đến người cha quá cố - nhà thơ Hoàng Trung Thông.
Được đánh giá là họa sĩ đơn độc trong trường phái thơ ngây, sự trở lại của Hoàng Phượng Vỹ sau 17 năm vắng bóng là tín hiệu tích cực cho những sáng tạo mới.
Hoàng Phượng Vỹ giải thích rằng, “Miên thu” có nghĩa là sự miên man của mùa thu. Khi đắm chìm vào ký ức tuổi thơ, bản thân họa sĩ hay mỗi người sẽ có những giấc mơ, những kỷ niệm hồn nhiên của tuổi thơ. Dù thật dung dị, nhưng chính những giấc mơ thời con trẻ là đôi cánh để chúng ta sống tốt hơn với cuộc đời.
Sau 17 năm, tâm hồn Hoàng Phượng Vỹ thêm già dặn, nhưng nét cọ của ông vẫn y nguyên những dung dị và hồn nhiên. Trong sự dung dị, người xem thấy sự sâu sắc được thể hiện qua những lớp màu vững chãi và chân thật, không hề xáo trộn hay cạnh tranh. Mỗi lớp màu đều có không gian riêng, được thể hiện đầy cá tính.
Mùa thu trong tranh Hoàng Phượng Vỹ gắn liền với trăng cùng những hình ảnh phi lý nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Giống như trong bức “Lên chùa”, tác giả vẽ một con hổ chở lọ hoa cổ ở lưng, trên đầu là một ánh trăng tròn vành vạnh.
Bối cảnh trong tranh thường là những gam màu đơn sắc - có thể lạnh đơn sắc hay nóng đơn sắc. Và sắc độ gần như được thống nhất để tạo ra một bối cảnh tĩnh cho câu chuyện. Từ đây, nhân vật có cơ hội được thể hiện tối đa hoàn cảnh riêng của họ. Người thổi sáo, kẻ đánh đàn… bầu không khí có vẻ cô đơn, nhưng gợi mở về về sự thanh thản và đẹp đẽ.
Những câu chuyện gia đình lặng thầm cũng xuất hiện nhiều trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ. Đó là dáng ngồi nom thật yên ắng của người mẹ ôm con nhưng dường như đầy mong ngóng, trông chờ. Đó là cảnh “Tết Trung thu” với chiếc đèn lồng ấu thơ huyền thoại - nơi một gia đình hội ngộ nhau về mặt tâm hồn. Đó là đôi uyên ương bên nhau trong niềm an vui lặng lẽ.
Một người đã kinh qua đủ thị phi thử thách, thăng trầm của cuộc sống để có thể giản dị một cách đầy khôn ngoan. Nét cọ Hoàng Phượng Vỹ là sự dung hòa giữa cá tính họa sĩ giàu kinh nghiệm, và của một đứa trẻ thích tô vẽ theo nhận thức ban sơ. Sự sáng tạo kết hợp đó – thật chẳng dễ thể hiện trong đôi tay và tâm hồn của một họa sĩ vừa tròn tuổi 60.
Hoàng Phượng Vỹ sinh năm 1962 – là con út của cố nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhưng dành cả đời vẽ tranh và làm thơ. Ông từng tham dự nhiều sự kiện nghệ thuật, triển lãm nhóm tại Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Canada, Thái Lan, Singapore... và từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật.