(GD&TĐ) - Có rất nhiều cỏ, xa lạ và gần gũi... với đủ sắc màu đã len lỏi qua ký ức rồi trở về thực tại. Dẫu muốn hay không, cỏ vẫn mãi trở về trong những nỗi niềm nhung nhớ, hoài niệm và xa xôi…Cỏ biết xanh khi con người hy vọng, và biết buồn khi cách xa…
1-Tôi đi qua màu xanh của cỏ quê hương, qua vệt cỏ ấu thơ mơn mởn của một thời cổ tích. Nơi mà tôi nhìn thấy, cũng là tất thảy mọi người đều nhìn thấy. Đó là sự lên xanh và úa vàng của cỏ. Mở mắt ra là thấy bầu trời và sắc xanh của cỏ. Cái sắc màu thân thương và gợi nỗi nhớ đến quặn lòng, mỗi khi ta đi qua nó và gần gũi nó.
(ảnh minh họa: Internet) |
Có những chiều êm, tôi lang thang, tha thẩn đi trong vườn –dưới tán xanh của hàng nhãn, mít và dẫm lên cỏ. Cuối vườn, đám cỏ mần trầu vươn lên, như thể tách mình khỏi lùm cây kẻo mang tiếng kiếp ở nhờ ở đậu. Loài cỏ này được nhớ đến khi mẹ tôi cần đến nó để đun nước gội đầu. Nhưng nếu chỉ có cỏ mần trầu chưa đủ mượt tóc. Mẹ tìm kiếm ngay trong vườn, một nắm lá hương nhu. Phải là hương nhu trắng mới thơm lâu. Còn hương nhu tía, mảnh mai, nhưng mùi thơm nhẹ. Mẹ hái mớ lá bưởi già, nhổ túm sả cùng với mớ lá hương nhu và cỏ mần trầu, ra giếng, múc nước rửa sạch rồi cho vào nồi đun nước lên. Quả bồ kết nướng khô bẻ vụn thả vào nồi. Khi nồi sôi sùng sục, từ chiếc vung hở kia, một làn hương ngây ngất, nồng nàn của sả, của cỏ, của lá bưởi... khiến ai bắt gặp cũng sững người lại, nao nao...Có thể trên đời, trong các hiệu cắt tóc, gội đầu... ta sẽ gặp những chiếc chai dầu gội, dầu sả của các hãng chăm sóc tóc nổi tiếng. Nhưng mùi hương nồng nàn quyến rũ của đồng nội với sự hóa thân của cỏ kia sẽ mãi mãi thảo thơm cho con người.
2-Chiều nay, sắp đến ngày Vu Lan, ngày tri ân với mẹ cha và người đã khuất, tôi trở về khu vườn xưa. Trong vườn thanh vắng, chỉ có lớp lá mít rụng như trải sẵn chiếc thảm lá xào xạc ru êm cho bàn chân. Các loài cây chen nhau, nhờ nhau mà sống cũng bật dậy, thao thức như kể lại kỷ niệm một thời. Tôi len lỏi đi qua rặng nhót đang nằm xoài ngẩn ngơ sau một mùa cho quả. Rặng nhót này ngày trước mẹ trồng cho các con gái. Loài này dễ trồng và nhanh ra quả. Đây là nhót đường, quả tròn, nhỏ và ăn không chua như loài nhót quả dài. Quanh gốc nhót, mấy cây sắn lẻ loi còi cọc, không thể chết bởi sự bao phủ mà sự sống cũng lom dom. Góc vườn, cây ngọc lan tỏa hương ngào ngạt. Lá xanh biếc, hoa trắng muốt chúm chím sau tán lá xanh kia, cây ngọc lan kiêu hãnh vượt lên bóng râm bao phủ của các loài cây khác, lặng lẽ tỏa hương cho đời.
Tôi bước đến gần cây roi đỏ. Cũng là roi đường. Khi cây roi xuất hiện trong vườn, bố tôi mừng lắm. Bố bảo, loài này ăn quả rất tốt. Nếu quả ngọt thì tuyệt, còn quả dơn dớt chua cũng chẳng sao, chấm tý muối là ổn hết. Mẹ tôi “kết” cây chay lừng lững ở vườn hơn hết.Cây chay ăn quả và cho rễ để mẹ ăn trầu. Mẹ tôi nghiện trầu. Chiếc cối giã trầu làm bạn với mẹ từ rất lâu rồi. Mẹ ra sau nhà, ngắt mấy lá trầu, thái mấy miếng vỏ chay và miếng cau nữa là xong. Răng mẹ không còn chiếc nào, mẹ bỏm bẻm nhai miếng trầu bằng hàm răng giả , bằng tâm thế của người chịu ơn cây trái trong vườn. Vì vậy, ngày mẹ mất-thương mẹ, thương cây, chúng tôi đã đến từng cây trong vườn để buộc khăn tang cho cây cỏ. Cây cỏ sẽ cảm nhận được sự đồng vọng và sẻ chia với tấm lòng con người. Cây sẽ không khô héo đi, như mẹ vẫn thường nói như ngày còn sống.
Còn bây giờ, tôi bước chân qua đám cỏ gà. Đám cỏ nổi tiếng là giỏi dự báo thời tiết cho con người không quen ở nơi tối tăm, ẩm thấp. Hễ có ánh sáng là nó vươn ra ngay. Câu nói của người xưa: “Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa” từ bao đời nay đã gắn cho cỏ gà một sứ mệnh: dự báo thời tiết cho con người. Chưa biết đúng hay sai. Nhưng ít ra loài cỏ này không chỉ để chọi cho bọn trẻ ham vui mà còn hữu ích cho con người.
Từng đám cỏ gà lan xa ra tận cổng, rồi phóng ra ngoài đường. Bàn tay rễ của chúng vươn về nơi có ánh sáng, có ánh nắng tràn trề. Bao mùa mưa nắng trôi qua, từng lớp cỏ vẫn mãi lên xanh, thứ tự lớp lang để tồn tại.
Tôi cúi xuống, không chỉ cỏ gà mà cỏ mật cũng thoang thoảng đâu đây. Loài cỏ mật đến lạ, chỉ thực sự cho con người biết đến mình sau khi đã héo khô. Nó không bao giờ chết, bởi mùi hương ngọt ngào của nó thoảng bay trong tâm thức con người. Mỗi khi làm vườn, nhổ cỏ về, bao giờ cha tôi cũng mang về một nhúm cỏ mật cho tôi. Cha biết tôi thích mùi thơm độc đáo này. Một nhúm cỏ thôi, cũng để kỷ niệm ướp hương thơm mãi. Cho đến bây giờ, mỗi khi qua đê sông Hồng hay qua những thửa ruộng của một miền quê, tôi chăm chú nhìn xuống chân mình, cảm nhận đâu đây mùi hương của cỏ mật. Cảm nhận được lòng cha mỗi khi thu đến gần. Cứ sinh sôi đi, cỏ mật, cỏ gà…kể cả cỏ xước, cỏ may…Mỗi loài cỏ là một thân phận, mỗi loài cỏ là một câu chuyện, cổ tích và hoài niệm xa xôi cho tuổi ấu thơ con người. Mỗi con người đều mang theo kỷ niệm và tuổi thơ làm lộ trình trong cuộc đời.
Trong đó có cỏ. Cỏ len vào nỗi nhớ, trong mỗi trang thơ …
Trong khu vườn cổ tích nhà tôi, có huyền thoại và nỗi niềm của cỏ . Trong ánh chiều lấp lóa, khi ánh nắng chuẩn bị hắt lên những tia nắng cuối ngày rồi mất hút sau lùm cây, tôi bất chợt gặp lại hình dáng mẹ đang lom khom. Chiếc nón đã rời tay mẹ. Mẹ lấy tay áo nâu lau mồ hôi. Trên tay mẹ là cả một mớ cỏ mần trầu.
Không, trên tay mẹ là cả những tia sáng ban mai. Mẹ ra vườn để làm sáng bừng khu vườn cổ tích. Mẹ nghe cỏ cây nói chuyện mình. Mẹ nghe lời cỏ cây với nỗi niềm miên man không dứt.
Bờ ao vẫn uênh oang cuộc đàm đạo của cuộc họp bàn ếch nhái. Những câu chuyện theo mùa mưa nắng, cũng như loài ếch nhái, côn trùng khác, cỏ biết lưu lại qua ký ức con người, qua sự hoài niệm mênh mang không bao giờ dứt được.
Tôi rời vườn để ra theo phía con đường, theo hướng lũ cỏ gà chỉ. Phía trước, đi một đoạn nữa là dòng sông Cầu đang chảy. Phía xa nữa, là dãy núi xanh sau những chòm mây. Nhưng tôi biết, ở đâu, cũng có cỏ. Cỏ xanh trong nỗi nhớ và đau đáu trong sự khát khao cháy bỏng của sắc màu huyền thoại con người.
Cứ để cỏ lên xanh trên những mộ chí, xanh mãi trong mùa Vu Lan. Ông, bà, mẹ cha ta đã có cỏ ru êm giấc ngủ đêm ngày…
Miên man cỏ…
Thái Nguyên-Hà Nội
-Mùa Vu Lan2010