“Mèo” lại hoàn “mèo”!

GD&TĐ - Sau thời gian dài đổi hết từ cách gọi này đến cách gọi khác, cuối cùng trạm thu phí vẫn trở về với cái tên ban đầu là... trạm thu phí. Thế nhưng, việc trả lại tên không giúp Bộ GTVT giải quyết được bản chất của vấn đề.

Sau thời gian dài loay hoay, các trạm BOT đã được trả lại đúng tên... trạm thu phí
Sau thời gian dài loay hoay, các trạm BOT đã được trả lại đúng tên... trạm thu phí

Trả lại tên cho... “em”

Ngày 20/8, Bộ GTVT công bố dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Đáng chú ý, trong dự thảo này, Bộ GTVT chính thức định danh trở lại “trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Việc trả lại tên được thực hiện sau nhiều lần bộ này đưa ra các cách định danh khác nhau cho loại hình thu tiền dịch vụ này.

Vào năm 2016, Bộ GTVT từng gây xôn xao dư luận, tạo nhiều ý kiến trái chiều khi ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT, đổi tên “phí sử dụng đường bộ” thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”. Ở thời điểm đó, trạm thu phí đều đổi tên thành “trạm thu giá” thay vì sử dụng đầy đủ cụm từ “trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ”.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT trước Quốc hội ngày 4/6/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ GTVT không phải nghiên cứu thêm về tên gọi nữa mà trả lại tên trạm thu phí như cũ. Đến ngày 10/7/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư dự án BOT yêu cầu đổi lại tên “trạm thu giá” thành “trạm thu phí” trước ngày 20/7/2018.

Tháng 5/2019, Bộ GTVT tiếp tục xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT, dự kiến gọi trạm thu phí là “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”.

Chưa giải quyết đúng vấn đề

Bình luận về việc Bộ GTVT trả lại tên cho trạm thu phí, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Việc đổi tên khá khôi hài”. Theo ông Thanh, việc đặt tên và đổi tên của Bộ GTVT đối với hình thức thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ là câu chuyện loay hoay, quanh quẩn, chưa giải quyết đúng vấn đề cần được đặt ra.

Ông Thanh phân tích, trước đây, khi hình thức BOT chưa xuất hiện, Nhà nước đầu tư vào việc sửa chữa, bảo trì cầu đường trước, sau đó thực hiện thu phí cầu đường thì tên gọi của loại hình thu phí này hoàn toàn chính xác. Tiền phí được nộp lại ngân sách Nhà nước và phân bổ lại cho các khoản tiền đầu tư khác cho việc quản lý đường bộ. Đến nay, từ lúc hình thức đầu tư BOT xuất hiện, câu chuyện đã hoàn toàn khác.

Khi các doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng, bảo trì cầu đường thay cho Nhà nước, họ được phép thu lại khoản tiền đầu tư này trong một thời gian khai thác nhất định. Suốt thời gian khai thác, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm chi các khoản bảo trì, sửa chữa, đảm bảo chất lượng cho công trình theo đúng các thỏa thuận đã cam kết với Nhà nước. Trong thời gian đó, nhà đầu tư được thu lại các khoản tiền do mình bỏ ra thông qua việc thu tiền của người dân sử dụng cầu đường.

Lúc này, bản chất việc thu tiền hoàn toàn khác hẳn so với cách gọi “trạm thu phí” được sử dụng trước đây. Khoản tiền này không được thu về ngân sách Nhà nước mà do doanh nghiệp trực tiếp thu. Sau khi thời gian khai thác kết thúc, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại công trình đường bộ này cho Nhà nước. Chính vì thế, không thể gọi hình thức thu này là “phí” được.

“Bộ GTVT đang ngại sử dụng định nghĩa dài cho việc đặt tên dịch vụ nên đưa ra từ giá là vô nghĩa. Bộ có thể sử dụng định danh là “trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ” để đặt tên một cách đầy đủ và chính xác cho hình thức này”, ông Thanh nhận định. 

Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc tìm ra tên phù hợp cho hình thức này suốt thời gian qua ở Bộ GTVT lại loanh quanh luẩn quẩn. Cách định danh bị vướng vào Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách vốn đã định nghĩa rất đúng về phí và giá dịch vụ. Hình thức thu tiền ở các công trình BOT chính là việc người sử dụng công trình trả tiền cho dịch vụ doanh nghiệp cung cấp. Việc gọi tên “giá dịch vụ” là vô nghĩa.

Theo ông Thanh, vẫn phải đặt lại tên cho chính xác hình thức dịch vụ này, không thể “lập lờ đánh lận con đen” giữa các định danh này. “Bộ GTVT đang e ngại dư luận nên không quyết liệt đến cùng việc định danh dịch vụ”.

Thu đúng mức, đặt đúng chỗ

Nếu không bàn đến cái tên, thì nội dung của dự thảo mới sửa đổi Thông tư số 49 có nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, dự thảo thông tư quy định: Trạm thu phí sử dụng công nghệ cho việc thu phí phải được chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu và phù hợp với công nghệ chung của các trạm thu phí đang áp dụng và được Bộ GTVT chấp thuận. Quy định này thuận tiện cho việc thu phí tự động theo công nghệ thu một dừng. Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của trạm thu phí phải bảo đảm kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Vị trí trạm thu phí phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của Nhà nước; phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, bảo đảm khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.

Đối với các trạm thu phí thu theo hình thức thu hở (thu theo lượt), vị trí trạm thu phí phải được công khai cho chính quyền cấp huyện và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu phí. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố công khai vị trí trạm thu phí tại trụ sở UBND quận (huyện), phường (xã) nơi dự kiến đặt trạm thu phí.

Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh, hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trạm thu phí... Dự thảo quy định trạm thu phí phải định kỳ sao lưu dữ liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ