Tôi lấy chồng Nhật Bản và định cư ở Nhật. Hồi con gái được hơn 8 tháng tuổi, tôi cho cháu về quê ngoại. Đa số khách tới thăm vào giờ ăn của bé đều thốt lên:” Ơ, ăn ít thế? Ăn uống thế hèn nào gầy quá. Mẹ nó thật là... sao không ép con ăn?" Tôi có cảm giác mọi người quan tâm đến đứa trẻ chỉ ở chỗ nó béo hay gầy. Và dường như, đó là tiêu chí duy nhất đánh giá sức khỏe một đứa trẻ, trình độ nuôi con của một người mẹ?
Tôi đã chứng kiến cảnh ở gia đình bạn tôi, cô con gái chừng 1 tuổi, mỗi bữa ăn người nhà xay một bát cháo nhuyễn như bột rồi kẻ hò người hét, quát nạt có, nịnh nọt có để cho bé ăn. Tất tật mọi vật dụng trong nhà như tivi, ipad cũng lôi ra làm trò mua vui, khiến bé mất tập trung để "ăn cho nhanh".Thậm chí có người "phát minh" ra sáng kiến bóp mũi để bé bí thở phải há miệng ra thế là người khác nhanh tay đút tọt thìa bột vào.
Một bữa ăn đầy tiếng la khóc, quát tháo inh ỏi, và bạn nghĩ gì nếu có ai đó cứ đến bữa lại bóp mũi bạn để hòng cho bạn ăn?
Trong khi ở Nhật, trong quá trình nuôi con nhỏ, thường người ngoài không mấy quan tâm chuyện con béo hay gầy. Chỉ cần con khỏe. Khỏe không nhất thiết phải là mập, và gầy thì không có nghĩa là không khỏe. Khỏe là phát triển bình thường, nhanh nhẹn, hoạt bát chẳng phân biệt to nhỏ, gầy béo; ngược lại nếu con bị mập phì thì phải lo cho con ăn kiêng để giảm cân dù còn bé.
Muốn con mập mạp theo “tiêu chuẩn” của ông bà, cha mẹ Việt, thì phải ép con ăn, càng nhiều càng tốt. Ở Việt Nam, khi bé đến tuổi ăn dặm. Tôi thường thấy cảnh cha mẹ “nhồi” cho con ăn thêm dù con phụng phịu đã no rồi. Con đã ăn một bát thì muốn con ăn thêm bát nữa, con ăn lưng bát vẫn thấy còn ít.
Nếu chỉ vì con mập cho bằng “con người ta” (hoặc hơn càng tốt), mà mẹ được khen là mẹ giỏi, mẹ hiền thì đó là vì bản thân mẹ chứ không phải vì con.
Cũng khó trách được các mẹ Việt. Cho dù bây giờ, nhiều mẹ không quan niệm là phải nuôi con sao cho mập, nhưng đôi khi không kiềm chế được nỗi bức xúc khi có những người chê con cô ấy gầy, hay không chê mà nói những câu rất là “vô duyên”: “ Ơ, ..tháng/tuổi mà bé thế!?”, thậm chí có những bà mẹ còn so sánh: ” Ôi con chị bé thế, con em ít tháng hơn mà nặng tới...kg cơ mà”. Dù biết cân nặng không quyết định tới sự phát triển của một em bé, nhưng rõ ràng những câu nói như thế vô tình gây tổn thương cho mẹ của bé. Bởi vì đôi khi câu chuyện béo gầy của một bé lại còn được gắn với liên tưởng mẹ nuôi con có khéo không.
Để rồi, nhiều mẹ bị "tác động" vì không tin một đứa bé gầy cũng có thể là một đứa bé khỏe mạnh, vì không muốn con bị chê hay chính mình bị chê mà ép buộc con ăn uống. Khiến mỗi bữa ăn như một cuộc "hành xác". Khiến nhiều bé nghe tiếng bát thìa lạch cạch là đã khóc thét lên rồi.
Thay vì ép con ăn, ngay từ khi tập ăn dặm, bé nên được cho ăn đúng giờ, ăn vừa theo nhu cầu của bé. Cho dù còn nhỏ, đến bữa ăn của gia đình, bé cũng được cho ngồi cùng bàn ăn với ghế riêng và tham gia bữa ăn với mọi thành viên khác. Bố mẹ cho bé nêm nếm các loại thức ăn có trong bàn ăn trừ món cay quá, mặn quá hay đồ tươi sống, nhiều dầu mỡ. Bé có thể ăn bốc, được vung vãi khi chưa thể cầm thìa. Bé sẽ cảm thấy "cuốn hút" vào bữa ăn gia đình, thích thú với việc thử các món ăn. Bé còn cảm nhận được sự ấm áp của không khí gia đình.Thế nên, chỉ mẹ Việt ích kỉ mới ép con ăn.
Trong bữa ăn của riêng bé, nên cho bé ăn trong vòng 30 phút. Hết giờ, dù bé chẳng ăn được miếng nào hay đòi ăn nữa cũng ngừng lại. Không nên có một quy chế “ưu tiên” kéo dài bất tận bữa ăn cho bé. Bằng cách đó, bé sẽ ý thức được chuyện ăn uống, và biết đó là "quyền lợi" của mình.
Và như vậy sẽ không có cảnh người lớn bê bát cơm chạy theo khắp nơi để dỗ dành bé ăn. Nếu bé không ăn đủ thì bé sẽ đói và vì vậy cần phải ăn đúng cách thức, cùng với gia đình.
Nếu con nói đủ rồi thì có lẽ cha mẹ nên cho phép con được ngừng ăn. Bởi hơn ai hết chính con hiểu cái bụng của con nhất!