Mẹ và câu chuyện về giáo dục

GD&TĐ - Đó là chủ đề buổi trò chuyện cuối tuần qua tại Viện Goethe Hà Nội với sự góp mặt của GS.TS Triết học Thái Kim Lan - tác giả cuốn sách “Thư gửi con” và dịch giả Nguyễn Bích Lan - dịch giả cuốn sách “Màu của nước”. Điều căn cốt giữ gìn bản sắc văn hóa chính là ở vai trò của người mẹ và giáo dục gia đình.

Mẹ và câu chuyện về giáo dục

Trò chuyện và đối thoại với con

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Triết học Thái Kim Lan đã kể những câu chuyện nhỏ trong việc dạy con, đặc biệt là dạy về tình yêu thương và sự chia sẻ, trong bối cảnh định cư ở nước Đức với nhiều khác biệt về văn hóa với người châu Á.

Theo GS.TS Triết học Thái Kim Lan, một em bé Việt Nam sinh ra ở Đức nhưng được nằm trong cái nôi tre thuần Việt, được bú mẹ hàng giờ thay vì phải ngậm núm vú cao su vô cảm, được ôm ấp, được mẹ hát ru… Em bé ấy khi lớn lên không chỉ nói sõi tiếng Việt mà còn nói “đặc sệt” giọng Huế - một điều hiếm thấy trong gia đình người Việt ở nước ngoài.

Điều này cho thấy, dù trong hoàn cảnh nào nếu người mẹ trò chuyện và truyền sự rung cảm của mình về quê hương, đất nước Việt Nam cho em bé thì khi lớn lên em bé đó cũng sẽ biết yêu quê hương, yêu tiếng Việt như thể em được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam.

GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ: “Điều quan trọng nhất cho một đứa bé, ngoài dinh dưỡng là cuộc đối thoại không ngừng để hình thành tâm hồn và nhân cách cho trẻ.

Khi em bé ở trong bụng mẹ, tôi đã trò chuyện, kể cho con gái nghe về quê hương, đất nước. Khi con ra đời, tôi tiếp tục kể cho con nghe những câu chuyện về gia đình, ông bà nội, về mảnh đất và con người Huế, về Việt Nam. Dưới con mắt của trẻ con, đó như câu truyện cổ tích và tự trong trí tưởng tượng của bé sẽ hình thành nên những nhân vật ông bà nội, ngoại, quê hương theo cách của mình.

Đến khi trở về Việt Nam bắt gặp những con người đó, cảnh vật đó đứa trẻ này sẽ thấy rất gần gũi và như gặp hôm qua. Đây cũng là sự gắn kết đứa trẻ với quê hương và giúp cho đứa trẻ hình thành nhân cách, tình yêu quê hương đất nước dù cho chúng có cách xa quê hương khá nhiều về địa lý”.

Truyền niềm tin cho con

Dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng đã chia sẻ với độc giả câu chuyện riêng của mình - từng là đứa trẻ khỏe mạnh, xinh xắn, vô tư, ham chơi. Những ngày cắp sách tới trường của cô cả một thế giới văn chương lung linh nhưng bánh xe cuộc đời cô khựng lại trước những hướng đi đầy hy vọng, khi cô mắc bệnh nan y.

Cô tâm sự, cô vượt qua nghịch cảnh nhờ tình cảm với người mẹ: “Khi bác sĩ nói bệnh của tôi không chữa được, tôi tuyệt vọng, nhưng tôi nghĩ mình còn có mẹ. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, mẹ tôi là người mạnh mẽ nhất, yêu con theo cách của riêng mình. Bà luôn để khoảng không cho các con được lựa chọn con đường mình đi, được phát huy tiềm năng tự học, làm nên sự khác biệt”.

Dịch giả cũng kể những câu chuyện, cảm xúc của mình khi dịch cuốn “Màu của nước”, ví như hình ảnh người mẹ ngủ gục trên cuốn vở bài tập của con mình, hay câu chuyện về sự nỗ lực tìm kiếm trường học tốt nhất cho con của bà, cách truyền niềm tin cho con, rằng nếu quyết tâm, nỗ lực hết sức, tự đi bằng đôi chân của mình, con sẽ có ngày vươn lên, trưởng thành.

Qua buổi trò chuyện, các diễn giả muốn nhắn gửi tới bạn đọc về vai trò giáo dục của người mẹ đối với con cái khi hòa nhập với một nền văn hóa khác mà không hòa tan. Điều căn cốt giữ gìn bản sắc văn hóa chính là ở vai trò của người mẹ và giáo dục gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ