Mẹ ơi, con muốn sống!

GD&TĐ - Chiều đông, tại nghĩa trang giáo xứ An Bài, huyện Hải Hậu (Nam Định), cha xứ và những giáo dân đang làm thủ tục an táng cho hơn 400 thai nhi mồ côi. Tiếng kinh cầu vang xa đưa tiễn những linh hồn bạc mệnh về với cõi vĩnh hằng. Vẳng trong khung cảnh não nề ấy như có tiếng khẩn cầu của những sinh linh bé nhỏ: Mẹ ơi, con muốn sống!  

Các tình nguyện viên khâm liệm hơn 400 thai nhi
Các tình nguyện viên khâm liệm hơn 400 thai nhi

Những phận người ngắn ngủi

Một tối mùa đông mưa lạnh, tôi gặp Nguyễn Trọng Đạo và Nguyễn Thị Huế ở quán trà trên phố Nguyễn Trãi (Hà Nội). Đây là điểm hẹn mà các thành viên của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” thường ngồi mỗi tối, chờ cuộc gọi thông báo có thai nhi bị bỏ rơi, để đến tiếp nhận. Cả hai đều mới bước vào tuổi 20, đang là sinh viên đại học…

Mỗi ngày, Đạo, Huế và các thành viên nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” tiếp nhận hàng chục thai nhi, có trường hợp thai đã 5 - 6 tháng tuổi, đã có hình hài, thậm chí phân biệt được giới tính. Có trường hợp khi tìm thấy, thai nhi bị vứt trong sọt rác kiến đã bám đen lại. Có trường hợp thai to, khi phá thai phải làm thủ thuật cắt rời, không còn lành lặn nữa, phải nhặt từng phần, ghép lại đầy đủ rồi mới đem khâm liệm, bảo quản lạnh để mỗi tháng một lần đưa đi mai táng tại các nghĩa trang dành cho thai nhi…

Trong khi tôi và Đạo đang trò chuyện, Huế nhận được cuộc gọi và dắt xe đi trong im lặng. Nửa giờ sau cô quay lại với một túi nilon trên tay, bên trong chứa những hộp bìa carton nhỏ. Huế cười gượng gạo: “Chỗ này có sáu anh ạ. Một bạn tình nguyện viên đang đi nhận thêm bốn nữa. Hôm nay nhóm tiếp nhận mười thai nhi”…

Chiều cuối đông, tại nghĩa trang giáo xứ An Bài, huyện Hải Hậu (Nam Định), tiếng kinh cầu vang xa đưa tiễn những linh hồn bạc mệnh, bé nhỏ về với cõi vĩnh hằng. Chiều nay, người dân giáo xứ An Bài cùng tụ về đây, đón nhận và làm lễ an táng cho hơn 400 thai nhi bị bỏ rơi, được các tình nguyện viên tiếp nhận và đưa về an táng tại nghĩa trang giáo xứ… Nguyễn Hạnh An là cái tên trên tấm bia hiếm hoi trong tổng số hơn 3.000 thai nhi được an táng tại khu dành cho “các linh hồn mồ côi”. Bé chính là thai nhi bị người mẹ ném xuống từ tầng 34 của một tòa nhà chung cư tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội. “Tội nghiệp, con bé đẹp như một thiên thần”. Tiếng ai đó bật ra rất khẽ, nghe nghèn nghẹn…

Khoảng 2 năm nay, mỗi tháng một hai lần, người dân giáo xứ An Bài và các nhóm tình nguyện viên lại làm lễ an táng cho những “linh hồn mồ côi”. Hiện có nhiều nhóm tình nguyện đang làm công việc tương tự nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” và con số thai nhi bị bỏ rơi trên thực tế còn lớn hơn hàng chục lần và rất khó thống kê chính xác bởi những cơ sở tư nhân cung cấp dịch vụ phá thai “chui” đang rất phổ biến. Và cũng bởi vậy mà những nghĩa trang thai nhi vẫn đang xuất hiện thêm trên cả nước.

Cha cố và người dân giáo xứ An Bài cầu kinh cho linh hồn các thai nhi
  • Cha cố và người dân giáo xứ An Bài cầu kinh cho linh hồn các thai nhi

Con muốn sống…

Hai năm trước, Nguyễn Thanh Hòa, quê Thái Bình, học năm thứ ba tại một trường đại học ở Hà Nội. Nhà có bốn chị em lại là chị cả, cô là niềm tự hào của gia đình. Một bước “sảy chân” đã để lại cho cô gái trẻ biết bao nhọc nhằn, tủi cực. Cố kìm nén sự xúc động, Hòa kể: Biết em có thai, bạn trai em đã yêu cầu em… “bỏ”. Nhưng từ sâu thẳm trong tim em nghĩ đó là con của mình. Em không thể bỏ con được. Em sẽ chấp nhận tất cả để sinh con…

Nhưng sự đời không đơn giản như suy nghĩ của cô gái trẻ với cái bụng bầu trong trường đại học. Mỗi ngày, cô đều phải vượt qua những xì xào, dị nghị của chúng bạn cùng trường. Đến tháng thứ bảy, khi cái bụng đã lồ lộ không thể giấu vào đâu được, ấy cũng là lúc cuộc sống của cô sinh viên thực sự đi vào bế tắc.

Theo báo cáo năm 2017 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức… Tổng tỷ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người từng phá thai ít nhất một lần và có khoảng 17,4% phụ nữ từng phá thai trong cuộc đời của mình… trong đó, 20% ở độ tuổi vị thành niên. 

Những tưởng có thể trông cậy vào sự chở che, giúp đỡ của gia đình, Hòa trở về quê. Buồn thay, cha mẹ đã ngoảnh mặt với cô. Họ nhất định không chấp nhận “niềm tự hào của gia đình” lại về “bôi gio, trát trấu” vào mặt cha mẹ… Niềm hi vọng vụt tắt. Suy sụp, mất niềm tin, Hòa lặng lẽ trở lại Hà Nội sau hai ngày chui lủi trong gian buồng đóng kín ở chính nhà mình và nghe những lời chì chiết, đay nghiến của cha mẹ.

Không tiền, không chỗ dựa, không chốn dung thân nhưng cuộc đời chưa xô cô đến bước đường cùng. Hòa được người quen giới thiệu đến nương nhờ tại một “ngôi nhà chung”. Nơi đây, những thành viên của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” đã vận động những người tình nguyện giúp đỡ, tạo dựng làm nơi trú ngụ cho những cô gái có cùng hoàn cảnh với Hòa trong thời gian chờ đến ngày sinh nở… Giờ Hòa đã học xong đại học, kiếm được việc làm ổn định và sống hạnh phúc bên cậu con trai kháu khỉnh.

Chuyện của Nguyễn Thanh Hòa không phải là cá biệt. “Ngôi nhà chung” của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” đã cưu mang, giúp đỡ nhiều cô gái có những mảnh đời như vậy. Dù mỗi câu chuyện đều có những nét riêng, nhưng hầu hết trong số họ đều từ nông thôn ra Hà Nội. Họ đến với “ngôi nhà chung” để tránh điều tiếng xã hội, sự “ngoảnh mặt” của gia đình. Hơn 10 năm qua, bên cạnh công việc cứu hộ thai nhi bị bỏ rơi, một phần việc quan trọng của nhóm “Chia sẻ sự sống Hà Nội” là tư vấn, giúp đỡ những người mẹ trẻ muốn phá thai giữ lại đứa trẻ, hỗ trợ để họ sinh con và tự nuôi con.

Chị Nguyễn Thu Trang, thành viên nhóm chia sẻ: Là một người mẹ, qua việc làm của mình, tôi muốn nói với những bậc làm cha mẹ rằng, hãy thương yêu con mình dứt ruột đẻ ra, đặc biệt là khi con mình “lỡ bước”. Và các bạn trẻ, hãy sống và yêu thật, hiểu biết, trách nhiệm. Nếu làm được như vậy thì sẽ không có những trường hợp phá thai, không có những đứa trẻ bị bỏ rơi.

“Công việc “cứu hộ thai nhi” chỉ mang tính chất “chữa cháy”, “chia sẻ sự sống” mới là công việc hướng tới mục tiêu xã hội không có những đứa trẻ bị bỏ rơi. Xã hội vẫn còn rất nhiều người muốn có con mà không được. Các con không có tội, hãy để các con được sống”, Trưởng nhóm tình nguyện “Chia sẻ sự sống Hà Nội” Lê Thành Trung nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ