Tôi là một người phụ nữ hiện đại, cấp tiến. Ngay từ khi mang bầu, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu sách báo, Internet về cách chăm sóc, dạy dỗ con trẻ. Từ phương pháp dạy con kiểu Nhật, những chia sẻ của các bà mẹ thông thái có con học Harvard, tới những nghiên cứu khoa học được công bố… thấy điều gì hữu ích và phù hợp tôi đều ghi nhớ để áp dụng.
Mẹ chồng tôi lại là người phụ nữ truyền thống. Bà còn có một niềm tin vững chắc với những bài thuốc dân gian được các cụ đúc rút và truyền lại. Hết kỳ thai sản, tôi quay trở lại với công việc nên chúng tôi đón mẹ chồng lên để chăm sóc cháu, phụ giúp việc nhà. Sự bất đồng quan điểm khiến tôi và mẹ chồng liên tiếp “đại chiến” những khi con trai tôi ốm.
Tôi và mẹ chồng bất đồng quan điểm trong cách chăm cháu. (Ảnh minh họa) |
Trời trở lạnh, cu con nhà tôi mới hắt hơi, sổ mũi đôi chút mẹ chồng ngay lập tức đi ép nhánh tỏi, trộn với muối sinh lý rồi đem nhỏ cho cháu. Tôi sợ quá vì theo tôi đọc được, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm. Nó dễ gây bỏng rát, phù nề, có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ.
Hơn nữa, khi bỏng rộp niêm mạc mũi, trẻ sẽ khó thở bằng đường mũi, buộc phải thở bằng miệng là nguy cơ gây viêm họng, viêm phổi cho trẻ. Thấy tôi không đồng tình, mẹ chồng khó chịu ra mặt, đi ra đi vào là “đá thúng đụng nia”. Thỉnh thoảng bà còn nói tự ái “tôi già rồi, ngu dốt, không biết gì, không dám chăm con cho anh chị nữa kẻo lại làm ơn mắc oán”.
Cháu sốt, mẹ chồng tôi dùng lá diếp cá nhai bằng miệng vẫn đỏ màu trầu để đắp lên trán cháu. Cháu sốt cao, mẹ chồng tiếp tục lấy nước vo gạo cùng rau diếp cá đã giã nhuyễn cho vào nồi đun sôi để cháu uống chứ nhất quyết không cho tôi mua thuốc và sử dụng thuốc tây. Bà bảo thuốc tây chỉ toàn chất hóa học, hại trẻ con, không an toàn bằng thuốc cây nhà lá vườn. Uống nhiều lại nhờn thuốc chứ không có lợi.
Trẻ sốt cao nên khám bác sỹ và uống thuốc hạ sốt đúng cách. (Ảnh minh họa) |
Ngày hè nóng bức, bà thi thoảng ra chợ mua nắm lá thơm, còn đi xin thêm ít lá kinh giới ở mép đường đầu ngõ rồi mang về đun nước tắm cho cháu để phòng rôm sẩy, mụn nhọt. Nói thế nào bà cũng không chịu. Tôi ý tứ với chồng để anh góp ý với mẹ rằng, nên thường xuyên vệ sinh khoa học cho con bằng sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh sẽ tốt hơn.
Nếu lá không sạch hoặc chẳng may không thích hợp với da trẻ, có thể khiến con bị viêm da và dẫn tới nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. Chồng tôi nghe xong, chẳng những không giúp mà còn cau mày “em cứ lo đâu đâu, mấy cái lá ấy làm sao mà hại cho con, toàn lá thuốc cả đấy. Mẹ có nhiều kinh nghiệm mình không biết được đâu”. Nghe xong tôi chán hẳn, chẳng biết phải làm sao.
Lại còn thế này nữa, hôm rồi con tôi mọc răng, đau nên khóc cả đêm không ngủ. Không nói không rằng với tôi, bà kêu chồng tôi bế con trai ra ngoài. Bỗng nghe thằng bé khóc ré lên, chạy ra thì đã thấy mẹ chồng ép cháu uống 1 thìa rượu. Tôi hoảng quá nên giằng bế cháu.
Thế là mẹ chồng cáu ầm ĩ “làm thế nó tê tê, hết đau thì thằng bé mới ngủ được chứ? Cô không xót con à?”. Thấy tôi nhìn sang cầu cứu chồng, bà nói tiếp “ngày xưa chồng cô cứ mọc răng là uống thế, có bị làm sao đâu mà còn khỏe mạnh ngời ngời ra đấy”. Chồng tôi còn gật gù hưởng ứng mà không biết rằng, cách này có thể làm tổn thương nướu răng và dẫn tới việc con bị ngộ độc.
Rồi còn nhiều việc nữa, chẳng hạn: dùng mật ong đánh tưa lưỡi; bế rung cháu để cháu dễ ngủ; cho thêm muối hoặc bột nêm vào cháo… Theo khoa học, những việc này đều rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi lại luôn tin tưởng tuyệt đối vì bà đã gắn cho chúng cái mác “kinh nghiệm dân gian”.