Mẹ chơi đóng kịch, con khỏi "nói leo"

Con gái tôi năm tuổi, khá tự tin, lanh lợi. Tuy nhiên, mặt trái của sự tự tin đó là tật nói leo. Khi người lớn nói chuyện, cháu thường xen vào mà lại nói rất to, rất lâu, khiến tôi nhiều phen xấu hổ với bạn bè. 

Mẹ chơi đóng kịch, con khỏi "nói leo"

Có khi cháu nói chẳng ăn nhập gì với nội dung người lớn đang trao đổi; có khi lại lớn tiếng phản bác, vặn vẹo lại.

Nếu có người khen “bé dạn dĩ, lanh lợi quá” là cháu càng hưng phấn, “cướp” luôn “diễn đàn”. Nếu tôi quát nạt, trừng mắt, cháu lui vào trong được vài phút, rồi lại trở ra tiếp tục tham gia. 

Chẳng những nói leo tại “hiện trường”, cháu còn giật điện thoại, giật micro, thò đầu vào webcam khi tôi đang "chát". Tại sao con tôi lại thích chen vào câu chuyện của người lớn như thế, trong khi đến nhà người khác, tôi thấy các cháu nhỏ rất nhút nhát, thường lánh mặt khi người lớn ngồi với nhau? Tôi phải làm sao để khắc phục “bệnh” nói leo ngày càng nặng của con?

Thu Hồng (Q.8, TP.HCM)

Chị Thu Hồng mến,

Tôi xin chia sẻ với sự khó xử của chị mỗi khi con “nói leo”. Nhưng tôi cũng chúc mừng chị, con gái chị có rất nhiều ưu điểm mà các cha mẹ thường ao ước. Cháu là một bé gái tự tin, có khả năng ngôn ngữ tốt, bạo dạn, cá tính.

Trước hết, để “trị” tật nói leo, chúng ta cần tìm nguyên nhân. Một bé hay nói leo có thể do bé vô tư, thích nói, chưa biết để ý đến cảm nhận của người khác, càng chưa biết đến phép lịch sự trong giao tiếp. 

Nguyên nhân nữa có thể do bé thích thể hiện bản thân. Có thể do bé bị cấm đoán nhiều thứ trong sinh hoạt, trong khi bản thân cháu là một người hiếu động, nên khi có khách cháu được dịp “sổ lồng”. 

Cũng có bé do được cha mẹ chiều, nói leo một vài lần không bị ai phản ứng, thậm chí có cha mẹ còn tỏ ra tự hào vì con lanh lẹ, nên quen dần thành tật khó bỏ.

Chị hãy xem lại quá trình từ bé đến lớn, có yếu tố nào ảnh hưởng đến hành vi nói leo của cháu không? Dựa trên nguyên nhân cụ thể mới có thể có giải pháp thích hợp.

Tôi gợi ý một vài cách ứng xử để chị tham khảo. Nguyên tắc đầu tiên là cha mẹ nên tránh la mắng hay chỉ trích khi cháu nói leo. Sự la mắng chỉ càng làm cháu tổn thương và sinh ương bướng, ức chế, có thể sẽ làm gia tăng hành vi xấu, do trẻ không kiểm soát được cảm xúc. 

Với nguyên nhân cháu chưa có kỹ năng giao tiếp, cha mẹ cần kiên nhẫn phân tích cho cháu biết nói leo là cách nói không đẹp. Nên lấy ví dụ cho cháu biết khi cháu đang nói chuyện với ai đó có người nói chen vào cháu sẽ cảm thấy như thế nào. 

Việc đóng kịch giữa cha mẹ và con, cho con được trải nghiệm cảm giác của người trong cuộc sẽ giúp trẻ thấu hiểu vấn đề hơn. Cha mẹ cần tập cho con phép xã giao lịch sự. Bản thân cha mẹ cũng cần làm gương khi giao tiếp với con hay trước mặt con.

Với nguyên nhân bé thích thể hiện bản thân, cha mẹ cần gián tiếp sửa lỗi cho bé: khen bé nhiều hơn trong các sinh hoạt hàng ngày mỗi khi bé làm tốt; giao việc cho bé được làm, được khẳng định vai trò của mình trong nhà, trong lớp… 

Khi có nhiều cơ hội khẳng định bản thân, được người khác ghi nhận, cháu sẽ bớt dần nhu cầu nói leo. Trường hợp cháu bị ức chế do cách cư xử khắt khe của cha mẹ, như cấm đoán, không cho con cơ hội nói… thì bản thân cha mẹ phải là người thay đổi cách ứng xử với con. 

Nếu bé được chiều, nói leo quen thành tật thì cha mẹ và mọi người cần thống nhất cùng nhau sửa lỗi cho bé, kiên trì nhắc nhở nhẹ nhàng khi cháu phạm lỗi, không nên người hà khắc người dễ dãi, cháu sẽ khó sửa lỗi.

Thực ra mỗi đứa trẻ là một cá tính, chị cũng không nên khắt khe quá trong chuyện này, chỉ cần hướng dẫn cháu cách giao tiếp đúng, động viên khuyến khích cháu mỗi khi cháu có nỗ lực sửa lỗi. Đừng vì sửa lỗi nói leo mà khiến cháu đang là một cô bé tự tin thành tự ti; đang vui vẻ, hồn nhiên, thành người ít nói, buồn chán…

Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

Theo phunuonline

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ