Sau giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng. Giữa vô vàn các phương pháp ăn dặm phương Đông, phương Tây,...nhiều chị em bỉm sữa bị loạn và không biết nên chọn ăn bổ sung như thế nào cho cân đối, hợp lý để trẻ được phát triển tốt. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng chị Trang (28 tuổi) - là bà mẹ của một cô con gái đáng yêu. Chị có một cô con gái 11 tháng tuổi - Hana. Bé Hana đã và đang hợp tác với mẹ rất tốt trong quá trình tập ăn dặm tự chỉ huy (BLW).
- Hiện nay, tại Việt Nam có ba phương pháp ăn dặm phổ biến nhất là ăn dặm truyền thống (ADTT), ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Tại sao chị lại quyết định cho bé nhà mình theo BLW?
Mình bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp ăn dặm từ hồi bé được hơn 4 tháng tuổi. Trong 3 phương pháp ăn dặm đang được ưa chuộng nhất, cái nào cũng có những ưu điểm riêng. Ví dụ như ADTT thì mẹ có thể tiết kiệm được thời gian ăn uống của con để làm những việc khác, và bé cũng được bổ sung rất nhiều dinh dưỡng qua đường ăn uống. Còn ADKN thì bé sẽ được vừa ăn, vừa khám phá mùi vị của nhiều món khác nhau. BLW thì ngoài việc khám phá mùi vị, bé còn được học và rèn luyện các kĩ năng ăn uống
Đúng 6 tháng tuổi, bé nhà mình bắt đầu ăn dặm. Sau khi cân nhắc giữa các ưu nhược điểm thì ban đầu mình chọn phương pháp ADKN cho bé vào buổi trưa, và buổi tối cho bé theo BLW.
Sau 1 tháng, khi bé tròn 7 tháng tuổi thì các món nghiền nhuyễn bạn ý không thích nữa, toàn nhè ra và cũng không hợp tác cho mẹ bón, đút. Bé tỏ ý là muốn được tự ăn nên mình quyết định cho bé ăn BLW hoàn toàn từ 7 tháng tuổi đến nay.
- Thời gian đầu khi mới chuyển sang BLW, chắc hẳn bé nhà chị khá thích thú và hợp tác với mẹ?
Bé thích lắm vì được tự do làm theo ý mình, ăn theo cách của mình, ăn theo khả năng của mình. Bé ăn được bao nhiêu thì ăn, không ăn nữa thì dừng. Cũng có những lúc bé không ăn là do ăn theo kiểu BLW này bé có thể sớm nhận biết được mùi vị của từng món nên nhanh chóng hình thành được khẩu vị, sở thích ăn uống riêng. Do đó, hôm nào mà toàn những món bé không thích thì sẽ từ chối không ăn.
- Khi bé không chịu ăn, chị có phải dỗ và ép bé ăn hết khẩu phần của mình không?
Mình quan điểm không phải là ép con ăn những gì mẹ nấu. Mẹ quan niệm trách nhiệm của mình là cố gắng nấu những món ngon mà con thích nhất - tất nhiên trong phạm vi những món tốt cho sức khỏe và đầy đủ dinh dưỡng. Chỉ cần là món ngon thì bạn ý sẽ tự động hợp tác.
- Trong quá trình cho bé theo BLW, chị kết hợp các bữa sữa như thế nào để bổ sung thêm dinh dưỡng cho bé?
Lúc trước, mình cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau này, bên cạnh việc ăn dặm, mình tiếp tục cho bé uống sữa mẹ bổ sung. Đến lúc bé tròn 9 tháng thì mình bắt đầu không có thời gian để kích sữa được nhiều nữa nên bắt đầu bổ sung thêm cho bé 2 bình sữa ngoài/ngày, còn lại thì vẫn sữa mẹ là chủ yếu.
- Trong giai đoạn ăn dặm, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các loại dinh dưỡng và dưỡng chất cho sự phát triển của cơ thể. Cái khó khăn nhất của nhiều bậc phụ huynh là "đau đầu nát óc" phân bố các món hàng ngày để trẻ không ngán mà đủ chất. Chị đã lên thực đơn thế nào cho bé nhà mình?
Mình luôn cố gắng đảm bảo bữa ăn của bé có đủ các nhóm chất: vitamin/khoáng chất (rau củ quả) - chất đạm - tinh bột - chất béo với tỷ lệ theo đúng tháp dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ. Và đặc biệt, mình không cho gia vị, đường, muối gì vào đồ ăn của bé.
Trước tiên, mình thường đặt các món rau củ quả lên bàn cho bé ăn trước, sau đó đến các món đạm và cuối cùng mới đưa tinh bột lên. Vì bé nhà mình thích các món tinh bột nhất nên mình thường cho ăn cuối cùng, khi đã ăn đầy đủ rau củ quả rồi.
Tuy nhiên khi đến 10.5 tháng thì bé nhà mình đã phân biệt rất rõ các món ăn rồi. Bé có thể tự chỉ tay vào món mình thích để "yêu cầu" mẹ lấy cho. Thế nên bây giờ mình nấu xong bày lên đĩa và đưa cho bạn cả đĩa để bạn tự ăn. Bạn thích ăn gì và ăn theo thứ tự nào thì tự ăn.
Trộm vía mình thấy bạn ăn cũng kiểu rất "người lớn". Bạn ý không phải ăn hết sạch món mình thích trước rồi mới ăn các món khác mà cũng ăn xen kẽ các món như người lớn.
Bé Hana tập ăn dặm tự chỉ huy khi 8 tháng tuổi
- Mỗi bữa ăn của bé, chị có mất nhiều thời gian để chuẩn bị không?
Mỗi bữa mình mất khoảng 30 - 40 phút từ sơ chế, chế biến, đến dọn dẹp nồi niêu xoong chảo. Thật ra BLW đơn giản là người lớn ăn gì sẽ cho bé ăn nấy nhưng là phiên bản không có gia vị.
Hàng sáng, mình dậy sớm một chút để làm cho bé và sơ chế sẵn các món cho buổi trưa trong lúc bé còn đang ngủ. Buổi trưa chỉ chế biến 1 lát là xong, nấu song song với các món của người lớn. Chiều đi làm về cũng vậy. Nên cho bé ăn theo BLW khá nhẹ nhàng và không tốn nhiều thời gian.
- Một trong những vấn đề mà cha mẹ quan tâm nhất là sự tăng trưởng về cân nặng và chiều cao của trẻ. Từ lúc theo BLW, sự phát triển của bé có đều đặn và ổn định không?
Bé nhà mình lúc mới sinh cũng hơi nhẹ cân hơn so với các bạn khác. Nhưng trộm vía từ lúc sinh ra đến giờ, tháng nào cũng tăng cân đều đều, khoảng 3 lạng mỗi tháng. Tháng vừa rồi, có thể do kĩ năng của bé ăn đã tốt hơn nên ăn được nhiều hơn. Bé tăng được khoảng 5 lạng dù đang ở tháng thứ 10.
- Phương pháp BLW ở Việt Nam cũng khá mới. Rất nhiều gia đình thường gặp khó khăn vì bố mẹ và người thân phản đối. Khi chị chọn cho bé ăn theo BLW, bố mẹ hai bên hoặc chồng chị có đưa ra các quan điểm trái chiều không?
Thời gian đầu, ông bà hai bên cũng không đồng tình với hai vợ chồng lắm vì muốn hướng theo phương pháp ADTT. Có một giai đoạn khi hai vợ chồng mình đi vắng 1 tuần, ông bà ở nhà giúp chăm sóc bé thì cũng cho Hana ăn theo phương pháp truyền thống.
Vợ chồng mình đã thuyết phục ông bà dần dần. Mình in các tài liệu về BLW để chứng minh đây cũng là 1 phương pháp ăn dặm tốt, giúp bé học được các kĩ năng ăn uống và nhận biết nhanh hơn. Miễn là bé vẫn phải được uống đủ sữa là đã có đủ dinh dưỡng. Dần dần qua thời gian thì ông bà cũng không còn phản đối nữa bởi chính bé đã chứng minh cho ông bà thấy mình có thể tự ăn được, tự ăn tốt và tăng cân đều. Thậm chí bây giờ bà nội còn giúp mình cho bé ăn BLW buổi sáng, và nấu bữa trưa BLW cho bé. Bà ngoại thì bây giờ còn tích cực làm các món phù hợp với BLW cho cháu ăn còn hơn cả mình.
Bé Hana khi 10 tháng tuổi
- Có vẻ như phương pháp ăn dặm BLW phù hợp với bé và cả gia đình. Với chị, ưu điểm nào của BLW khiến chị thấy thích nhất?
Với mình thì không có phương pháp nào đúng, phương pháp nào sai; cái nào tốt hơn, cái nào dở hơn. Tất cả phụ thuộc vào việc thực hiện phương pháp đó có đúng hay không.
BLW được cái lợi là mình đi chơi đâu thì cũng không cần phải lích kích chuẩn bị sẵn đồ ăn vì người lớn ăn gì thì bé ăn nấy. Khi cho đi ăn hàng hay đi du lịch đều tiện vì bé sẽ chỉ ngồi ăn một chỗ và tự ăn không cần ai phải nịnh. Bé sẽ học được tính tự lập từ sớm.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là vì bé ăn được bao nhiêu thì ăn nên luôn phải đảm bảo lượng sữa bé nạp vào hàng ngày. Và nếu bé vẫn bú sữa thì mẹ phải chú ý chế độ dinh dưỡng của mình để sữa mẹ đủ chất cho con.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị. Chúc chị và bé Hana luôn mạnh khỏe và vui vẻ!
Cùng xem thực đơn mỗi bữa ăn dặm theo phương pháp BLW của chị Trang dành cho bé Hana:
Mì nui cá hồi sốt cà chua; Dưa chuột; Rau dền luộc; Rau cải luộc; Lê Hàn Quốc
Nấm xào thịt heo; Cá hồi luộc; Lườn gà luộc; Mướp đắng nhồi thịt viên với hành và mộc nhĩ; Cơm trắng; Dưa hấu
Trứng hấp rau củ (cà rốt, súp lơ); Rau cải luộc; Bí xanh luộc; Giò; Ổi; Mít
Bí đỏ xào thịt băm; Gmbap trứng; Rau cải, cà rốt; Trứng rán; Đậu lướt ván; Rau cải luộc; Cơm; Nhãn
Bữa sáng: Mì nui cá hồi sốt cà chua; Dưa chuột chẻ; Dưa hấu; Nước đỗ đen
Bữa xế chiều: Pancake cuộn phô mai tươi; Pancake thường; Nho; Lê Hàn Quốc
Sườn ninh nhừ; Trứng rán cà chua; Bí xanh luộc; Bí đỏ xào tỏi; Rau dền luộc
Chả lá lốt (thịt băm, hành khô, mộc nhĩ viên); Rau muống luộc; Giá đỗ xào thịt bò; Lê Hàn Quốc; Quýt ngọt