Mấy ý nghĩ về việc đọc sách

GD&TĐ - Sách đến với tôi từ những ngày đầu tiên thất bại trong đời - thi trượt kì thi giải thưởng ở trường năm THCS. “ Những bài học cuộc sống’’ của Han Urban là quyển sách đầu tiên tôi đọc. 

(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh minh họa: Internet)
Ở đó, tôi học về kiên trì, tha thứ, yêu thương, về những thành bại trong đời,…nó khiến tôi bình tâm hơn trước những va vấp. Càng ngày, tôi đọc càng nhiều từ tác phẩm của tác giả trong nước như Nguyễn Nhật Ánh, Tô Hoài, Thạch Lam,… cho đến ngoài nước như Hector Malot, Mark Twain, Ernest Hemingway,… Mỗi tác giả với mỗi phong cách riêng mang đến chất nhân văn và giáo dục vào câu chuyện của riêng mình. 

Lần đầu tiên tham gia Hội sách vào năm 2011, tôi thấy cách người Sài Gòn đọc sách, trân trọng và phát triển thói quen đọc sách. Cũng chính từ ngày hôm đó, tôi ấp ủ một ước muốn nhân rộng thói quen đọc sách này và mang ý nghĩa của sách đến với mọi người đặc biệt là người trẻ.

Theo thống kê gần đây của Bộ Văn hóa - Thể thao -Du lịch, trung bình một ngừời Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm( không kể SGK) trong khi đó ở Malaysia năm 2012, trung bình một người đọc 10 - 20 cuốn sách/năm. 

Qua đó ta thấy rằng người Việt tiếp thu tri thức ở sách còn hạn chế. Bước phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội góp phần rút ngắn khoảng cách giữa tri thức với giới trẻ và cũng vì đó mà rút ngắn khoảng cách giữa người trẻ với những quyển sách truyền thống. 

Lượng thông tin khổng lồ trên Internet khiến việc sàng lọc trở nên khó khăn hơn. Ví dụ một cuốn sách được mua chỉ vì mọi người khen nó hay, có bìa đẹp hoặc nhiều hình ảnh chứ chủ nhân chưa đọc thử lần nào. 

Ngoài ra, đa số các hội sách, hoạt động quảng bá sách, giao lưu với tác giả chỉ diễn ra ở các thành phố lớn nên những nơi khác ít có điều kiện cập nhật những đầu sách mới cũng như học hỏi về văn hóa đọc thông qua các tác giả lớn.

Con số 0,8 mang trong nó lời nhắn nhủ đến mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ - thế hệ làm chủ đất nước: Hãy đọc mỗi ngày, bởi sách là người bạn thông thái nhất dạy ta những bài học quý giá thông qua từng câu chuyện. 

Nếu có cơ hội, bạn hãy tìm đọc Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata. Tác phẩm là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại. Đó là cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò ngôi trường Hồi giáo nhỏ ở đảo Belington trước nguy cơ trường bị xới tung để dò mạch thiếc. 

Hình ảnh về những đứa trẻ nghèo khao khát giáo dục, về thầy hiệu trưởng luôn nhắc nhở học sinh rằng “Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh”; về cô giáo đứng trước ngôi trường bị phá hủy bởi sóng thần giơ cao băng rôn “Cố lên, đừng bỏ học nhé!” sẽ không thôi nhắc nhở chúng ta về những giá trị mình đang có. 

Sách truyền tải thông điệp ý nghĩa về niềm đam mê học tập, làm thức dậy trong ta nhận thức về sự may mắn của chính mình khi được đến trường với tất cả sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô, bè bạn. 

Hay gần gũi hơn là cuốn tự truyện Không gục ngã của dịch giả Nguyễn Bích Lan. Ai cũng biết đến Nick Vujicic nhưng ít ai biết Nguyễn Bích Lan là người đã dịch những quyển sách của anh. 

Cô bị căn bênh nan y loạn dưỡng cơ năm 13 tuổi, cái tuổi đang có nhiều ước mơ, hoài bão, thích được chạy nhảy như nhiều bạn khác. Cô phải nghỉ học ở nhà, vất vả đi lại bằng cả tay và chân, mò mẫm học tiếng Anh từ sách của người em trai. 

Sau nhiều năm học tập không ngừng nghỉ, cô trang bị cho mình vốn kiến thức không thua gì những bạn bè học ở trường. Cô bắt đầu dịch sách bởi “tôi biết sách cần thiết cho cuộc sống đến mức nào và rằng được góp phần đem đến cho cuộc sống những cuốn sách hay là một niềm hạnh phúc”.

Nguyễn Bích Lan đã mạnh dạn viết nên câu chuyện đời mình với lời khuyên chân thành: "Cuộc sống luôn có những khó khăn nhất định, cuốn sách của tôi như một lời khuyến khích mỗi người đọc tự viết nên câu chuyện không gục ngã của chính mình". 

Và sẽ còn nhiều câu chuyện nữa nếu bạn tự tìm cho mình quyển sách để học hỏi và chiêm nghiệm.

Voltaire từng nói: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.

Có những câu chuyện thú vị bạn đọc được, có những cảm xúc sau khi gấp sách lại bạn chỉ muốn chạy ùa đến chỗ ai đó mà kể cho họ nghe. 

Lúc những câu chuyện hay được kể lại, những cảm xúc được sẻ chia và thấu hiểu thì đó cũng là lúc bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc dù nhỏ nhoi nhưng góp phần đong đầy ý nghĩa trong cuộc sống của riêng mình. 

Ngược lại, khi trò chuyện với người hiểu biết về sách, bạn sẽ thích thú trước những điều mà bạn chưa bao giờ được dạy ở trường. Khi ấy, niềm hứng khởi, sự tò mò bên trong sẽ thôi thúc bạn lật một cuốn sách ra với khát khao bước vào thế giới diệu kì của tri thức và sau là đem thế giới ấy đến cho mọi người. 

Sách dạy bạn nhiều điều hơn khi bạn bắt đầu sống theo những gì nó chỉ dẫn. Hãy chọn lọc thật kĩ để có những lời khuyên tốt nhất và đúng đắn nhất.

Lời khuyên ấy sẽ góp phần thay đổi được những suy nghĩ, quan điểm cũ kĩ bấy lâu để bạn nhìn cuộc đời qua lăng kính mới và hành động ý thức hơn. 

Bạn bắt đầu với việc đọc sách nhưng phải kết thúc nó bằng hành động. Khơi dậy và lan tỏa thói quen đọc cũng giống như việc truyền lửa, mỗi người góp một ít thì không lâu sau ngọn lửa tri thức sẽ lấp lánh khắp cuộc sống quanh ta.

Trong cuộc sống này, tôi may mắn gặp được những người bạn, người thầy đã truyền cảm hứng đọc sách cho tôi. Lúc đầu nó là đốm lửa nhưng càng ngày càng rực rỡ lên thành một ngọn lửa lớn. 

Và hôm nay, ngọn lửa ấy mong muốn thắp lên cho hững tâm hồn khác một phần ánh sáng của nó với mong muốn cuộc sống sẽ trở nên ấm áp hơn nếu ta biết làm bạn với sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ