Máy bay tự lái: cơ hội & nguy cơ

GD&TĐ - Drone bay lượn trên bầu trời, trong phạm vi nhìn thấy của người điều khiển (bằng mắt thường hay trên màn hình) và dùng camera lắp trong nó để chụp ảnh và gửi về điện thoại bằng wifi.

Các công ty đã dùng drone để chuyển hàng
Các công ty đã dùng drone để chuyển hàng

Không có giới hạn cho việc nghiên cứu phát triển máy bay không người lái

Điều khiển drone là công việc vừa dễ dàng vừa phức tạp, tùy theo mục đích của người vận hành, tính năng của thiết bị và môi trường chung quanh. Cho drone cất cánh, lưu thông, lăn lộn và hạ cánh không khó, nhưng biết cách ứng phó nhanh và chính xác khi gặp tình huống xấu hoặc bất ngờ là cả vấn đề.

Sự lúng túng và thiếu chính xác có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Thậm chí khi điều khiển drone bạn còn phải tập trung hơn là lái máy bay lớn. Trong không lưu, thảm họa sẽ đến trong tích tắc nếu bạn lúng túng. Người điều khiển không thể trông cậy vào “hệ thống lái tự động an toàn” có trong một số drone thế hệ mới, ví dụ hệ thống kiểm soát GPS ngăn không cho máy bay đi vào vùng gió mạnh.

Luôn luôn tiềm ẩn rủi ro khi chúng ta quá trông cậy vào việc lái tự động. Khả năng quan sát, tỉnh táo và xử lý đúng tình huống của người điều khiển là điều hết sức cần thiết. Drone càng lớn càng phức tạp thì nguy cơ gây tai họa hay gặp nạn cũng nhiều hơn.

Chẳng ai muốn mình là kẻ điều khiển drone tồi cả – Alistair Johnson của công ty Whispercam (một cựu sĩ quan Không lực Hoàng gia Anh có bằng kỹ thuật không lưu hiện đang lái máy bay cho hãng hàng không Anh British Airways) cảnh báo. Hiện nay, ai cũng có thể mua drone trên mạng hay từ cửa hàng và dùng nó làm phương tiện giải trí, thư giãn.

Ngoài vấn đề an toàn, ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc drone đang xâm nhập quá nhiều vào cuộc sống riêng tư khiến cơ quan bảo vệ thông tin Information Commissioner’s Office phải lên kế hoạch sẽ đưa drone vào diện phải tuân thủ Luật Bảo vệ Dữ liệu (Data Protection Act). Hiện nhiều công ty kinh doanh trên mạng đã dùng drone để chuyển hàng đến nhà người mua.

Theo Johnson, có 3 loại người sử dụng drone: các phi công lái máy bay thương mại hội đủ mọi tiêu chuẩn yêu cầu; những người dùng drone để giải trí (họ được chính phủ quan tâm nhất về hành vi xâm phạm quyền riêng tư công dân) và những người dùng drone cho các hành động vi phạm pháp luật hay gây án.

Nhóm sau cùng dùng drone ghi ảnh bất hợp pháp, đưa ma túy vào nhà tù hoặc tấn công từ trên cao bằng drone. Whispercam do Johnson và hai đồng nghiệp tại British Airways thành lập cách nay 4 năm như một doanh nghiệp bán thời gian.

“Chúng tôi thuộc số những công ty đầu tiên huấn luyện điều khiển drone cho người bình thường nhưng nay đã có nhiều công ty ra đời và sự cạnh tranh khá khốc liệt” – ông nói. Học phí một khóa học của Whispercam khoảng 1.140 bảng Anh cho lý thuyết, thực hành và gửi hồ sơ xin cấp bằng lái lên CAA. Số học viên tăng nhanh trong những năm gần đây khi drone ngày càng thông dụng.

Volocopter đã xây dựng được một drone chở được 2 hành khách
 Volocopter đã xây dựng được một drone chở được 2 hành khách

Ngành kinh doanh kiếm ra tiền

Không chỉ nhiếp ảnh gia, nhà làm phim, các cơ quan theo dõi môi trường mà cả người dân bình thường cũng muốn “chuyên nghiệp” hơn trong việc điều khiển drone.

Các cuộc khảo sát, kiểm tra đường ống, địa hình, đường dây điện, đường ray xe lửa đều được sự giúp sức của drone vì nó rẻ hơn nhiều so với dùng trực thăng. Các nhà khảo cổ dùng drone thăm dò trước khi quyết định vị trí đào bới. Các nhà địa chất nhờ drone giúp lập bản đồ địa hình trên diện tích nhỏ. Nông dân dùng drone kiểm tra nhiệt độ đất nơi nào cây cối cần thêm phân. Các dịch vụ cấp cứu, chuyển hàng cứu trợ, thuốc men tại những vùng thiên tai dều dùng drone.

“Tuy nhiên không phải ai cũng tuân thủ các qui định an toàn và chống xâm nhập quyền riêng tư. Vì vậy họ đối mặt với những nguy cơ rất lớn” – Johnson nói. Lợi ích lớn nhất của drone là nó tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và an toàn nên tương lai phát triển và nhân rộng của thiết bị bay này gần như vô tận.

Có quá nhiều cách kiếm tiền từ drone nên trang Waypoint chuyên về drone có từ riêng cho hoạt động này là “Dronepreneurs” (các doanh nhân drone). Một trong những công ty có tham vọng lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh còn khá mới này là Volocopter của Đức, khi nó vừa xây dựng xong một drone lớn đến nỗi chở được… 2 người!

Drone của Volocopter có 18 động cơ điện vận hành độc lập từng cánh quạt và có chế độ bay tự động. “Nó giống một “taxi bay” (air taxi)” - đồng sáng lập công ty Alexander Zosel nói. Ông cho biết vừa ký hợp đồng với cơ quan vận tải Roads and Transport Authority của Dubai để tiến hành kế hoạch thử nghiệm 5 năm, bắt đầu từ cuối năm 2017.

Hiện chính phủ Anh vẫn cấm dùng drone ngoài phạm vi cho phép và nhiều quốc gia cũng làm như thế, dù là drone có người hay không người. Vì vậy, ý tưởng của Volocopter phải mất một thời gian nữa mới trở thành hiện thực.

Tin vui là hai thành phố Westminster (Anh) và Brussels (Bỉ) đang xem xét thay đổi luật lệ về sử dụng thiết bị bay không người lái nên cơ hội có thể đến sớm, dù trong phạm vi hẹp. “Chúng tôi xem Dubai là đầu tàu cho thị trường drone tiềm năng rất lớn này” - Zosel nói.

Trải nghiệm của một nhiếp ảnh gia

Một thiết bị bay không người lái nhỏ (drone) lơ lửng trên cánh đồng bên ngoài thị trấn Buckinghamshire của nước Anh không chỉ là thú tiêu khiển của giới trung lưu mà đối với chủ nhân của nó, với nhiếp ảnh gia Joby Stephens, nó còn là “con mắt trên bầu trời” giúp ông làm được nhiều thứ một cách an toàn.

“Khả năng quay phim từ trên cao của thiết bị với những góc quay tuyệt đẹp đã cho tôi trải nghiệm rất thú vị về drone. Tôi có thêm một phương tiện để ghi lại những cảnh khó và không sợ nguy hiểm cho các dự án của mình. Dĩ nhiên việc dùng drone ghi hình cũng phải tuân thủ những qui định của pháp luật” – cameraman chuyên nghiệp kiêm nhà sản xuất phim bộc bạch khi ông điều khiển máy bay tiến về cụm cây cối gần đó.

Ông Stephens đang điều hành công ty Jam96 chuyên sản xuất những video “sau hậu trường” tại các điểm quay phim, tức là những chỗ luôn đông người, khó dùng cách ghi hình truyền thống mà không bị che khuất. Ghi hình từ trên cao là giải pháp hay nhất.

“Trong công việc của mình và môi trường làm việc, tôi cần sự an toàn 100%. Drone đã giúp tôi làm được điều này. Nó cho phép tôi ghi hình tại những nơi khó vào và nguy hiểm” – ông nói và cho biết mình vừa hoàn tất khóa huấn luyện dành cho những người điều khiển drone thương mại, tức drone hoạt động trong kinh doanh và nghề nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp khóa học của công ty Whispercam, Joby Stephens có kế hoạch dùng drone để làm những bộ phim video cho riêng mình. Tuy nhiên, nếu muốn biến drone thành phương tiện kinh doanh trên bầu trời ngày càng đông đúc thiết bị bay nhỏ tại Anh bạn phải có giấy phép Permission for Commercial Operations (PCO) do Cơ quan Không lưu Dân sự (CAA) cấp. Nhiều người không biết yêu cầu này và cũng không biết được những nguy hiểm mà drone có thể gây ra trên bầu trời. 

Theo Atlantic Unbound

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.