Khu vực không phận biển Đông - nơi máy bay Trung Quốc chặn đường máy bay Mỹ. Nguồn: The Washington Post - Đồ họa: Nh.Khanh |
Chiếc máy bay chiến đấu J-11 lần này là của đơn vị không quân Trung Quốc đóng ở Hải Nam. Đây cũng là chiếc đã có những cuộc tiếp cận khá gần với máy bay Mỹ trong đợt tháng 3 đến tháng 5-2014.
Hôm 22/8, Lầu Năm Góc khẳng định vụ chạm trán mới nhất là một trong hàng loạt động thái ngăn chặn máy bay của Mỹ một cách không an toàn, thiếu chuyên nghiệp và không theo một quy chuẩn nào mà không quân Trung Quốc đã thực hiện từ cuối năm 2013.
Liên quan đến việc Lầu Năm Góc công bố thông tin vụ chạm trán chậm bốn ngày, giáo sư Thayer cho rằng Mỹ cần thu thập hết mọi dữ liệu kỹ thuật có giá trị, phục vụ cho việc gửi công hàm phản ứng tới chính quyền Bắc Kinh. |
Reuters dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc, chuẩn đô đốc John Kirby cho biết sự việc xảy ra ngày 19-8 ở vùng không phận quốc tế trên biển Đông. Washington đã chính thức gửi công hàm ngoại giao phản đối đến chính quyền Bắc Kinh về vụ việc.
“Kiểu hành xử này rất thiếu chuyên nghiệp, không an toàn. Đây không phải là kiểu quan hệ quân đội - quân đội mà Washington đang muốn phát triển với Bắc Kinh. Hành động này gây nguy hiểm cho phi hành đoàn trên máy bay của Mỹ và trái với thông lệ của luật pháp quốc tế” - Ông Kirby lên án.
Tạp chí quốc phòng Free Beacon của Mỹ dẫn lời ông Jeff Pool - một người phát ngôn của Lầu Năm Góc - xác nhận khu vực xảy ra vụ việc trên cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 217 km về phía đông.
Chiếc máy bay J-11, phiên bản của loại máy bay Su-27 do Nga chế tạo, đã bay ở những cự ly rất gần với máy bay trinh sát chống ngầm P-8 Poseidon khi chiếc này đang trên đường làm nhiệm vụ thường lệ.
“Chúng tôi quan ngại các phi công từ đơn vị này đang có hành động hung hăng và chứng tỏ sự thiếu quan tâm đến vấn đề an toàn đối với các phi công của chúng tôi” - Ông Pool cho biết.
Ông Pool nhấn mạnh đây là lần chạm mặt nguy hiểm nhất giữa máy bay của Mỹ với máy bay Trung Quốc kể từ sự kiện chiếc EP-3 va chạm với máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc hồi tháng 4/2001.
Vụ va chạm làm phi công Trung Quốc thiệt mạng và căng thẳng giữa hai nước đã diễn ra cho đến khi chính quyền của tổng thống George W. Bush lên tiếng xin lỗi thì 11 thành viên của phi hành đoàn trên chiếc EP-3 mới được trả tự do sau 11 ngày bị phía Trung Quốc bắt giữ.
Ông Pool mô tả lần này chiếc J-11 có ba lần gây nguy hiểm cho máy bay Mỹ khi băng ngang phía dưới chiếc P-8 Poseidon, trong đó có một lần chỉ cách khoảng 15-30m. Chiếc máy bay cũng băng ngang mũi của P-8 ở góc 90 độ, “phơi bụng” khoe cả hệ thống tên lửa trên máy bay.
Với việc làm như thế, phi công Trung Quốc có thể bị hạn chế tầm nhìn, không thấy chiếc P-8 khiến nguy cơ va chạm càng lớn. Chưa chịu dừng lại, phi công Trung Quốc còn cho máy bay bay vòng bên dưới và bay song song chiếc P-8, lúc này đầu cánh máy bay Trung Quốc chỉ cách máy bay Mỹ khoảng 6-9m.
Sau đó, viên phi công này còn điều khiển chiếc J-11 bay vòng vòng trên chiếc P-8 ở khoảng cách chưa đầy 15m. Từ Vineyard, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes lên án hành động của phía Trung Quốc và cho rằng đó là một “sự khiêu khích”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua email ngày 23/8, GS Carl Thayer - Chuyên gia Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Úc - cho rằng nếu Trung Quốc vẫn còn những động thái “hung hăng” kiểu này thì chiến lược phát triển mối quan hệ quân đội - quân đội Mỹ - Trung sẽ trở nên căng thẳng. Đặc biệt với những động thái này cho thấy Bắc Kinh vẫn còn ý định gây căng thẳng trong khu vực.
Ông dẫn chứng giới chức hải quân Mỹ đang kêu gọi Mỹ triển khai thêm máy bay chiến đấu đến căn cứ không quân Kadena ở Okinawa (Nhật) và Philippines. Từ những nơi này, đội máy bay Mỹ có thể phản ứng nhanh nếu sự việc tương tự xảy ra.
Mỹ cũng đang xem xét cử thêm máy bay để hộ tống máy bay trinh sát Poseidon làm nhiệm vụ ở các vùng không phận quốc tế ở biển Đông và Hoa Đông.
Rick Fisher - Nhà phân tích quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế - nhận định việc Mỹ tăng cường máy bay trinh sát gần Trung Quốc nằm trong khuôn khổ chiến lược nhằm phản ứng những động thái quá khích của Trung Quốc với ý đồ kiểm soát các vùng biển tranh chấp trong khu vực.
Trung Quốc đang áp dụng các chiến thuật đe dọa máy bay như họ từng sử dụng đối với máy bay trinh sát P-3 của Nhật hồi tháng 5 và 6 trên biển Hoa Đông.
“Mỹ cần xem xét phản ứng mạnh hơn và đưa ra thông điệp rõ ràng hơn với Trung Quốc rằng sự hung hăng chết người này tất yếu sẽ dẫn đến các phản ứng quân sự đồng minh trong khu vực” - Ông Fisher nhấn mạnh.
Còn ông Chito Sta. Romana - Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Trung Quốc của Philippines, nhận định hành động của Trung Quốc trái với thông lệ luật pháp quốc tế. Khi bay ở cự ly rất gần như thế, phi công Trung Quốc đã đặt mạng sống của phi hành đoàn trên chiếc Poseidon vào nguy hiểm.