Trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở quốc tế, thanh sát viên quân sự Nga bắt đầu chuyến bay thanh sát trên bầu trời Mỹ từ hôm 27/10.
Nga bắt đầu chuyến bay thanh sát trên bầu trời Mỹ từ hôm 27/10 |
Các chuyên gia đến từ Nga sẽ thực hiện các chuyến bay giám sát trên bầu trời Mỹ trên máy bay Tupolev Tu-154M Lk-1 từ ngày 27/10 đến 4/11, ông Sergei Ryzhkov, người đứng đầu Trung tâm Cắt giảm Nguy cơ Hạt nhân Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Các chuyến bay này sẽ được thực hiện từ Căn cứ Không quân Travis ở bang California của Mỹ, dọc theo đường bay đã được các bên nhất trí với tầm bay tối đa là 4.250 km.
Các chuyên gia Mỹ cũng sẽ có mặt trên khoang máy bay để giám sát việc các thanh sát viên Nga sử dụng hợp lý các thiết bị ghi hình và giám sát theo đúng quy định của hiệp ước. Các thiết bị giám sát của máy bay đã được các chuyên gia quốc tế bao gồm cả Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng và chứng nhận. Không một loại vũ khí nào có mặt trên khoang máy bay.
Đây sẽ là chuyến bay thanh sát thứ 37 trong năm 2013 này của Nga trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên của Hiệp ước Bầu trời Mở quốc tế.
Hiệp ước Bầu trời Mở được đưa ra theo một sáng kiến của Tổng thổng Mỹ khi đó là George H.W.Bush. Hiệp ước là bản quy ước được 27 nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông qua ngày 24/3/1992 tại Helsinki (Phần Lan), đến nay đã có 34 nước thành viên tham gia hiệp ước này.
Mục đích của Hiệp ước là nhằm hỗ trợ tính công khai và minh bạch của hoạt động quân sự, giám sát việc tuân thủ các hiệp ước hiện hành trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, cũng như thắt chặt an ninh thông qua việc củng cố các biện pháp tin cậy.
Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, đảo và các vùng lãnh hải).
Theo VnMedia