|
Bệnh nhân bị mẩn đỏ, rộp mụn vì dùng kem chống nắng. Ảnh: M.H |
Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều loại kem, sữa chống nắng khác nhau. Những sản phẩm này thường được quảng cáo là làm trắng, trị nám, xóa vết thâm, tàn nhang, chống lão hóa, chống ung thư da...
Thời gian chống nắng từ 8 - 12 giờ chỉ bằng cách thoa lên da một lớp kem mỏng. Giá cả cũng vô cùng phỏng phú, từ 40.000 đồng đến hàng triệu đồng/hộp tùy thương hiệu.
Đến Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) vào ngày cuối tuần nhưng số bệnh nhân đến khám vẫn khá đông. Thông tin từ các bác sĩ ở đây cho biết, có đến hơn một nửa là bệnh nhân mắc các bệnh dị ứng da do nắng nóng.
Bình quân mỗi bác sĩ phải khám cho khoảng 40-50 bệnh nhân mỗi ngày và phần lớn là phụ nữ. Có đến quá nửa bệnh nhân mắc các bệnh về da là do dùng thuốc, kem chống nắng.
Chị Trinh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đang chờ khám tại Khoa Khám bệnh cho biết: “Em sắp lấy chồng nên muốn giữ cho da trắng trẻo, nghe mọi người khuyên nên mua kem chống nắng chỉ số SPF cao để không bị bắt nắng.
Không ngờ đẹp không thấy mà lại thành xấu, lặn lội từ Vĩnh Phúc xuống đây mất thời gian và tốn nhiều tiền cho nó lắm rồi mà vẫn chưa khỏi”.
Chị Lê Ngọc Yến (ngõ 44, phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng toàn bộ vùng mặt, cổ, vai gáy, cánh tay, chân nổi đầy mẩn đỏ, mụn nước…
Chị Yến thổ lộ: “Tôi dùng lọ kem chống nắng có chỉ số SPF 70, nhưng ngay lần bôi kem đầu tiên, khoảng gần 1 tiếng sau tôi đã thấy mặt, cổ, cánh ta… ngứa râm ran.
Bôi lần thứ hai, chỉ 15 phút sau thì thấy ngứa không chịu nổi. Đi khám, bác sĩ nói tôi bị nhiễm trùng da do sử dụng kem chống nắng không đúng, lạm dụng loại kem không phù hợp với da”, chị Yến giãi bày.
Một bệnh nhân ngồi cạnh chị Yến thì chia sẻ, do chị làm hướng dẫn viên du lịch, công việc chủ yếu ở ngoài trời nên sử dụng rất nhiều kem chống nắng.
Có nhiều hôm bôi kem rồi nhưng không phải ra nắng thì chị cũng coi như bôi để phòng ngừa. Hôm đầu tiên bị sẩn ngứa chị lại nghĩ mình bị dị ứng thực phẩm. Không ngờ cơn ngứa cứ tăng lên theo ngày, nhất là những vùng da mẫn cảm như mặt, cổ, dưới cánh tay…
Đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, làm xét nghiệm chị mới phát hoảng vì bác sĩ kết luận chị bị viêm da do... dùng mỹ phẩm và sản phẩm chống nắng.
Theo TS.BS Vũ Mạnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, nếu bị dị ứng mỹ phẩm và vào viện điều trị kịp thời thì khoảng 1-2 tuần sẽ khỏi dứt điểm.
Trường hợp không được điều trị kịp thời rất dễ bị biến chứng nhiễm trùng, mưng mủ, lở loét… ngay cả khi điều trị khỏi cũng rất dễ bị sẹo mất thẩm mỹ.
BS Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương thì cho biết, trước hết người sử dụng cần hiểu được đặc tính của kem chống nắng, cũng như các loại mỹ phẩm vốn là những hóa chất hữu cơ hoặc vô cơ nên luôn tồn tại thành phần hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe.
Nhất là mùa nắng, nhiều mồ hôi, lỗ chân lông hở thì khả năng bị dị ứng càng cao nên tuyệt đối không lạm dụng kem chống nắng nếu không tiếp xúc nhiều với nắng. Nếu bị dị ứng, phải dừng ngay việc sử dụng và đến khám ở phòng khám chuyên khoa, không nên tự ý điều trị khiến bệnh nặng thêm.
Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo, nguyên tắc đầu tiên là phải chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
Chọn kem phù hợp với da, sau đó dùng thử bằng cách bôi kem lên một diện tích nhỏ trên vùng da mặt và theo dõi trong 1-2 ngày. Nếu không thấy phản ứng bất thường mới sử dụng.
Chống nắng hiệu quả và đơn giản nhất vẫn là đội mũ, mặc quần áo dài, che mặt khi đi ra ngoài trời nắng gắt, đặc biệt tránh đi vào khoảng thời gian từ 10h – 15h trong ngày, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tốt cho da.