Xưa kia, bogolan hay được dùng bởi các chiến binh như thể một cách hóa trang, ẩn nấp. Gia đình giàu có, địa vị cũng dùng bogolan để thể hiện đẳng cấp. Phụ nữ mang thai, sau khi sinh cũng quấn bogolan với mong muốn được thần bảo vệ, giúp đỡ đau và có nhiều sữa để nuôi con…
Ngày nay, mọi người trên đất nước Mali đều có thể khoác bogolan, tạo thành các tác phẩm thời trang lộng lẫy với họa tiết đẹp mắt. Do đó, bogolan đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống thường nhật và là một nét đẹp ấn tượng, độc đáo của văn hóa Mali.
Do ban ngày trời thường oi ả, còn ban đêm se lạnh, nhiều dân tộc ở châu Phi đều khoác những tấm vải rộng lên người che nắng, che mưa, gió, bụi… Song tấm vải (tấm chăn) bogolan của Mali còn có một đặc điểm thú vị, đó là được nhuộm bằng bùn, vẽ bằng bùn trộn nước lá, rễ, củ, quả lên men. Vì có chất liệu từ bùn nên màu sắc bogolan luôn trầm lắng, mặc vào thấy mát mẻ, dễ chịu.
Thay vì phụ nữ thường đan dệt nên các loại vải, ở Mali nhất là trong trường hợp bogolan, nam giới lại là người dệt vải. Họ rất khéo léo trong việc canh cửi, tạo ra những miếng vải dài, hình vuông, rộng chừng 10 - 15cm, rồi khâu các miếng với nhau nhằm có được một súc vải lớn. Nó sau đó sẽ được ngâm trong nước bùn, nhúng vào nước trà từ cây N’Galaman hoặc N’Tjankara để có màu nâu vàng, đen xám của đất.
Khi khô, tấm vải tiếp tục được vẽ tỉ mỉ từng họa tiết, ví dụ như bông hoa, cái lá, con chim, con thú hoặc các hình học biểu trưng cho sự sống của thế giới mang sức mạnh thần bí. Mực để vẽ cũng là các loại bùn lấy từ sông hồ, trộn với các loại rễ, lá, củ, quả, hạt đã ủ trong thời gian dài.
Mỗi hình vẽ có thể có một màu, tương ứng với một thứ bùn đặc biệt. Khi bùn khô, nó cũng sẽ đổi màu, cho ra nhiều tông màu bắt mắt. Tấm vải sẽ được phơi, giặt giũ và vẽ lại nhiều lần đến khi ưng ý với màu sắc, mật độ họa tiết trên vải.
Thông thường, mỗi bogolan có nhiều mô típ hoa văn tái diễn, song chúng luôn được sắp xếp khéo léo và gần như không tái lặp ở chỗ nào, không ai giống ai, khiến nội dung vô cùng sinh động, phong phú.
Ngoài màu nâu, màu vàng kim trên bogolan cũng hết sức phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Mali. Ai cũng thích màu này vì nó tượng trưng cho đất, sự phì nhiêu, sinh sôi và trù phú. Kế đó là màu đỏ biểu thị cho máu mủ, sức mạnh, nội lực, năng lượng dồi dào.
Màu xanh lơ thể hiện cho tình yêu, hòa bình, bầu trời và dòng nước. Màu xanh lá chỉ sự sống, sinh thái, thế giới mênh mông và là màu của sự trường tồn và phát triển. Màu trắng ngụ ý về sự trong sáng, tươi trẻ, không buồn đau hay bệnh tật và được dành riêng cho lễ phục.
Không rõ, các bộ tộc trên hoang mạc Mali đã biết làm vải bùn mặc cho mát từ bao giờ, song những ghi chép đầu tiên về bogolan đã xuất hiện từ thế kỷ 12. Để làm một tấm vải bùn, phải mất từ 4 - 7 ngày vẽ họa, chưa tính thời gian để dệt, giặt, ngâm tẩm trong bùn đất.