Mất niềm tin vào xuất khẩu

GD&TĐ - Thỏa thuận ngũ cốc là một ví dụ hiếm hoi về sự hợp tác của Ukraine và Nga giữa cuộc chiến.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 30/10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đình chỉ thực thi thỏa thuận ngũ cốc sau khi cáo buộc Ukriane đứng sau vụ tấn công tại cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea.

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga, lý do thỏa thuận đột ngột chấm dứt do “các hành động ngày 29/10 của Kiev, với sự hỗ trợ của chuyên gia Anh, đe dọa các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen và tàu dân sự tham gia đảm bảo an ninh hành lang ngũ cốc”.

Trước đó, Nga đã cáo buộc quân đội Ukraine tiến hành vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tàu tự hành nhắm vào chiến hạm tại cảng Sevastopol trong sáng 29/10. Phía Ukraine chưa bình luận về cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga.

Ngay sau thông báo, Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine báo cáo 218 tàu chở ngũ cốc xuất khẩu đã bị chặn còn 22 tàu chất hàng mắc kẹt tại các cảng ở Biển Đen, 101 tàu đang chờ kiểm tra. Một trong những con tàu bị chặn chở 40 nghìn tấn lúa mì đến Ehiopia theo chương trình viện trợ của Liên Hợp Quốc.

Thỏa thuận ngũ cốc là một ví dụ hiếm hoi về sự hợp tác giữa Ukraine và Nga giữa cuộc chiến. Theo thỏa thuận này, 9 triệu tấn ngũ cốc sẽ rời các cảng Ukriane tại Biển Đen trên gần 400 tàu chở hàng và mang lương thực đi toàn thế giới.

Được ký kết vào tháng 7 và dự kiến hết hạn vào ngày 19/11, thỏa thuận ngũ cốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu do cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn.

Việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc cho thấy nước này coi đây là một biện pháp nhằm gây sức ép với Ukriane.

Ông Mario Bikarski, nhà phân tích tại tổ chức Economist Intelligence Unit, nhận định các cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga về vụ tấn công cảng Sevastopol nhằm mục đích làm chậm các cuộc tấn công của Ukraine tại Biển Đen. Thay vì tập trung vào cuộc tấn công, các nước phương Tây và Ukraine sẽ phải chuyển sang tìm cách cứu thỏa thuận ngũ cốc.

Phân tích trên là hoàn toàn có căn cứ. Bộ Quốc phòng Anh chỉ trích Nga đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi cuộc xung đột tại Ukraine. Còn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình thỏa thuận ngũ cốc, đồng thời nỗ lực thuyết phục Nga quay lại thỏa thuận.

Bên cạnh lý do quân sự, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc có thể khiến mùa đông năm nay trở nên khắc nghiệt hơn. Trong khi vấn đề khủng hoảng năng lượng chưa thể giải quyết, thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.

Sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận, giá ngũ cốc được dự đoán sẽ tăng đột biến, từ đó “khuấy động” thị trường kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Kết quả này ngay lập tức được thể hiện trong phiên giao dịch vào thứ Hai, ngày 31/10.

Theo Reuters, trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 31/10 trên sàn Chicago Board of Trade, Mỹ, giá lúa mì, ngô và đậu tương đã tăng mạnh. Cụ thể, giá lúa mì có lúc tăng gần 6%, lên mức 8,93 USD; giá ngô tăng 2,2%. Khó có thể dự đoán mức tăng trong những ngày tới là bao nhiêu bởi Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vẫn đang tích cực nỗ lực cứu vãn thỏa thuận trên.

Trong tương lai xa, ông Michael Magdovitz, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng Rabobank, Anh, lo ngại ngành nông nghiệp Ukraine sẽ biến mất. Người nông dân chuyển nghề, không còn tham gia trồng trọt vì “họ không còn niềm tin vào xuất khẩu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ