Mắt không nhìn thấy tôi vẫn muốn gặp Người

Mắt không nhìn thấy tôi vẫn muốn gặp Người

(GD&TĐ) - “Mười ba tuổi vĩnh viễn mất đi ánh sáng, nhưng mấy chục năm qua, tôi vẫn nuôi ước nguyện được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần này là lần đầu tiên, cũng là cơ hội cuối cùng tôi có thể được gặp Người”.

Hai mắt không còn ánh sáng, bác
Hai mắt mù lòa, bác Nguyễn Tiến Công vẫn quyết tâm chờ vào viếng Đại tướng

Trong biển người nối dài, hướng về địa chỉ số 30 đường Hoàng Diệu có một người đàn ông hai mắt mù lòa, tay cầm bó hoa cúc đã hơi se lại vì nắng hanh. Không có ai đi cùng, người đàn ông đó một mình kiên nhẫn chờ đợi được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đôi lúc thấm mệt, ông lại ngồi xuống, nhưng tay không rời bó hoa.

“Nghe tin Đại tướng ra đi trên đài phát thanh, tôi điếng người, đau xót lắm. Nhưng được an ủi phần nào khi biết gia đình Đại tướng mở cửa cho người dân vào tiễn đưa Người. Sáng nay, tôi nhờ bác hàng xóm làm xe ôm chở đến đây. Chỉ ước ao được vào trong, cũng coi như thỏa ước nguyện cả đời, dù không nhìn thấy, sờ thấy...”.

Nước mắt không thể chảy, người đàn ông mù tên Nguyễn Tiến Công cắn môi có nén nỗi xúc động:

“Tôi coi Đảng, Nhà nước là cha, là mẹ từ rất lâu rồi, đặc biệt là tướng Giáp. Trong thời gian tự nuôi mình học đại học, khi học môn Triết, tôi đã được nghe các thầy cô giảng về thiên tài Võ Nguyên Giáp – vị đại tướng đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, là cánh tay phải của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cùng với Bác Hồ, chính Đại tướng là người khiến Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. Từ đó, lúc nào trong tâm tôi cũng mong mỏi, ước ao được gặp Người một lần. Tôi có một linh cảm chắc chắn rằng, Đại tướng sẽ thấu hiểu và giúp đỡ tôi được vào gặp Người lần cuối”.

Đứng trong nhóm người chuẩn bị đường vào viếng, bác Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Xây dựng hai tay ôm chặt tấm ảnh mình được chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Thủy cho biết, đó là kỷ niệm đẹp cách đây đã mấy chục năm và giờ đây, bức ảnh này đã trở thành vật báu của cả gia đình.

Anh trai bác Thủy - nguyên giáo viên dạy Lịch sử tại một TTGDTX của Hải Dương - dù trên 70 tuổi vẫn cố gắng vượt đường sá xa xôi, cùng em gái chờ được vào vĩnh biệt Đại tướng. Đôi mắt người thầy giáo già vẫn còn ngân ngấn nước:

fdfdfd
Những gương mặt trẻ xuất hiện rất nhiều trong dòng người. Không ít bạn đã không kìm nổi niềm tiếc thương, xúc động

“Dù biết bác Giáp mất từ lâu nhưng khi nghe tin vẫn không kìm nổi xúc động, nước mắt cứ trào ra. Mấy hôm nay, tôi lúc nào cũng trực nghe tin thời sự. Xem 7 giờ rồi, đến 10 giờ, 11 giờ lại mở ra xem, mong ngóng tin về Đại tướng thế nào. Chiều nay, tôi hy vọng được vào trong viếng Đại tướng, nếu không được tôi sẵn sàng quay lại vào ngày mai chờ đợi”.

Rất nhiều gương mặt trong đoàn người lặng lẽ chờ đợi trên đường Hoàng Diệu, già có, trẻ có; cũng có rất nhiều sinh viên tranh thủ giờ được nghỉ học đứng xếp hàng; rồi những em học sinh đeo khăn quàng đỏ, những em bé còn nằm trên lưng mẹ; những trí thức và cả người nông dân, nghe tin dữ, bỏ ruộng vườn đến đây. Nhiều khách du lịch vượt nghìn cây số ra thăm Thủ đô cũng bỏ cả chuyến đi, kiên nhẫn hòa vào dòng người, mong được lần cuối cùng tiễn đưa Đại tướng.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ