“Mập mờ tuyển sinh du học Nhật Bản không cần bằng THPT” - Những điều cần lưu ý

GD&TĐ - Sáng 31/10, Báo GD&TĐ đã có buổi làm việc với bà Ai Chuman - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về những vấn đề học sinh Việt Nam đi du học tại Nhật Bản.

Du học Nhật Bản đang được nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn. Ảnh: Internet
Du học Nhật Bản đang được nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn. Ảnh: Internet

Sau khi Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: “Mập mờ tuyển sinh du học Nhật Bản không cần bằng THPT” ra ngày 1/8/2018, Đại sứ quán Nhật Bản đã có những biện pháp thắt chặt việc tiếp nhận hồ sơ du học từ các Trung tâm tư vấn du học Nhật Bản.

Với “vỏ bọc” du học, số lượng lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản  với mục đích chính là kiếm tiền chứ không phải sang để học tập. Nắm bắt được tâm lý của nhiều học sinh và gia đình, một số công ty tư vấn du học đã đưa ra những thông tin tư vấn sai lệch về mức lương, để thu hút người học.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Ai Chuman – Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết: “Theo luật pháp Nhật Bản, du học sinh chỉ được phép làm dưới 28 tiếng/1 tuần, và số tiền lương nhận được sẽ không quá 100.000 yên/1 tháng. Với thu nhập như vậy sẽ không thể chi trả học phí và ăn ở, lúc này du học sinh sẽ tìm cách làm việc quá 28 tiếng, như vậy sẽ trái với quy định”.

Bà Ai Chuman cũng đưa ra những lưu ý cho du học sinh khi sang Nhật Bản học tập, cụ thể: “Thời gian làm thêm không quá 4 tiếng/1 ngày; Cần có giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú mới được làm thêm; Số tiền làm thêm trung bình nhận được là 8USD/1giờ; Số tiền làm thêm sẽ không đủ để trả học phí, sinh hoạt phí và tiết kiệm gửi về nhà; Không làm thêm trong các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như sòng bạc, quán karaoke trá hình… dù lưu học sinh có làm nhân viên quét dọn cũng không được”.

Bà Ai Chuman cũng đưa ra lời khuyên, du học sinh cũng phải cảnh giác không cho người khác mượn thẻ ngân hàng hoặc mượn thẻ ngân hàng của người khác. Sau khi mua xe đạp phải đăng kí chống mất cắp, không cho người khác mượn. Đặc biệt, không tiết lộ thông tin chỗ ở, thông tin cá nhân cho người lạ, để tránh trường hợp bị người khác sử dụng với mục đích phạm phạm.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến ngày 31/12/2017 số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là khoảng 260.000 người, đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, số lượng thực tập sinh/tu nghiệp sinh là 123.563 người và Lưu học sinh là 72.268 người.

Bên cạnh việc số lượng người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản ngày một tăng thì số lượng người cư trú bất hợp pháp tại đất nước này cũng tăng theo từng năm. Tính đến ngày 1/1/2018, con số này lên đến 6.760 người, trong đó nếu tính theo tư cách cư trú thì có 46% là thực tập sinh kỹ năng, 36% là lưu học sinh.

Mặc dù, Việt Nam chỉ là nước xếp thứ 3 về số lượng người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản, nhưng lại giữ vị trí cao nhất về số vụ người nước ngoài phạm pháp bị bắt giữ. Tổng cục Cảnh sát Nhật Bản thống kê, trong năm 2017 có 3.591 vụ người Việt phạm pháp bị cảnh sát nước này bắt giữ, trong đó số lưu học sinh là 690 vụ, thực tập sinh là 398 vụ.

Cũng theo bà Ai Chuman, 80% các vụ phạm tội của người Việt Nam tại Nhật Bản là phạm tội hình sự, với hành vi trộm cắp mỹ phẩm tại các cửa hàng, rồi chuyển về Việt Nam để bán. Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm về làm thêm quá 28 tiếng/1 tuần khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ