Mạnh dạn giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ngoài công lập

GD&TĐ - Để tạo điều kiện tuyển sinh cho khối các trường ngoài công lập (NCL), nhiều thành phố lớn như TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng… từ lâu đã có chủ trương các trường được triển khai theo kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp trên địa bàn, với quyền chủ động thuộc về cơ sở đào tạo. 

Cho phép các trường NCL xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng được TPHCM triển khai từ lâu
Cho phép các trường NCL xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng được TPHCM triển khai từ lâu

Chẳng hạn tại TPHCM, các trường NCL được phép xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng và chủ động về thời điểm cũng như đối tượng tuyển sinh. Tại Đà Nẵng, trong tuyển sinh vào lớp 10, các trường NCL chủ động chỉ tiêu; HS nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện, có thể nộp học bạ THCS để xét tuyển...

Giao quyền tự chủ trong tuyển sinh

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, kế hoạch tuyển sinh đầu cấp được Sở trình UBND TPHCM phê duyệt là kế hoạch cho các trường công lập. Còn đối với các trường NCL, từng trường họ xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng.

Cụ thể với các trường công lập, theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp được UBND TPHCM phê duyệt, ở bậc tiểu học được quy định: Trẻ 6 tuổi vào lớp 1, tuyển sinh ở gian tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1/7 và công bố đồng loạt vào ngày 31/7. 100% trẻ 6 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp 1 theo đúng tuyến do Ban tuyển sinh quận, huyện quy định. Tuyệt đối không nhận HS sớm tuổi và trái tuyến ngoài quận/huyện.

Còn ở các trường NCL (bậc tiểu học, THCS): Tùy vào kế hoạch của từng trường được công khai trên trang web, sẽ nhận hồ sơ sớm hoặc muộn hơn so với thời điểm trên, đối tượng đầu vào có thể có hộ khẩu ở các quận huyện tại TPHCM hoặc các tỉnh khác, các gia đình người nước ngoài cư trú tại TPHCM… nếu có đủ điều kiện để cho con theo học.

Tất nhiên, dù có kế hoạch tuyển sinh riêng, nhưng các trường NCL vẫn phải tuân thủ quy định của Sở như: Thực hiện phương thức xét tuyển, không tổ chức thi tuyển hoặc kiểm tra trình độ dưới bất cứ hình thức nào với các HS đầu cấp; chỉ được tập trung và tổ chức dạy học ôn tập trong vòng một tháng trước ngày tựu trường theo quy định của TP. Không được thu học phí cho thời gian học, ôn tập (nếu có) trước ngày tựu trường.

Riêng với tuyển sinh vào lớp 10 NCL, Sở đã có một văn bản hướng dẫn riêng về phương thức tuyển sinh, đối tượng và điều kiện xét tuyển, hồ sơ… Chẳng hạn về điều kiện và đối tượng xét tuyển vào lớp 10 các trường NCL, Sở yêu cầu: Những HS đang học tại các trường THCS hoặc các cơ sở giáo dục thường xuyên tại TPHCM hoặc các tỉnh, thành khác (ưu tiên nhận HS tốt nghiệp THCS tại TPHCM) có hồ sơ hợp lệ và có đủ các điều kiện sau đây được dự xét tuyển vào lớp 10 THPT các trường NCL: 1. Tốt nghiệp THCS; 2. Tuổi của HS vào học lớp 10 là 15 tuổi...

Chia sẻ gánh nặng cho trường công

Tại Đà Nẵng, từ hai năm trở lại đây, Sở GD&ĐT không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường NCL. Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Các trường THPT NCL có quyền tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của trường mình tùy theo điều kiện đội ngũ, phòng ốc của từng năm học. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng cho phép các trường NCL có quyền tự tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ THCS, nếu HS có nguyện vọng. Chẳng hạn Trường Phổ thông Hermann Gmeiner vẫn có nhiều HS đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Ngoài ra, đối với những trường NCL, nếu trong hồ sơ đăng ký vào lớp 10 của HS không có HS đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thì sẽ xét tuyển sau khi các em không trúng tuyển các nguyện vọng này”.

Về thời gian tuyển sinh của các trường NCL trên địa bàn quận, theo bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng), các trường này đã giúp hệ thống trường công “gánh” một phần HS trên địa bàn quận và cả những HS ở một số quận lân cận mà phụ huynh có nhu cầu cho con học trái tuyến ở quận Hải Châu để tăng tỉ lệ số HS tiểu học được học 2 buổi/ngày như Nghị quyết của HĐND thành phố. “Ở quận Hải Châu nói riêng, lâu nay các trường NCL đều được phép chủ động công tác tuyển sinh dựa trên uy tín chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường. Phòng GD&ĐT sẽ tiến hành “hậu kiểm” để đối chiếu sĩ số và năng lực của nhà trường xem có đủ điều kiện đáp ứng hay không” – bà Thúy Hà cho biết.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cũng chia sẻ, chính hệ thống các trường NCL giúp phụ huynh có thêm sự đa dạng trong lựa chọn. Ông cho biết: “Quan điểm của Sở GD&ĐT là tạo điều kiện tối đa cho các trường NCL ở tất cả các bậc học phát triển. Sắp tới đây, sẽ có khoảng 2 - 3 trường THPT NCL ở Đà Nẵng trở thành trường liên cấp. Sở GD&ĐT đã khuyến nghị các trường trong chiến lược phát triển cần chú ý xây dựng cho mình những nét mới, riêng có nữa thì càng tốt để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các trường công”.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cơ sở

Đó là quan điểm của bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ – khi trao đổi về công tác tuyển sinh đầu cấp của TP trong năm học 2017 - 2018. Theo bà, chủ trương của Cần Thơ là thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp theo hướng tuyển đủ chỉ tiêu theo quyết định của UBND thành phố; đảm bảo thực hiện phổ cập GD mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập GD tiểu học, phổ cập GD THCS và phân luồng HS sau THCS. Đảm bảo nghiêm túc, công bằng, chính xác và chất lượng tuyển sinh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngành GD tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp các bậc học năm học 2017 - 2018 đổi mới theo hướng tinh giản các thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Đồng thời đảm bảo tuyển từ 70% - 85% HS tốt nghiệp THCS tại TP Cần Thơ và trong độ tuổi quy định. Những vùng giáp ranh giữa các địa phương (xã/phường, quận/huyện, thành phố/tỉnh), việc tuyển sinh cần áp dụng linh hoạt, hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập của HS. Mục tiêu tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2017 - 2018 là tuyển đúng, tuyển đủ và công bằng.

Đối với các trường phổ thông NCL trên địa bàn thành phố (hiện có 4 trường - PV) vẫn thực hiện việc tuyển sinh theo kế hoạch như các trường công lập. Nguyên do là hệ thống trường NCL trên địa bàn số lượng ít, quy mô nhỏ nên việc tuyển sinh hằng năm chủ yếu gắn với các trường công lập. Cụ thể là khi thí sinh thi tuyển hoặc xét tuyển vào trường công lập có kết quả rồi thì trường NCL mới tiến hành tuyển sinh. Trong đó, công tác phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh trên các địa bàn cũng được tính toán để đảm bảo việc phân luồng HS và xã hội hóa GD. Bên cạnh đó, trường NCL còn tuyển được HS ngoài địa bàn nên thuận lợi hơn trong đảm bảo chỉ tiêu.

“Cần Thơ địa bàn nhỏ, trường NCL ít nên việc tuyển sinh và công tác chỉ đạo chung từ trước đến nay thuận lợi, không có gì bất cập. Dù vậy, khi tiến hành lập kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, trước tiên chúng tôi phải tính toán chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập và NCL. Làm sao tạo điều kiện để các trường phát triển và nhất là đảm bảo quyền lợi của người học, đảm bảo mục tiêu xã hội hóa GD…”, bà Trần Hồng Thắm nêu rõ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Thành phố có sự gia tăng dân số cơ học rất nhanh, đồng nghĩa với việc số HS hằng năm luôn tăng cao. Ví dụ năm học 2016 - 2017, toàn TP tăng khoảng 59.000 HS, một số lớn vào trường công lập, nhưng số vào trường NCL cũng không ít; nhất là hầu hết gia đình có khả năng thường có xu hướng lựa chọn vào các trường NCL theo mong muốn. Việc tuyển sinh đầu cấp ở các trường NCL không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh chung hay giảng dạy của ngành GD, mà còn chia sẻ phần nào áp lực về gia tăng HS cho ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ