Mang tủ sách đến học sinh vùng khó

Mang tủ sách đến học sinh vùng khó

22 trường học tại tỉnh Lào Cai đã được cô Hồng và các thành viên câu lạc bộ "Vùng cao yêu thương" trao tặng miễn phí tủ đựng sách cùng hàng nghìn đầu sách, truyện.

Trao yêu thương bằng sách truyện

Cô Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Trong nhiều chuyến công tác về vùng sâu, chứng kiến khó khăn của các trường học vùng cao, 100% HS người dân tộc, nhiều em chưa sõi tiếng Việt, nhiều HS bán trú tại trường thiếu sách truyện để đọc và giải trí… Trong khi đó, tủ sách của các nhà trường đa số chỉ có sách giáo khoa, truyện giải trí cho HS rất thiếu nên không khuyến khích được văn hóa đọc trong các nhà trường. Công tác thư viện vì thế chưa hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động giáo dục trong các trường.

"Như vậy, nếu mỗi trường có một tủ sách, truyện tranh thiếu nhi hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi để HS đọc giải trí hàng ngày chắc chắn sẽ "giải quyết" được nhiều vấn đề cho giáo dục trường học…", cô Hồng trăn trở. Thấy được những bất cập và sự cần thiết, cô Hồng đã bắt tay vào quyên góp sách truyện thiếu nhi, đóng tủ đựng sách để tặng các nhà trường.

Từ 1/2018 đến nay, cô Nguyễn Thị Hồng và các thành viên câu lạc bộ "Vùng cao yêu thương" do cô thành lập đã quyên góp được một lượng lớn sách truyện thiếu nhi từ nhiều nguồn khác nhau. Cô kêu gọi một số trường học từ các địa phương khác, bạn bè, người thân trao tặng lại sách, truyện cũ. Nhiều cá nhân thấy được ý nghĩa của hoạt động đã ủng hộ cô về kinh phí để có thể đặt mua sách truyện mới. Có người lại giúp cô trong việc vận chuyển các tủ sách và sách truyện đến các trường học.

Để việc tăng cường sách truyện cho HS các trường vùng khó thêm hiệu quả, cô Nguyễn Thị Hồng còn nghĩ ra nhiều cách làm để có lượng sách truyện dồi dào. Với kinh phí được hỗ trợ, cô Hồng liên hệ với các nhà xuất bản, nhà sách để đặt và mua được giá "gốc". Thậm chí, cô nhờ cả những người thu gom sách truyện thiếu nhi cũ mua lại từ người dân rồi về mua lại giá rẻ.

Từ nhiều kênh khác nhau, đến nay cô Nguyễn Thị Hồng và các thành viên câu lạc bộ "Vùng cao yêu thương" đã đóng và trao tặng được 22 tủ sách bằng khung nhôm kính và hơn 12 nghìn đầu sách cho 22 trường học vùng khó. Và hiện tại trong kho sách của câu lạc bộ còn tới 3 - 4.000 đầu sách sẽ được các thành viên câu lạc bộ dự định sẽ trao nốt cho một số trường học vào dịp đầu năm học mới.

Cô Hồng cho biết: Khi mới bắt tay xây dựng tủ sách cho một số trường học thì sách trao tặng thường có tỷ lệ 70% sách truyện cũ, 30% sách mới. Nhưng hiện nay, cô và các thành viên câu lạc bộ có cách huy động sách truyện hiệu quả, linh hoạt nên trong mỗi tủ sách đã có tới 80 - 90% sách truyện còn mới, rất nhiều cuốn truyện có giá trị.

Cô cũng đặt ra tiêu chí khi tặng sách là những trường khó khăn. Sách truyện quyên góp trao tặng tập trung vào mảng văn học, các cuốn truyện cổ tích của Việt Nam và thế giới.

Mục tiêu của cô Nguyễn Thị Hồng và những thành viên câu lạc bộ "Vùng cao yêu thương" là sẽ trao 26 tủ sách cho các trường khó khăn, sau đó chuyển hướng sang hoạt động nâng cao chất lượng sách truyện cho các nhà trường. Cụ thể CLB sẽ tăng cường, bổ sung khoảng 200 đầu sách mới/tủ sách của 26 trường học.

Mũi tên hướng tới nhiều đích

Mang tủ sách đến học sinh vùng khó ảnh 1
Cô Nguyễn Thị Hồng và CLB “Vùng cao yêu thương” trao tặng tủ sách và truyện thiếu nhi cho HS Trường PTDTBT TH Bản Phố (Bắc Hà, Lào Cai).

Cô Nguyễn Thị Nguyên – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bản Phố (Bắc Hà - Lào Cai) cho biết: Trước đây thư viện nhà trường cơ bản chỉ có sách tham khảo, sách giáo khoa, một số tờ báo… nên chưa thu hút được HS đến đọc. Sau khi được trao tặng tủ sách, với hàng trăm đầu truyện tranh cho thiếu nhi, HS của trường rất háo hức, chủ động tìm mượn sách truyện để đọc.

Để thuận tiện và "kích thích" văn hóa đọc trong HS, nhà trường đã bố trí tủ sách được trao tặng ở các vị trí thuận tiện nhất cho việc mượn và đọc sách của các em như gầm cầu thang khu bán trú, cuối các lớp học, thư viện cuối lớp…

Điều đáng nói, tủ sách truyện tranh thiếu nhi không chỉ hỗ trợ HS dân tộc tăng cường khả năng tiếng Việt mà với một số GV bộ môn cũng tìm đọc để khai thác, đưa những câu chuyện lịch sử, văn hóa vào bài dạy của mình cho phong phú cuốn hút… Tủ sách truyện thiếu nhi đã và đang lan tỏa văn hóa đọc trong các trường, giúp các hoạt động giáo dục thêm hiệu quả.

Thầy Trần Đình Cương – Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hải (huyện Bảo Thắng – Lào Cai) bày tỏ: Trường nằm ở vùng khó, ngân sách cho các hoạt động giáo dục có hạn. Hàng năm có bổ sung kinh phí để mua sách báo cho GV và HS nhưng chỉ đầu tư vào những loại sách tham khảo, sách giáo khoa, còn mảng sách truyện thiếu nhi nhà trường chưa đủ điều kiện để mua sắm, mặc dù biết cần thiết với HS.

Từ khi tiếp nhận tủ sách tài trợ với hàng trăm đầu sách truyện thiếu nhi, HS trường THCS Phong Hải (đặc biệt HS nội trú ở trường từ thứ 2 - 7 hàng tuần) tỏ ra hứng thú, vui vẻ hơn bởi đã có sách truyện để giải trí. Trong giờ ra chơi, giờ nghỉ sau buổi lên lớp, HS đã tập trung nhiều thời gian cho đọc sách truyện tại phòng ở, lớp học.

"Hơn 1 năm có tủ sách (nhận từ 4/2019) đến nay, Trường THCS Phong Hải ghi nhận có trên 1.422 lượt HS mượn sách truyện về đọc. Đọc sách truyện thiếu nhi không chỉ nâng cao khả năng tiếng Việt, hiểu biết cho HS mà văn hóa đọc trong toàn trường cũng được khơi dậy. Tủ sách truyện thiếu nhi đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục…", thầy Cương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.
Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.