Mạng thì ảo, hậu quả thì có thật…

Mạng thì ảo, hậu quả thì có thật…

(GD&TĐ) - Trong 3 ngày, em Nguyễn Thanh Vy (HS trường THCS Lý Tự Trọng – TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nhận hai “án” kỷ luật. Trong đó, “án” nặng nhất là bị đuổi học một năm. Vụ việc bắt đầu từ chuyện xô xát giữa Vy và một nữ sinh khác dẫn đến một em bị đuổi học một tuần, Vy bị đuổi học ba ngày. Trong thời gian bị cấm túc, đem sách vở tới trường tự học, Vy đã phát tán tài liệu xuyên tạc mang tính thiếu văn hóa, thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo trên mạng xã hội facebook. Vụ việc đã khiến dư luận xôn xao trong suốt mấy ngày qua và cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhất là ứng xử của HS trên các trang mạng xã hội. 

Theo báo cáo của trường THCS Lý Tự Trọng gửi lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Tam Kỳ, sáng ngày 28.12.2012, nhà trường đã tiến hành tổ chức phiên họp xem xét và giải quyết đơn xin cứu xét của phụ huynh em Nguyễn Thanh Vy về việc thi hành kỷ luật đối với em Vy. Về phía gia đình em Nguyễn Thanh Vy đã ủy quyền đại diện, nhân danh cho ông Phạm Xuân Linh – tự khai là SV thực tập Luật sư để dự phiên họp. Theo đó, “Hội đồng kỷ luật đã nhất trí biểu quyết công khai để kết luận hình thức đuổi học 1 năm hoặc đuổi học một tuần lễ. Hội đồng kỷ luật đã biểu quyết bằng đưa tay nhưng gia đình đề nghị biểu quyết bằng phiếu kín”. Kết quả bỏ phiếu kín có 8/9 phiếu nhất trí “đuổi học một năm”. 

Phụ huynh em Nguyễn Thanh Vy rất lo lắng với mức án kỷ luật của con em mình.
Phụ huynh em Nguyễn Thanh Vy rất lo lắng với mức án kỷ luật của con em mình. 

Trước đó, ngày 15.12.2012, học sinh Nguyễn Thanh Vy đã ra hội đồng kỷ luật với lý do đánh nhau với bạn và lôi kéo nhiều người ngoài tham gia. Vy chịu mức xử lý cảnh cáo toàn trường, xếp loại hạnh kiểm trung bình HK I và thôi học 3 ngày với hình thức cấm túc, đem sách vở đến trường tự học. Gia đình đã có cam kết cụ thể: Nếu tái phạm dù mức độ nhỏ cũng yêu cầu nhà trường đuổi học. 

Trong thời gian đang thi hành kỷ luật, ngày 20.12.2012, HS Nguyễn Thanh Vy phải ra hội đồng kỷ luật lần 2 với lý do: Ngày 17.12, Vy đã phát tán trên mạng xã hội Facebook lời “Tuyên ngôn học sinh trường THCS Lý Tự Trọng”, nhại lại lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch” với nội dung “Chống phá kỳ thi kiểm tra học kỳ I” với lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo. Văn bản phát tán này thời điểm đó có đến 19 học sinh các nơi truy cập với những thận thức sai lệch. Mức độ xử lý được hội đồng kỷ luật thống nhất là cảnh cáo toàn trường, buộc thôi học một năm. Gia đình em V. đã có đơn gửi Phòng GD&ĐT Tam Kỳ xin cứu xét về mức độ thi hành kỷ luật đối với em V. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu kín vẫn có 8/9 phiếu đồng ý giữ nguyên mức kỷ luật đuổi học một năm. 

Về thắc mắc của gia đình em Nguyễn Thanh Vy đề nghị làm rõ việc việc xét xử với nhiều hình thức là không phù hợp thông tư 08/BGD, trường THCS Lý Tự Trọng giải thích: “Thông tư 08 có điều khoản: Cảnh cáo toàn trường và buộc thôi học. Cảnh cáo ở đây có hình thức và mục đích răn đe, giáo dục HS khác, cao nhất và nhà trường đa thực hiện là buộc thôi học,. Việc xếp loại hạnh kiểm theo thông tư 58/BGH là việc đánh giá gắn liền với hành vi, không phải là hình thức kỷ luật. Trong quá trình phân tích, thảo luận, bỏ phiếu, nhà trường đã tạo điều kiện cho em học tập lại (đặc biệt là lần kỷ luật thứ nhất) tuy nhiên em đã không sửa chữa mà tái phạm trầm trọng hơn. Căn cứ thông tư 08 (phần III, mục 5) - Mắc khuyết điểm, sai phạm đã bị Hội đồng kỷ luật nhà trường thông qua Hiệu trưởng đuổi học một tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm nghiêm trọng khác. – Mắc khuyết điểm, sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này có ý thức và chủ động (không bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tại hại rất lớn, nguy hiểm”. Cũng theo trường THCS Lý Tự Trọng thì em Nguyễn Thanh Vy đã vi phạm 3 trong số những hành vi HS không được làm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể GV; đánh nhau, gây rối trật tự an ninh trong nhà trường và nơi công cộng và lưu hành, sử dụng văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy. 

Báo cáo của trường THCS Lý Tự Trọng gửi Phòng GD&ĐT Tam Kỳ.
Báo cáo của trường THCS Lý Tự Trọng gửi Phòng GD&ĐT Tam Kỳ. 

Những ngày này, không khí trong gia đình Vy rất nặng nề. Ông V., ba của em Vy cho biết: “Mấy ngày ni vợ chồng tui phải thay phiên nhau trông chừng cháu, sợ nó nghĩ quẩn rồi sinh dại dột. Tui cũng thừa nhận là gia đình cũng có lúc đã lơ là, không quản lý, chăm lo cho con trong học tập và quan hệ bạn bè. Mà cháu thì… Mấy cô tính, mới có lớp 8, còn trẻ dại, nông cạn, lại tò mò, hiếu kỳ, chưa lường hết hậu quả. Giờ cháu bị đuổi học một năm thế này, tui lo đủ thứ, chỉ sợ cháu rời khỏi môi trường của nhà trường, mình sểnh ra con lại hư hỏng thêm”. Riêng em Nguyễn Thanh Vy thì giải thích: “Em thấy bài đó từ một facebook khác nên coppy dán qua facebook của mình(?). Lúc làm như thế, em không ngờ đến mức độ nghiêm trọng của nó. Bây giờ em ân hận lắm, em ước chi mình có thể tiếp tục trở lại trường để học cùng các bạn”. Nói đến đây, Vy khóc nghẹn ngào. Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Tấn Bền, phó Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Vụ việc dẫn đến bị đuổi học đối với V. là một điều đáng tiếc. Một học sinh bị đuổi học là thất bại của người thầy. Chúng tôi cũng đắn đo và đau lắm nhưng đành phải quyết định vì nếu không nêu gương, sợ các học sinh sau sẽ đi theo vết xe đổ”. 

Từ trường hợp của Nguyễn Thanh Vy, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự ứng xử của một bộ phận giới trẻ - nhất là HS, SV trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh những bạn trẻ xem mạng xã hội là nơi tìm kiếm bạn bè, kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập thì có không ít bạn trẻ xem đây là “diễn đàn” để có những phát ngôn gây sốc, bày trò… với những lời lẽ rất phản cảm. Trong đó, có nhiều HS - SV xem đây là nơi để xả những ấm ức với bố mẹ, nói xấu, thậm chí là xúc phạm bạn bè, thầy cô giáo. Và không phải bạn trẻ nào cũng hình dung hết được hậu quả từ việc không cân nhắc kỹ với những phát ngôn trên các trang mạng xã hội, bởi mạng thì ảo nhưng những tác động của nó là thật. 

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ