Mang âm nhạc truyền thống vào du lịch

GD&TĐ - Âm nhạc truyền thống được đưa vào phục vụ du lịch và tạo nên những chuyển biến tích cực cho ngành công nghiệp không khói đồng thời trở thành cơ hội để quảng bá bản thân. 

Mang âm nhạc truyền thống vào du lịch

Tuy nhiên, cách khai thác ra sao cho hợp lý và để âm nhạc truyền thống không bị tủi thân trước nỗi lo tầm thường là một điều đáng suy ngẫm trong bối cảnh được khai thác triệt để, lộm nhộm như hiện tại.

Phát huy lợi thế nhạc truyền thống

Không còn quá xa lạ với việc bắt tay giữa du lịch với âm nhạc truyền thống. Điều đó đã được nhiều địa phương, công ty du lịch áp dụng hiệu quả đặc biệt với những những địa phương đang sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; hát Xoan, Đờn ca tài tử; Nhã nhạc cung đình Huế. Và có thể khẳng định đây là hướng đi đúng bởi sự kết hợp này không chỉ mang đến bước đột phá, sự phong phú, sang tạo, bước phát triển bền vững cho du lịch mà bản thân âm nhạc truyền thống cũng có thêm nhiều điều kiện để tiếp cận công chúng nhiều hơn chứ không nhất thiết chỉ được biết tới trong khuôn khổ các chương trình quảng bá lễ hội hoặc tuyên truyền.

Rất nhiều du khách trong và ngoài nước ngoài khi nghe quan họ Bắc Ninh trên những chiếc thuyền rồng; nghe ca Huế trên dập dềnh sông Hương; nghe Đờn ca tài tử trong những miệt vườn đã phải thốt lên lời ấn tượng khó quên. Với người nước ngoài, khi thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống trong quá trình du lịch sẽ như được khám phá, tìm hiểu về bản sắc, truyền thống Việt. Và từ đó, âm nhạc truyền thống đọng lại sâu hơn, lâu hơn trong cảm nhận của khách du lịch.

Du lịch và âm nhạc truyền thống khi được kết hợp khéo léo, hiệu quả không chỉ giúp ngành du lịch có thêm nhiều tour du lịch phong phú phục vụ du khách mà còn thực sự góp phần đưa ngành du lịch phát triển bền vững hơn, mang thêm nhiều giá trị kinh tế.

Để bảo tồn âm nhạc

Đằng sau những giá trị có thể nhìn thấy được khi du lịch và âm nhạc truyền thống có sự bắt tay liên kết cũng để lại nhiều nỗi lo đáng kể.

Trước tiên có thể thấy, sự liên kết này ở nhiều địa phương cũng như công ty du lịch chưa thực sự chặt chẽ và chuyên nghiệp. Điều đó thể hiện khi các đơn vị văn hóa còn nhiều bất cập trong việc xây dựng chương trình biểu diễn để âm nhạc dân tộc trở thành sản phẩm của du lịch. Âm nhạc truyền thống chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Với công ty lữ hành dẫu biết nhu cầu thị hiếu của du khách cũng chưa có điều kiện hoặc thiếu chủ động trong khâu giới thiệu âm nhạc truyền thống đến du khách.

Điều đáng lo ngại khác, nhiều loại âm nhạc truyền thống hiện nay đang được làm du lịch trong các nhà hàng, khách sạn theo hình thức phục vụ. Chính vì vậy, với những nhà nghiên cứu, phê bình hay lưu giữ văn hóa truyền thống sẽ không tránh khỏi cảm giác đau lòng khi người nâng ly trạm cốc, những tiếng hô “dô” từ rượu bia cứ ầm ầm phát ra bên cạnh tiếng đàn tiếng hát đầy tinh tế. Vị thế của không chỉ nghệ nhân, ca nương, người chơi đàn nhạc truyền thống bị hạ thấp mà âm nhạc truyền thống cũng như bị xúc phạm, cưỡng ép.

Hoặc trong một tour du lịch gấp gáp, kín lịch trình du khách sẽ thưởng thức được gì từ Đờn ca tài tử trong những phút nghỉ tạm nghỉ chân nơi miệt vườn. Trong khi các ca nương, tài tử đang trau chuốt, nắn nót từng nốt nhạc, lời ca thì ở dưới một số người tìm võng nằm ngủ hoặc gục xuống bàn, một số khác lịch sự hơn hướng ánh mắt lên khu vực biểu diễn song cũng không quên tham gia những câu chuyện rôm rả xung quanh. Buổi biểu diễn nhanh chóng trôi qua, đoàn du khách lại khẩn trương tiếp tục cuộc hành trình. Ít người cảm thấy tiếc nuối khi vừa bỏ qua một di sản tinh thần vừa được thế giới ghi nhận.

Chị Mai Thu Huyền- một du khách đã đến Cần Thơ và nghe Đờn ca tài tử trong một tour tại miệt vườn chia sẻ: 15 phút, người biểu diễn chưa thể truyền tải hết cái hồn, cốt của nghệ thuật đờn ca tài tử; còn người nghe dù chăm chú đến mấy cũng chưa thể nắm bắt được cái đẹp, sâu lắng trong dòng nhạc cổ truyền này. Ấy là chưa nói đến những người nghe không hiểu tiếng Việt như khách du lịch quốc tế.

Theo những nhà chuyên môn về âm nhạc nhận xét thì, các sản phẩm du lịch chúng ta đang giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc với sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân đang trực tiếp thực hành, bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống cần có sự lựa chọn các tiết mục phù hợp, tránh làm tràn lan, xô bồ. Và để làm được điều đó cần có sự tham gia tích cực của các nhà quản lý và cả lực lượng doanh nghiệp du lịch.

Được biết, hiện nay đã có một số tỉnh, thành phố chủ động rà soát chất lượng các chương trình biểu diễn đờn ca tài tử tại các điểm đến du lịch và ra một số quy định nhằm đảm bảo vệ, giữ gìn giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Ví như với đờn ca tài tử dàn nhạc phải đảm bảo ít nhất 3 loại nhạc cụ, ít nhất 4 người biểu diễn, quy định thời lượng và số bài bản biểu diễn… Tuy vậy, việc kiểm soát cũng như đầu tư nội dung chương trình âm nhạc truyền thống nói chung vẫn ở tình trạng thiếu chuyên nghiệp thậm chí bỏ ngỏ.

Hơn lúc nào hết ngành du lịch, mà cụ thể là các doanh nghiệp du lịch hợp tác với các nhà quản lý văn hóa cần tìm hiểu, đưa ra ý kiến, kiến nghị, góp phần điều chỉnh đúng hướng. Bởi chỉ có như vậy thì âm nhạc truyền thống dân tộc mới được khai thác phù hợp để vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ, phát huy các giá trị di sản quý báu mà ông cha để lại.

Điều đáng lo ngại khác, nhiều loại âm nhạc truyền thống hiện nay đang được làm du lịch trong các nhà hàng, khách sạn theo hình thức phục vụ. Chính vì vậy, nhiều nhà chuyên môn quan ngại vị thế của không chỉ nghệ nhân, ca nương, người chơi đàn nhạc truyền thống bị hạ thấp mà âm nhạc truyền thống cũng như bị xúc phạm, cưỡng ép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ