Malaysia: Bài toán cơ sở vật chất trong phát triển giáo dục

GD&TĐ - Nhiều trường học tại bang Sarawak (Malaysia) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất và hạ tầng xuống cấp. Không ít trẻ tại bang không được tới trường vì các tổ chức giáo dục này không còn đủ chỗ.

Khu vui chơi rỉ sét tại trường SK Puruh Karu
Khu vui chơi rỉ sét tại trường SK Puruh Karu

Điều kiện thiếu thốn

Tại khu tái định cư Bengoh thuộc bang Sarawak, trẻ em phải học ở một ngôi trường từng là văn phòng cũ. Cấu trúc một tầng của tòa nhà ban đầu được xây dựng để chứa khoảng 40 người lớn làm việc trong dự án tái định cư.

Từ năm 2013, khu vực này được đưa vào hoạt động với tư cách là Trường Tiểu học SK Taba Sait. Tới nay, ngôi trường có hơn 120 HS trong 6 phòng học nhỏ, mỗi phòng chỉ có thể để được 10 chiếc bàn.

“Lớp học quá đông đúc khi có hơn 20 HS/lớp. Điều này thực sự khó khăn. Trẻ em không phàn nàn vì chúng rất vui khi được đến lớp với bạn bè. Nhưng là GV, chúng tôi biết rằng, các em đang bị tước mất cơ hội học tập trong một môi trường tốt”, nữ GV tên Tini cho biết. Cũng theo cô này, các học giả ở Sarawak đều được yêu cầu không bình luận về tình hình của trường học.

Trong khi các HS phải học trong phòng chật chội, có tới hơn 60 trẻ em tại khu vực này không có cơ hội đến trường. “Lý do đơn giản là vì không có đủ chỗ để tất cả các em đến trường. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không đủ khả năng gửi con cái tới các trường ở những ngôi làng lân cận. SK Taba Sait được coi là một trong những trường học tốt nhất tại đây”, ông Lo Khere Chiang, một ủy viên hội đồng thành phố Padawan ở thành phố Kuching nói.

Thậm chí, nhiều trường học ở khu vực này không có nước sạch hoặc điện ổn định. Theo thống kê từ Bộ GD Tiểu bang, có 1.002 trường học bị đổ nát tại Sarawak, trong đó 415 tổ chức GD rơi vào tình trạng nghiêm trọng.

Trong kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2020, chính phủ liên bang dự kiến hỗ trợ 188,6 triệu USD để sửa chữa các trường như vậy ở Malaysia, đặc biệt là các trường ở Sabah và Sarawak. “GD là một quyền cơ bản, nhưng ở Sarawak, trẻ em được tạo cảm giác như đó là một đặc quyền”, ông Lo chia sẻ.

Bộ trưởng Phát triển Cơ sở Hạ tầng và Truyền thông Malaysia, ông Michael Manyin kêu gọi Bộ Tài chính xúc tiến phê duyệt số tiền 1 tỷ RM, gửi vào tài khoản đặc biệt được quản lý bởi liên bang và chính quyền bang. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, khoản tài trợ này tuân theo 4 cơ chế pháp lý trong quy định, một trong số đó yêu cầu chính phủ tiểu bang phải trả tới 1 tỷ RM trong tổng số nợ cho Putrajaya.

Tiền sau đó sẽ được gửi vào Quỹ Hợp nhất của Chính phủ Liên bang. Đến nay, chính phủ liên bang và tiểu bang chưa đạt được thỏa thuận. “Sarawak sẽ không có trường học đổ nát nếu có quyền tự chủ về GD”, Bộ trưởng Manyin khẳng định.

Mong chờ giải pháp

Cách thủ đô của tiểu bang Kuching không xa, SK Kambug - một trường tiểu học khác ở Padawan, dựa vào hệ thống đường ống để lấy nước từ sông vì không có nguồn cung cấp nước sạch trực tiếp cho trường. Một cây cầu gỗ bắc qua sông đưa HS từ con đường chính đến ngôi trường trên một con đồi nhỏ. Khi buổi học kết thúc, các em nhỏ phải nhảy qua một cống lớn phía sau trường để trở về ký túc xá.

Một người mẹ cho biết, dù sống cách khu vực này 20 km, nhưng bà vẫn gửi con trai đến trường SK Kambug vì các tổ chức GD trong làng không đủ chỗ. “Trường SK Puruh Karu ở làng chúng tôi có một thư viện và nguồn cấp nước, nhưng khi tôi cố gắng ghi danh cho con vào năm ngoái, họ nói rằng các lớp học đã chật cứng”.

Tuy nhiên, Trường Tiểu học SK Puruh Karu lại phải đối mặt với khó khăn khi bị nhiễm mối. Căng tin bị mối mọt của trường đã sụp đổ sau một cơn bão và không được sửa chữa trong hơn một năm. Do vậy, các bữa ăn được chuyển đến trường như một phần của chương trình thực phẩm do chính phủ điều hành.

Mặc dù trường học này có sân chơi, nhưng HS không được phép đến gần đó. “Chúng tôi không cho phép trẻ em chơi quanh sân chơi vì các thiết bị đã rỉ sét. Thậm chí, nhiều bàn ghế trong các lớp đều hỏng, khiến trẻ em bị kẹt tay hoặc chân”, trợ lý quản lý HS của trường, bà Narolah Barahim cho biết.

Cũng theo bà Narolah, nhà trường đã viết thư cho chính phủ nhiều lần suốt những năm qua. “Bạn có thể thấy đấy. Thư viện của chúng tôi chỉ là không gian ngoài trời. Khi trời mưa, tất cả sách bị ướt và sau đó HS không thể đọc được chúng”, người phụ trách chia sẻ.

Bộ trưởng Phát triển Cơ sở Hạ tầng và Truyền thông Manyin khẳng định, những vấn đề này không thể được giải quyết trong khoảng thời gian ngắn, vì ngân sách cần thiết là quá lớn.

“Chúng tôi chỉ đang yêu cầu những gì thuộc về chúng tôi. Mỗi ngày, chính phủ liên bang kiếm được hàng triệu MYR từ dầu mỏ ở Sarawak. Trong trường hợp này, chúng tôi chỉ yêu cầu cơ sở GD tại khu vực được hưởng điều kiện như các trường ở thành phố Malaysia bán đảo”, ông Lo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lo, trẻ em ở Sarawak nên có quyền được tiếp cận với máy tính và sách, cũng như được ngồi trong lớp và học tập thoải mái mà không phải lo lắng về thời tiết.

Trước tình trạng này, cựu Bộ trưởng Bộ Công trình Malaysia, ông Fadillah Yusof, khẳng định: “Chúng ta cần ít nhất 3 tỷ RYM cho các công việc sửa chữa”.

Trả lời truyền thông, Tiến sĩ Mazlee - Bộ trưởng GD liên bang, cho biết, việc phân bổ ngân sách năm 2020 đã được quyết định dựa trên ước tính của Sở Công trình Sarawak. “Việc sửa chữa các trường bị ảnh hưởng sẽ được tiến hành vào năm 2020”, ông Mazlee nói.

Bên cạnh đó, TS Mazlee cũng cho hay, các trường học được lựa chọn dựa trên 5 tiêu chí, chẳng hạn như chúng nằm trong khu vực dễ bị lũ lụt hoặc sạt lở và có nhiều hơn 100 HS. Sau đó, Sở Công trình Sarawak sẽ quyết định trường nào được ưu tiên cho việc sửa chữa.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ