Lũ rút, anh Đặng Thái Nam (21 tuổi, trú thôn Trung Định, xã Nhơn An, TX An Nhơn) đang dầm mình trong nước để rửa lá cứu mai.
Anh Nam cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2.000 gốc mai từ 4 năm tuổi trở lên bị ngâm mình trong nước lũ gần 3 ngày liền. Biết lũ sẽ đến, tôi cố gắng đưa chậu mai lên cao nhưng không tránh được con nước”.
Sau lũ, anh Nam dùng nước để rửa bùn dính lá. Thế nhưng, điều khiến anh buồn nhất là hàng chục cây mai không thể cứu vãn được nữa do dòng nước “tấn công” quá dữ dội.
“Lũ chảy về cuốn trôi hơn 20 gốc mai, 200 chậu cúc sắp ra hoa, phục vụ dịp Tết cũng tan tành theo lũ. Nói thật, giờ mình chẳng mong muốn đến Tết, nông dân thiệt hại quá nhiều”- anh Nam mếu máo nói.
Người dân làng mai Nhơn An dựng lều canh mai Tết trong lũ dữ.Ảnh 6: Lũ dần rút, nhiều nông dân ra ruộng mai dọn dẹp để cứu vãn những chậu mai còn lại.
Ngập trắng… đồng mai cảnh
Rất nhiều bao bì ni lông, rác “quấy nhiễu” mai
Những chậu mai trôi đi sau lũ, trẻ em tận dụng khoảnh nước ngập để thả cá
Lũ cuốn chậu mai trôi đọng lại dưới đất ruộng
Chị Đỗ Thị Thu Thủy (40 tuổi, trú xã Nhơn An) cho hay: “Để bảo vệ mai trước lũ, tôi rào thật kỹ và cho lên nơi cao ráo nhưng không ngờ lũ lớn như vậy. 40 chậu mai của gia đình đã trôi theo lũ không kịp cứu vãn”.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức - Chủ tịch UBND xã Nhơn An (TX An Nhơn), toàn xã có 5 thôn trồng mai với hơn 1.000 hộ dân chuyên canh hoa mai cảnh phục vụ dịp Tết với tổng số lượng vài triệu cây.
"Có những người trồng 6.000-7.000 cây mai, chi phí đầu tư một năm cả trăm triệu đồng nhưng lũ qua thì không thu lại được đồng nào. 3 năm rồi, kể từ trận lũ năm 2013, tôi mới chứng kiến làng mai thiệt hại lớn như vậy. Nông dân điêu đứng, mất Tết hết rồi”- ông Đức buồn bã nói.
Rác… bám đầy hàng rào vườn mai
Mỗi năm, tổng doanh thu của người dân xã Nhơn An bán mai Tết là khoảng 18 tỉ đồng. Thế nhưng, do lũ chồng lũ nên năm nay lượng mai chết khoảng 5% lượng mai, 60% của số còn lại không thể bán được vì bị hư hỏng, rụng lá, mất sức không ra hoa.
Lũ chồng lũ, người dân làng mai Nhơn An phơi quần áo ngoài trời, phải có mái che ni lông.
Trưa nay (18/12), ông Trần Kỳ Quang- Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết: “Hiện tại, vẫn còn hơn 1.200 hộ vẫn bị cô lập trong nước lũ, họ phải sống cảnh thiếu điện. Lũ đang rút nên chúng tôi đã chỉ đạo nước rút đến đâu thì đóng điện đến đó để hỗ trợ người dân. Tại xã Phước Thắng muốn vào phải đi bằng thuyền vì nước lũ vẫn ngập sâu. Giờ, người dân vùng lũ thích lương khô và nước uống vì mì tôm giờ không có chỗ nấu, phải ăn sống nhiều ngày nên họ ngán lắm”.
Ông Nguyễn Văn Trung (56 tuổi, trú xã Phước Quang) cho hay: "Nhiều ngày nay, tôi chỉ cầm chừng bằng mì tôm nhưng ăn miết thấy ớn tận cổ nhưng cố nút. May mắn, lũ rút dần có đoàn cứu trợ đến cho lương khô và nước suối, vậy cũng đỡ”.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: “Từ ngày 11.12 đến hết ngày 17.12, mưa lũ tại Bình Định đã khiến 11 người chết, 2 người mất tích, 85 ngôi nhà bị sập, 35 nhà hư hỏng, gần 70.000 nhà ngập mước và gần 6.000 hộ dân buộc phải di dời đến nơi an toàn.
Về nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 5.847ha lúa bị ngập, hư hỏng, 1.732ha hoa màu hư hỏng, 4.825 tấn lương thực bị ngập nước, 551ha diện tích đất bị xói lở, vùi lấp, 894 gia súc và gần 56.000 gia cầm bị cuốn trôi. Lũ cũng đã khiến 17 cầu bị hư hỏng, 76 điểm giao thông bị ách tắc, 65.850m đường giao thông bị sạt lở hư hỏng, 14.051m3 đất bị sạt lở, 1.995m3 đá, bê tông, nhựa đường bị hỏng, 39 cống bị hư hỏng…”.