“Mái nhà chung” yêu thương

“Mái nhà chung” yêu thương

Sáng tạo những tiết học hạnh phúc

Bài học môn Ngữ văn về truyện cổ tích Tấm Cám của lớp 10A2 (Trường THPT Châu Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do cô Lê Thị Trang Nhung giảng dạy diễn ra khá đặc biệt. Trước khi vào bài học, HS được tham gia trò chơi với những câu hỏi liên quan đến bài học. Sau đó, HS hóa thân vào các nhân vật, lựa chọn và phân tích nhân vật, thể hiện chính kiến của mình về nhân vật.

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, HS làm việc nhóm, vận dụng kỹ năng để làm chủ bài học mà không phụ thuộc hoàn toàn vào việc truyền thụ kiến thức của GV. Qua tiết học Ngữ văn theo hình thức sân khấu hóa giúp HS chủ động tìm kiếm kiến thức và nhìn nhận vấn đề theo hướng đa chiều. Tiết học mang lại nhiều cảm xúc nên việc tiếp thu bài nhanh và dễ nhớ.

Cô Nhung cho biết, tiết học Ngữ văn theo hình thức sân khấu hóa được HS chuẩn bị công phu từ 2 tuần trước khi học. Các em mạnh dạn đề xuất ý tưởng thực hiện và hào hứng tham gia. Thông qua tiết học, trải nghiệm câu chuyện Tấm Cám, HS có sự trưởng thành về suy nghĩ. Các em nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để có những ứng xử phù hợp.

Cô giáo Hoàng Ngọc Lân (Trường THCS Nguyễn Thái Bình - TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), kể một câu chuyện: “Năm học này, tôi được phân công về lớp 9/ 5 làm GVCN và dạy môn Tiếng Anh. Ngày đầu tiên tiếp nhận lớp, tôi chú ý đến Huỳnh Thiện B. Em rất nhút nhát, không nói chuyện, giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Qua trao đổi với phụ huynh, tôi được biết em B đã mắc chứng tự kỷ nhiều năm nay”.

Hiểu được hoàn cảnh của em B, cô Lân lên phương án thay đổi phương pháp dạy học tích cực và dành nhiều sự quan tâm cho HS “đặc biệt”. Cô thường xuyên sử dụng các hình ảnh, đoạn phim, đồ vật hay các trò chơi để kích thích, tạo sự hứng thú, phấn khởi cho HS tiếp thu bài học. Nhờ đó, tiết học Tiếng Anh của cô trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, bớt căng thẳng, tạo hứng thú cho HS.

Cũng nhờ vào phương pháp học tập này, B có nhiều tiến bộ rõ rệt trong học tập. Em cởi mở hơn, thấy vui khi đến lớp, bắt đầu nói chuyện với bạn bè và thầy cô.

Cô Lê Thị Trang Nhung
 Cô Lê Thị Trang Nhung

Lan tỏa mô hình hay

Từ năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Quang Trung (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hình thành các tiết học hạnh phúc. Vào các buổi học trong tuần, trước khi vào lớp, cô và trò thực hiện nhiều hành động yêu thương. Chẳng hạn, cô trò nắm tay nhau bằng sự đoàn kết; cô trò ôm ấp thể hiện yêu thương, sẻ chia, hay như đụng tay thể hiện sự quyết tâm cố gắng.

Mô hình này được nhà trường thực hiện tại tất cả các lớp học. Theo các cô giáo, việc thực hiện các hành động yêu thương này không mất nhiều thời gian, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho cả HS lẫn cô giáo.

Còn tại Trường Tiểu học Huỳnh Minh Thạnh (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc được trường thực hiện khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả. Để tạo cảm hứng cho HS học tập, tùy theo từng khung giờ của tiết học mà các GV lẫn HS thực hiện 16 kỹ thuật gồm động tác và lời nói truyền động lực. Những hành động này góp phần tạo hứng thú trong HS học tập, đồng thời giáo dục kỹ năng sống cho HS.

Ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình trường học hạnh phúc. Ở đó, HS đến trường không phải chỉ để học chữ, mà còn là để sống, làm cho bản thân mình trở nên tốt hơn.

Trước đây, người thầy chỉ lo tập trung dạy chữ, giúp HS học tốt các môn văn hóa là đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nay, yêu cầu toàn diện hơn. Giáo viên không chỉ dạy chữ, mà còn chú trọng dạy HS các kỹ năng, giúp HS khi ra trường có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ