(GD&TĐ) - Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Điện Biên đã 8 năm thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao về việc tổ chức, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức rõ vai trò; tầm quan trọng của công tác giáo dục, tinh thần quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị...
Từ những nhận thức ấy, Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã làm tròn trách nhiệm đào tạo 6 khóa học, 553 lưu học sinh. Nhiều em lưu học sinh Lào sau khi học xong Tiếng Việt đã tiếp tục học tập chuyên môn, nghiệp vụ ra trường trở về nước công tác đóng góp phần không nhỏ xây dựng quê hương, đất nước và các em mãi không quên cái nôi nuôi dưỡng mình trưởng thành.
Không đơn thuần chỉ là giảng dạy
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quản lý; chăm sóc, nuôi dưỡng và giảng dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Điện Biên luôn đặc biệt chú trọng đến việc phân công Ban quản lý gồm: các giáo viên chủ nhiệm và các nhân viên phục vụ, bảo vệ phải là những người có kinh nghiệm, tâm huyết; nhiệt tình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm có phẩm chất đạo đức... khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là nhiệm vụ trọng tâm, tiêu chí đầu tiên trước mỗi khóa học mà Trung tâm đề ra để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy cho các em.
Sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên trao phần thưởng cho h/s đạt thành tích xuất sắc. |
Các em lưu học sinh Lào nhập học 100% đều chưa biết tiếng Việt, lại ở những tỉnh khác nhau. Trong khi đó, công tác tuyển sinh của nước bạn Lào chưa thật chú trọng đến tình trạng sức khỏe và trình độ nhận thức của học sinh do vậy việc dạy - học gặp không ít những khó khăn.
Bên cạnh đó, các em chưa quen với cuộc sống, sinh hoạt, khí hậu mới, nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe. Ngay từ đầu mỗi khóa học, Ban quản lý tổ chức đón tiếp các em chu đáo, tiến hành làm đầy đủ các thủ tục; giáo dục về tư tưởng, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện nề nếp học tập và sinh hoạt, đặc biệt chú trọng tình hình sức khỏe của từng em.
Ban quản lý luôn nhận rõ vai trò trách nhiệm của mình, phân công cụ thể cho các thành viên, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, bàn bạc thống nhất các biện pháp quản lý, việc sinh hoạt và học tập của học sinh. Để các em có thể hòa nhập được với môi trường mới, làm quen với tiếng Việt, tự tin trong quá trình học tập, Ban quản lý kết hợp với các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động để các em được giao lưu, làm quen với học sinh Việt Nam; thăm quan các di tích lịch sử, thi đấu các môn thể thao, tổ chức buổi văn nghệ vào các ngày lễ của Việt Nam và Lào...
Tấm lòng của những thầy cô
Những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy và chủ nhiệm các em lưu học sinh Lào, trong những khóa đào tạo là những người gánh trọng trách quan trọng. Họ không chỉ thực sự giỏi về chuyên môn, để có thể giảng dạy một cách hiệu quả những học sinh đầu tiên được làm quen với ngôn ngữ tiếng Việt, mà họ phải thực sự là những người giàu lòng tâm huyết, bằng những việc làm thiết thực.
Dạy các em lưu học sinh Lào, mỗi khóa học chỉ trong vòng thời gian 10 tháng, từ những kiến thức sơ đẳng nhất cho đến phần tiếng Việt nâng cao (sử dụng ngôn ngữ trong nói, viết), các thầy cô luôn nêu cao tinh thần tận tụy, tự học và sáng tạo, tìm cho mình phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả nhất. Nhiều thầy cô tự học tiếng Lào, để trong quá trình dạy lấy ví dụ minh họa cho các em, thường xuyên trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp. Để đạt được hiệu quả, các giáo viên luôn kề cận, gần gũi; động viên, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, dạy bảo uốn nắn các em từng nét chữ câu văn, lời nói... hướng dẫn các em học thêm buổi tối.
Cũng như những lớp học bình thường khác của học sinh Việt Nam, lớp phân loại đối tượng học sinh, để giáo viên có kế hoạch, phương pháp giảng dạy cho học sinh tiếp thu chậm. Hàng tuần, hàng tháng đều có đánh giá nhận xét biểu dương khích lệ tinh thần học tập. Nhưng ở đây có điều khác biệt là các thầy cô luôn coi và dạy các em học sinh thực sự như những đứa con của mình đang bập bẹ đánh vần học tiếng. Rồi thầy cô còn kiêm luôn cả việc theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ của các em học sinh. Để các em có bữa ăn hợp với khẩu vị, đủ chất, đảm bảo vệ sinh.
Mỗi khi các em ốm đau bệnh tật, các thầy cô làm trách nhiệm của người cha, mẹ đưa đi khám chữa bệnh, săn sóc... cũng chính vì tấm lòng yêu thương, tình cảm của thầy cô mà lưu học sinh Lào các khóa học tại Trung tâm đều có tinh thần và thái độ, ý thức học tập tốt. Các em luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Tất cả VI khóa học, 100% các em đều đạt hạnh kiểm khá, tốt; 100% đạt loại học lực từ trung bình trở lên không có học sinh yếu.
Trong lễ tổng kết lớp đào tạo tiếng Việt khóa VI (năm học 2010 - 2011), tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, em Sổm Xai Xay Nhạ Vông là một trong 5 học sinh xuất sắc được trao phần thưởng, đã xúc động nói với chúng tôi: “Ngày hôm nay, chúng em ai cũng nghẹn ngào xúc động, muốn nói nhiều lắm! Mà không thể nói hết bằng lời, mọi người ở Trung tâm đã giành cho các em thật nhiều tình cảm. Các thầy cô dạy bảo, chăm sóc chúng em như con. Chúng em được sống những ngày tháng học tập vui vẻ, đầm ấm và thật ý nghĩa... nơi đây như chính ở quê hương, mái trường, ngôi nhà của các em ở bên Lào vậy. Tất cả chúng em không ai thiếu thốn về vật chất, tình cảm... giờ đã học xong mà chẳng bạn nào muốn rời xa nơi này cả”.
Phạm Kiên Cường