Mái ấm cho con chữ neo đậu

GD&TĐ - Con đường từ trong bản đến trường học quá xa, lại gập ghềnh đồi núi, sông suối, nên việc đi lại của HS vùng cao Sín Chéng những năm trước đây khó khăn lắm. 

Mái ấm cho  con chữ neo đậu

Nhưng giờ thì khác rồi, mô hình trường bán trú dành cho HS vùng khó các bản như Nà Cảng 2, Phìn Chư 3… học tập tại Trường THPT số 2 Si Ma Cai đã được áp dụng theo chủ trương của Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng tạo được hiệu quả đối với các em HS…

Sín Chéng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Nằm ở trung tâm xã Sín Chéng, Trường THPT số 2 Si Ma Cai là ngôi nhà chung của 342 HS người dân tộc Mông. 

Thầy Cao Xuân Lâm - Hiệu trưởng - cho biết: HS của nhà trường đa số có hoàn cảnh khó khăn, sống chủ yếu ở các bản xa như Nàn Sín, Thào Chư Phìn, Mản Thẩn, Bản Mế trên núi cao. 

Vì vậy, việc các em xuống núi học chữ là một hành trình gian nan. Các bản như Nà Cảng 2 (xã Lử Thẩn), Phìn Chư 3 (xã Nàn Sín), HS phải vượt 25 – 30 cây số đường đất để tới trường. Còn các bản gần thì trung bình cách trường từ 15 – 20 km, qua nhiều con suối và nhiều dốc đèo.

Xác định được những khó khăn của việc đi lại, ăn ở của các em, những năm học qua BGH nhà trường đã tham mưu với Hội phụ huynh, chính quyền địa phương có những giải pháp tốt nhất để giúp các em vơi đi những khó khăn, vững tâm đến trường học chữ. 

Một trong những hình thức đã tạo nên sức hút đối với học trò là mô hình trường bán trú. Đây thực sự là mái ấm, là nơi các em học sinh có thể gửi gắm niềm tin và yên tâm ở lại gắn bó với trường, với bạn bè và thầy cô. 

Từ khi mô hình này ra đời, luôn có ít nhất 1/3 HS trường ở lại khu bán trú nhà trường (năm học này là 132/342 HS). Trong những năm học gần đây, để các em bớt đi khó khăn sau giờ học và tạo việc sinh hoạt có quy củ, nhà trường đã tổ chức nấu ăn tập trung cho những em bán trú. Hoạt động này được duy trì đều đặn và đảm bảo chất lượng.

Theo thầy Lâm, mô hình bán trú đã tạo động lực cho rất nhiều em HS vùng cao đến trường học chữ. Nhiều em đã tâm sự thật rằng, nếu không có nhà bán trú và không được ăn ở, có lẽ em đã bỏ học vì nhà quá xa trường, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn quá. 

Còn các bậc phụ huynh thì khỏi nói, với họ, con em mình được ở nơi khang trang, được ăn uống đầy đủ thì không có gì yên tâm hơn.

Thầy Lâm dẫn chúng tôi đi tham quan khu nhà bán trú được xây khang trang ngay trong khuôn viên trường. Ở mỗi phòng đều có giường tầng sắt được bố trí đủ cho khoảng 5 - 6 em trong một phòng. 

Nền nhà được lát gạch sạch sẽ, thoáng mát. Tại đây, nhà trường ra quy định về nề nếp, giờ giấc để tất cả các em cùng nhau thực hiện. Nhờ có mô hình ở bán trú, nên trong những năm gần đây, số HS ở xa bỏ học đã giảm dần, tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập ngày càng được nâng lên rõ rệt. Điều quan trọng là các em HS thấy yêu và gắn bó với trường lớp, với thầy cô, thấy tự giác hơn trong học tập.

Hiệu quả của mô hình bán trú tại Trường THPT số 2 Si Ma Cai trong những năm gần đây đã và đang phát huy tác dụng. Chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của ngành GD&ĐT, sự chung tay của nhà trường, thầy cô và địa phương thực sự như một “luồng gió ấm” đối với HS vùng khó Sín Chéng - nơi con chữ đang ươm mầm tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ