Trong câu chuyện của các thầy cô, và cả những người làm công tác quản lý giáo dục vùng khó, lấp lánh niềm vui với trường lớp khang trang, những câu chuyện tiếp cận với phương pháp, công nghệ dạy học mới và cả “khoe” thành tích của học trò. Đổi mới giáo dục tác động từ từ nhưng thật sâu sắc đến những vùng đất xa xôi.
Ấn tượng đẹp về giáo dục
Nhiều người tâm sự, sau những chuyến đi vùng cao, vùng xa, ấn tượng nhớ mãi là hình ảnh những ngôi trường khang trang, sơn vàng nổi bật giữa núi rừng, giữa những mái nhà tranh lam lũ.
Ngày càng nhiều những ngôi trường mới mọc lên giữa các thôn, bản. Rất nhiều trẻ có khi chỉ vài ba bước chân tới trường, không còn phải vượt chục cây số đường rừng, núi đi học với những đôi chân phồng rộp, lạnh tái tê.
Đó là một lý do khiến tỷ lệ học sinh đến lớp ngày càng cao và ổn định; vấn đề duy trì sĩ số đã không còn là chuyện đau đầu với người làm phổ cập.
Đặc biệt, những lớp học hiện đại từ hình thức đến cách tổ chức hoạt động học tập đã không còn xa lạ với học sinh, giáo viên vùng khó. Nếu được tận mắt chứng kiến, chắc nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên trước hình ảnh những học sinh dân tộc hăng say thảo luận nhóm và vô cùng tự tin trong giao tiếp.
Trong giờ học, giáo viên không giảng bài một chiều mà làm nhiệm vụ hướng dẫn; nhóm trưởng mỗi nhóm sẽ triển khai nội dung học tập và tổ chức thảo luận tại nhóm của mình.
Có một điều khá thú vị là, phụ huynh có thể đến dự giờ với lớp bất cứ lúc nào. Tất cả những thay đổi này đều làm tăng tính tương tác giữa giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh, nhà trường - gia đình. Đó chỉ là một trong những kết quả mà Mô hình Trường học mới (VNEN) mang lại.
Ghi danh tỉnh vùng khó trên bản đồ đổi mới giáo dục
Những địa phương ghi dấu ấn tích cực lại là các tỉnh vùng khó như Lào Cai, Khánh Hòa, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Cao Bằng. Kết quả đó là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm mô hình này ở cấp THCS tại 24 trường thuộc sáu tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa.
Cái tên Lào Cai được nhắc đến khá nhiều trong công cuộc đổi mới giáo dục lần này. Một tỉnh vô vàn khó khăn vùng núi phía Bắc, thật không ngờ lại là tỉnh đã và đang đi đầu trong việc triển khai Mô hình Trường học mới và Chương trình dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy…; cũng là địa phương được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng ý là tỉnh chỉ đạo thí điểm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Không chỉ VNEN, Chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục cũng “bước chân” vào vùng khó, giải quyết nỗi lo lắng với chất lượng học Tiếng Việt của học sinh dân tộc.
Chương trình không chỉ giúp học sinh đọc thông viết thạo, học đâu chắc đấy, nắm chắc luật chính tả, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt mà còn giúp các em phát triển tư duy và biết cách làm việc trí óc, phát huy năng lực tối ưu của từng cá nhân học sinh.
Được thí điểm ở những vùng khó, có nhiều dân tộc thiểu số và ở cả những địa phương có nhu cầu từ năm học 2008 - 2009, chỉ trong vài năm, tính đến năm học 2013 - 2014, đã có 34 tỉnh/thành tham gia học Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục với số lượng lên tới 2.392 trường.
Không dừng lại ở đó, từ năm học 2012 - 2013, phương pháp “Bàn tay nặn bột” - phương pháp đã được triển khai thành công ở các nước tiên tiến - được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm đối với các trường tiểu học và cả THCS tại cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Và một lần nữa, các tỉnh vùng khó lại hòa nhập cùng “sân chơi” chung với những kết quả khả quan. Điển hình như Hà Giang có tới 59 trường thí điểm với khoảng 3.000 học sinh tham gia… trong khi các tỉnh, thành khác chỉ có khoảng 10 - 15 trường tham gia. Bước đầu, “Bàn tay nặn bột” đã tạo được hứng thú cho học sinh, nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn tự nhiên.
Có thể nói, rất nhiều những đổi mới trong giáo dục đã được triển khai tiên phong và hiệu quả bất ngờ tại các vùng khó khăn. Bởi vậy, việc xuất hiện những cô cậu học trò xuất sắc; những thí sinh dân tộc đỗ một lúc vài trường đại học, cao đẳng; thậm chí là thủ khoa đại học người dân tộc không còn là xa lạ.
Quan trọng hơn, thành quả đơm hoa, kết trái từ những thực nghiệm đổi mới được triển khai trên cả nước, trong đó có các tỉnh vùng khó là cơ sở, là tiền đề vững chắc để toàn Ngành thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong năm học mới 2014 - 2015 này.
Được triển khai thí điểm từ năm học 2012 - 2013 tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đến năm học 2014 - 2015, có gần 2.500 trường tiểu học trên tổng số 15.000 trường thực hiện Mô hình VNEN.
Chỉ trong chưa đến 3 năm, mô hình dạy học này đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ có những tác động rõ rệt tới giáo viên và học sinh trong việc đổi mới phương pháp dạy và học.