Ngay trong tiêu chí đánh giá xếp loại ở tiểu học, vở sạch chữ đẹp cũng là một tiêu chí. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến băn khoăn nếu lạm dụng luyện chữ đẹp có thể gây ra những tác dụng phụ tới trẻ…
Rèn chữ - rèn người
Có 2 đối tượng học sinh chủ yếu "đi sâu" vào rèn chữ gồm: Một là những học sinh cẩn thận, chỉn chu, khéo léo ngay từ những nét chữ đầu tiên và được gia đình, cô giáo đặt nhiều kì vọng cho các kì thi viết chữ đẹp; hai là những học sinh vụng hoặc cẩu thả, ẩu được phụ huynh ràng vào luyện chữ để rèn tính cách cẩn thận, cần cù, kiên nhẫn...
Những trung tâm luyện chữ đẹp mọc rộ lên từ mươi năm trở lại đây và hiện tại vẫn thu hút đông học sinh, như tại Hà Nội có trung tâm của thầy Tuấn ở Hàng Mành, trung tâm của cô Mai Đông ở phố Trúc Khê… luôn đông học sinh ngay cả khi đang trong năm học.
Điều đó cho thấy phụ huynh quan tâm rất nhiều tới việc rèn chữ cho con. Chị Nga (Quỳnh Mai) có con học lớp 2 chia sẻ, nhìn một quyển vở chữ viết nắn nót ai cũng thích hơn là xiên xẹo tẩy xóa.
Một phụ huynh khác nêu ý kiến: Học sinh lớp 1 không học viết, học đọc thì còn học gì nữa - vì thế nên rèn ngay nét chữ đầu tiên từ những ngày đầu đến đi học.
Đứng ở góc độ giáo viên, một cô giáo tiểu học nêu quan điểm ủng hộ rèn chữ học sinh: "Một học sinh không được rèn viết nghiêm túc thì lên lớp 4, lớp 5 thôi là giáo viên đã không thể đọc được bài học sinh viết cái gì - thực tế tôi đang phải dạy những học sinh như thế, mai mốt lớn lên không biết chữ nghĩa thế nào nữa.
Vẫn biết thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhưng có một điều tất yếu là nó không thể thay thế tất cả cho chữ viết tay. Rèn chữ là một cách để rèn tính cẩn thận cho con".
Đừng chất thêm gánh nặng lên lưng trẻ!
Không thể phủ nhận khía cạnh tích cực của chữ đẹp nhưng không ít ý kiến băn khoăn khi rèn chữ chịu sức ép thành tích và vô hình trung gánh nặng bị chất lên vai trẻ.
Thi đua vở sạch chữ đẹp giữa các khối lớp trong nhà trường khiến những học sinh viết xấu chịu áp lực lớn nhất; rồi ngay cả các em viết đẹp cũng chịu áp lực không kém phải viết đẹp hơn nữa để có giải trong các kì thi.
Theo phụ huynh Trịnh Minh Hồng thì chữ đẹp ai cũng thích nhưng đừng để mất thời gian vào nó, nên dành thời gian đó cho các việc khác bổ ích và làm cho trẻ thích thú.
Chị Hồng không yêu cầu con phải viết đẹp và thay vì luyện chữ cho con vẽ, làm thủ công. Điều bất ngờ là dù không luyện viết nhưng con chị cũng có nét chữ tương đối đẹp. Theo chị thì có thể sự khéo léo của đôi tay có tác động lớn tới nét chữ.
Theo cô Lê Dung - Giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội), thì nên rèn chữ viết cho học sinh qua bài viết hàng ngày. Các cô giáo quan tâm rèn các con qua các tiết học sẽ đạt hiệu quả tốt hơn nhiều so với cách luyện miên man rồi lại lơ là nhắc nhở, chữ xấu sẽ lại đâu vào đấy.
TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), nêu quan điểm: Viết chữ đẹp có nhiều ý nghĩa tích cực như làm đẹp văn bản, rèn tính cẩn thận, không gây hiểu nhầm…
Tuy nhiên, xã hội, gia đình và nhà trường phải hiểu đúng "Nét chữ nết người" không có nghĩa là những người "chữ xấu" đi liền với "nết xấu". Việc học viết chữ là cần thiết nhưng yêu cầu chỉ cần là viết đúng chính tả, nhìn sạch sẽ, không bị nhầm sang chữ khác.
Cũng theo TS Vũ Thu Hương thì hiện nay có nhiều nội dung giáo dục thú vị nhưng không có thời gian nên bị lồng ghép và tích hợp vào chương trình dạy học. Nếu giảm bớt gánh nặng luyện chữ trẻ sẽ có thêm thời gian được học kiến thức xã hội bổ ích hơn.