Luyện bài tập khó, luyện “mẹo” và nguy cơ “còi” sớm về trí tuệ

GD&TĐ - Dạy gì ở trường THPT chuyên? GS.TSKH Hà Huy Khoái - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã đưa ra câu trả lời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu của việc giảng dạy ở những lớp chuyên Toán, trước tiên là để phát triển năng khiếu toán học ở học sinh. Nhưng không chỉ có vậy, chúng ta cần những con người toàn diện, nói một cách cụ thể hơn, là con người có khả năng đối diện với mọi thách thức của cuộc sống.

Trước hết cần trang bị kiến thức cơ bản thật chắc

Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu đào tạo con người toàn diện, cần giảng dạy những gì sát với thực tế cuộc sống. Khẳng định điều này là đúng, nhưng GS Hà Huy Khoái đồng thời đưa ra câu hỏi: Hiểu thế nào là sát thực tế?

 GS.TSKH Hà Huy Khoái

Về vấn đề này, vị GS đầu ngành về Toán học cho rằng: Nếu thực tế bây giờ đang cần cái gì, ta dạy học sinh cái đó thì e rằng sẽ không “sát thực tế” khi học sinh bước vào đời. 

Dạy họ làm cái ô tô chạy xăng thì khi ra đời, mọi ô tô có thể đã chạy bằng pin mặt trời! Thực tế thay đổi rất nhanh, nhất là trong thời đại công nghệ cao ngày hôm nay.

Nhưng có một “thực tế” không bao giờ thay đổi: Để có thể thích ứng với mọi công nghệ mới, mọi lý thuyết mới, mọi thay đổi của xã hội, con người cần một kiến thức cơ bản thật vững chắc, cả về tự nhiên và xã hội.

Theo GS Hà Huy Khoái, nhiều công ty, cơ quan phàn nàn việc sinh viên ra trường chưa làm việc được ngay, mà phải đào tạo lại, nguyên nhân hoàn toàn không phải vì nhà trường không dạy những cái công ty đang cần, và hiển nhiên cũng không thể dạy tất cả những gì mà các công ty khác nhau đang cần, mà chính vì đã dạy chưa cơ bản.

Nếu sinh viên ra trường có kiến thức cơ bản vững chắc thì việc thích ứng với mọi công ty không phải là điều khó khăn.

“Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước châu Âu, các ngân hàng thường tuyển dụng sinh viên Toán, những người chưa hề có kỹ năng nghiệp vụ ngân hàng. Với sinh viên này, “đào tạo lại” hoàn toàn không khó khăn, và họ sẽ thích ứng nhanh, làm việc hiệu quả” - GS Hà Huy Khoái đưa ví dụ.

Vị GS ngành Toán khẳng định: Trang bị những kiến thức cơ bản chính là nhiệm vụ của nhà trường. Kiến thức ở đây không phải là những gì ta có thể tìm thấy trên “google” với một cái nhấp chuột. Đã qua cái thời con người cần nhớ thuộc lòng mọi thứ. 

Học sinh bây giờ cần những cái mà họ không thể “google” mà có được. Đó chính là phương pháp tư duy, khả năng tìm tòi những cái mới, khả năng thể hiện tường minh những ý nghĩ mơ hồ và bất chợt, khả năng làm việc và tìm tòi tập thể.

“Rèn luyện” không phải “luyện thi, rèn bài tập”

Nếu như các bạn trẻ cần quên ngay tấm huy chương vừa nhận được, thì các nhà quản lý lại đừng bao giờ quên tấm huy chương đó. Vì nếu biết đầu tư đúng lúc, từ những tấm huy chương Olympic, xã hội có thể có những tài năng thực sự, những người mang lại lợi ích lớn lao cho nước nhà.

GS.TSKH Hà Huy Khoái

Theo GS Hà Huy Khoái, Toán học chính là một bộ môn tuyệt vời để rèn luyện những kỹ năng đó.

Tuy nhiên, “rèn luyện” lại có thể được hiểu là “luyện thi, rèn bài tập”. Nếu như thế thì chỉ cần “học” hết hàng loạt sách đang bày bán, chẳng hạn sách “1000 bài tập về…” chẳng hạn là được.

Một học sinh giỏi, làm hết các bài thi đại học trong nhiều năm, thì khi thi đại học dễ dàng được điểm cao, thậm chí là thủ khoa. Một học sinh rất giỏi và thường xuyên luyện các bài tập khó, cỡ “IMO” thì, nếu may mắn, có thể lọt đội tuyển IMO.

Nhưng nếu chỉ như thế, nếu không được đào tạo cơ bản, những học sinh như vậy rất khó tiến xa. GS ví von, điều này hoàn toàn tương tự như khi ta cho trẻ em tập gánh từ bé. Nếu từ năm 8, 9 tuổi, em bé đã được tập gánh, thì khi 15 tuổi, có thể sẽ gánh nặng hơn hẳn một em ở tuổi đó mà chưa hề tập gánh.

Nhưng em bé tập gánh sớm, chắc chắn sẽ bị còi, không lớn lên được. Và khi 18 tuổi, kết quả thế nào đã có thể nhìn thấy trước.

“Nếu chỉ chăm chú luyện bài tập khó, luyện “mẹo” mà ít rèn luyện kiến thức cơ bản, nâng cao, chúng ta dễ làm các học sinh giỏi của mình đạt thành tích sớm và cũng “còi” sớm về trí tuệ” - GS Hà Huy Khoái khẳng định.

Theo GS, để tránh tình trạng đó, ở nhiều nước, người ta chú trọng bồi dưỡng cho học sinh lòng say mê khoa học, thông qua việc giới thiệu những thành tựu cao nhất của khoa học một cách dễ hiểu.

Tìm đến những thành tựu cao nhất cũng tức là tìm đến “cái cơ bản”. Tất nhiên, để làm được điều này, người thầy phải cố gắng hơn rất nhiều, phải học hỏi thêm rất nhiều, chứ không như việc tìm bài tập “hóc búa, mẹo mực” về giảng cho học sinh.

“Nói cho cùng, người thầy cũng phải được đào tạo cơ bản” – GS Hà Huy Khoái nhấn mạnh.

Thành công của 1 km đầu tiên

Có người cho rằng, có quan trọng gì đâu cái huy chương vàng Olympic Toán học, vì thực ra nó nào có liên quan thiết thực gì đến kinh tế, xã hội!

Trước quan điểm này, GS Hà Huy Khoái bày tỏ quan điểm: Nếu nói vậy thì chắc cũng chẳng nên thi chạy 100m, 5.000m, thi đi bộ làm gì, khi mà có thể dùng ô tô, máy bay!

Nói cho cùng, các cuộc thi đó đều chứng tỏ khát khao của con người trong việc nâng cao khả năng của mình, cả về cơ bắp lẫn đầu óc. Và thắng lợi trong những cuộc thi đó không thể nói là không có ý nghĩa.

Lại cũng có người đánh giá quá cao các tấm huy chương đã đạt được và cho rằng, những nhân tài đó chưa được phát huy, trọng dụng thì có nghĩa là xã hội đã có lỗi.

“Tôi nghĩ rằng, trong cuộc chạy maratong đến đỉnh cao của khoa học, những tấm huy chương vàng Olympic mới chỉ là sự ghi nhận thành công của 1 km đầu tiên. Chỉ những người có quyết tâm cao, kiên trì suốt cả chặng đường mới có thể đến đích trước.

Vì thế, tôi vẫn thường khuyên một số học sinh của mình sau khi các em được Huy chương vàng: Hãy quên ngay thành tích đó, và nếu có nhớ thì cũng chỉ nên nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp của thời học sinh, chứ không phải như một thành công trong cuộc đời.

Vinh danh học sinh giỏi cũng là điều tốt, nhưng nên nhớ rằng, vinh quang bao giờ cũng đồng thời là gánh nặng, nhất là đối với tuổi trẻ” - GS Hà Huy Khoái chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ