Lưu ‎ý giúp định hướng ôn tập, làm bài thi Ngữ văn THPT quốc gia 2017

GD&TĐ - Thầy Lưu Linh Nhiệm – giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) – chia sẻ một số kinh nghiệm cơ bản và thiết yếu nhất giúp học sinh định hướng ôn tập và làm bài thi THPT quốc gia 2017 môn Ngữ văn.

Lưu ‎ý giúp định hướng ôn tập, làm bài thi Ngữ văn THPT quốc gia 2017

Những lưu ý cần thiết đối với học sinh khi ôn tập

Khi ôn tập, thầy Lưu Linh Nhiệm đưa ra những lưu ý cơ bản về kiến thức khi giải quyết phần Đọc hiểu; kiến thức, kỹ năng để giải quyết phần Làm văn.

Cụ thể, với phần Đọc hiểu, học sinh ôn tập một số kiến thức cơ bản về tiếng Việt, Làm văn như sau:

Thao tác lập luận; phương thức biểu đạt; phương thức diễn đạt; phong cách ngôn ngữ; nghĩa của từ ngữ; biện pháp tu từ; luyện tập nhận diện chủ đề, nội dung chính của đoạn văn, thơ, một văn bản bất kỳ.

Với phần Làm văn nghị luận xã hội, học sinh lưu ‎ ý: Rèn luyện kỹ năng phân tích đề và lập dàn bài; kiến thức đời sống thực tế qua các kênh thông tin đại chúng, chú ý những hiện tượng đời sống quan trọng đang được dư luận xã hội quan tâm. Chú ý kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống và nghị luận về tư tưởng, đạo lý.

Đối với phần nghị luận văn học - tác phẩm truyện, kí, học sinh cần: Nắm vững nội dung, nghệ thuật, tình huống truyện, chủ đề tư tưởng, nhân vật chính, một vài đoạn văn quan trọng trong tác phẩm (đoạn trích).

Đối với tác phẩm thơ: Thuộc những đoạn thơ quan trọng của bài thơ. Chú ý những giá trị nghệ thuật đặc sắc (sử dụng từ ngữ, giọng điệu, biện pháp tu từ...)

Những lưu ý khi làm phần Đọc hiểu

Với phần Đọc hiểu, thầy Lưu Linh Nhiệm lưu ‎ý, khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu để xác định những nội dung kiến thức mà đề bài yêu cầu theo từng câu hỏi phía dưới.

Các dạng hỏi thường gặp ở phần này (sau khi đã cho ngữ liệu là một đoạn văn, thơ, hoặc một văn bản bất kì) cụ thể như sau:

Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng (hiệu quả) của nó; xác định phương thức biểu đạt; xác định phương thức diễn đạt; nội dung chính của văn bản; chủ đề của văn bản; xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản;

Xác định thao tác lập luận của văn bản (có thể có sự kết hợp những thao tác lập luận khác nhau, cần xác định được thao tác lập luận chính); ý nghĩa của một số từ ngữ đặc sắc trong văn bản; viết một đoạn văn ngắn về một vấn đề xã hội đã đặt ra trong văn bản (dạng nghị luận xã hội)

Bên cạnh đó, học sinh cần trả lời trực tiếp, ngắn gọn, đầy đủ, chính xác từng câu hỏi. Câu nào biết trước thì trả lời trước, không cần cứ phải theo thứ tự từng câu để tránh mất thời gian làm bài.

Trong phần Đọc hiểu, có thể có một câu yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ, ý kiến của mình về vấn đề nào đó đã được nêu trong ngữ liệu. Với câu hỏi này, học sinh cần viết ngắn gọn, súc tích, đầy đủ làm nổi bật vấn đề. Dù là viết đoạn văn, cũng cần phải viết đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

“Trong phần này thường có câu hỏi yêu cầu nêu nội dung chính của văn bản đã cho. Khi làm câu này, học sinh cần nêu được nội dung chính một cách khách quan (văn bản đề cập vấn đề gì), không phân tích, đánh giá, thể hiện thái độ cá nhân” – thầy Lưu Linh Nhiệm lưu ý thêm.

Lưu ý khi làm bài thi phần Làm văn

Đối với phần Làm văn nghị luận xã hội, thầy Lưu Linh Nhiệm chia sẻ những yêu cầu cần thiết với học sinh như sau:

Đọc kỹ đề, xác định vấn đề cần nghị luận mà đề bài yêu cầu. Chú ý có bước phân tích đề để thấy được trọng tâm và các phương diện, các khía cạnh của vấn đề để bài làm đảm bảo đủ ý và không lệch trọng tâm. Tránh kiểu viết chung chung, không làm nổi bật trọng tâm. Trong bài viết thể hiện được đâu là luận điểm trung tâm, đâu là luận điểm bộ phận để bài viết cân đối, hài hòa, không xa đề, lệch hướng đề.

Lập luận cần ngắn gọn, lý lẽ chắc chắn. Với nghị luận xã hội, quan trọng là lý lẽ phải đúng, khách quan, trung thực, nhưng cũng cần kết hợp cảm xúc ở mức độ nhất định.

Thể hiện rõ quan điểm, thái độ của cá nhân đối với vấn đề cần nghị luận

Dẫn chứng bằng kiến thức thực tế đời sống tiêu biểu, tránh đưa quá nhiều dẫn chứng hoặc dẫn chứng là những điều vụn vặt. Không phân tích dẫn chứng khi không cần thiết.

Với yêu cầu viết đoạn văn nghị luận, cũng cần viết đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Tránh hiện tượng viết "không đầu không đuôi".

Với phần nghị luận văn học, thầy Lưu Linh Nhiệm lưu ý:

Nếu phân tích một đoạn văn, đoạn thơ, bên cạnh giá trị nội dung, cần chú ý đến cách thể hiện của tác giả qua những giá trị nghệ thuật được sử dụng trong đó. Tránh chỉ phân tích nội dung khiến cho bài viết không sâu sắc. Tránh hiện tượng phân tích cả tác phẩm...

Về hình thức cấu trúc: Bài văn phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, phân đoạn hợp lý. Tất nhiên, vì là môn Văn nên học sinh phải chú ý đến chữ viết và hình thức trình bày (chữ viết rõ ràng, bài sạch sẽ...)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ