Lưu ý giáo viên, học sinh từ đề thi thử nghiệm môn Địa lý

GD&TĐ - Cô Lương Thị Hải – Giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang) từ những nhận định về đề thi thử nghiệm môn Địa lý Bộ GD&ĐT mới công bố chia sẻ lưu ý với giáo viên, học sinh trong học, ôn tập môn thi này trước kỳ thi THPT quốc gia.

Lưu ý giáo viên, học sinh từ đề thi thử nghiệm môn Địa lý

Kiến thức trong đề thi phủ rộng toàn bộ chương trình Địa lí 12

Theo cô Lương Thị Hải, đề thi thử nghiệm môn Địa lí (đề minh họa lần 2) so với đề thi minh họa lần 1 vẫn tương đương nhau về mức độ nhận thức và phân hóa các đối tượng học sinh.

Đề thi với số lượng 40 câu, thời gian làm bài 50 phút. Tỉ lệ 30 câu hỏi kiểm tra kiến thức chiếm 75% và 10 câu hỏi kiểm tra kĩ năng chiếm 25% toàn bài. Nội dung kiến thức, kĩ năng kiểm tra bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lí 12.

Các câu hỏi biên soạn bám chuẩn kiến thức, kĩ năng và dựa trên hai nguồn tài liệu tham khảo chính của học sinh là sách giáo khoa Địa lí 12 và tập Atlat Địa lí Việt Nam.

Nhận định kiến thức trong đề thi phủ rộng toàn bộ chương trình Địa lí 12 từ tự nhiên, dân cư, ngành kinh tế, vùng kinh tế, cô Lương Thị Hải cho rằng điều này hạn chế được tình trạng học tủ, học lệch của học sinh.

Bên cạnh đó, các câu hỏi trong đề thi được biên soạn và sắp xếp theo thứ tự các mức độ nhận thức tăng dần từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Cụ thể, phân theo mức độ nhận thức: nhận biết có 14 câu hỏi, chiếm 35%; thông hiểu có 10 câu hỏi, chiếm 25%; vận dụng thấp có 12 câu hỏi, chiếm 30%; vận dụng cao có 4 câu hỏi, chiếm 10%.

Phân theo nội dung chương trình: phần tự nhiên có 7 câu hỏi; phần dân cư có 3 câu; phần ngành kinh tế có 10 câu; phần vùng kinh tế có 10 câu và phần thực hành có 10 câu trong đó có 5 câu sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam và 5 câu nhận xét bảng số liệu, biểu đồ và nhận dạng biểu đồ.

“Từ việc phân tích ma trận đề thi thử nghiệm, thấy sự phân hóa giữa các mức độ nhận thức nhận biết và thông hiểu chiếm 60%, còn lại mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao chiếm 40% nên đối với những đối tượng học sinh có học lực trung bình, khá, nếu nắm được những kiến thức, kĩ năng cơ bản thì phổ điểm đạt từ 5 – 6 điểm, cao hơn có thể đạt được từ 7 – 8 điểm.” – cô Lương Thị Hải cho hay.

Giữ ổn định định hướng ôn tập

Theo nhận định ban đầu của cô Lương Thị Hải, đề minh họa lần 2 vẫn giống với đề minh họa lần 1 cả về cấu trúc, nội dung kiến thức và sự phân hóa nhận thức nên những định hướng trong dạy học và ôn tập cho học sinh chuẩn bị ôn thi THPT quốc gia không có nhiều thay đổi.

Về phía giáo viên, khi biên soạn giáo án dạy học, ôn tập thì cần bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lí 12; biên soạn các đề kiểm tra kiến thức cho học sinh cần bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, đặc biệt lưu ý về thời lượng trung bình để trả lời một câu hỏi của học sinh (chỉ khoảng 1,25 phút/câu), tránh ra những câu hỏi, bảng số liệu quá dài, hoặc phải sử dụng đến nhiều trang Atlat, dẫn đến học sinh phải tính toán, xử lí số liệu, tìm kiếm thông tin mất nhiều thời gian, mất phương hướng ôn tập…

Về phía học sinh, đối với học sinh có học lực từ trung bình - khá, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và một số kĩ năng thực hành thì mức điểm 5-6 có thể đạt được là không quá khó khăn.

Còn đối với những học sinh có học lực khá-giỏi muốn đạt điểm cao hơn để xét tuyển đại học thì bên cạnh việc nắm vững kiến thức, kĩ năng cơ bản, các em cần biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề mới, các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ