Lưu trữ dữ liệu giáo dục “trên mây”

GD&TĐ - Với hệ thống “Giải pháp giáo dục trên nền tảng điện toán đám mây”, các trường có thể quản lý thi trực tuyến các kỳ tuyển sinh, lưu trữ dữ liệu an toàn và khai thác dễ dàng hơn.

Nhật Trường (bên trái) và Thanh Duy nhận giải Nhất tại Hội thi khởi nghiệp tỉnh Bến Tre. 	Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhật Trường (bên trái) và Thanh Duy nhận giải Nhất tại Hội thi khởi nghiệp tỉnh Bến Tre. Ảnh do nhân vật cung cấp

Phần mềm đa năng

Dự án “Giải pháp giáo dục trên nền tảng điện toán đám mây” của Lê Thanh Duy (24 tuổi), Bùi Quang Giang (24 tuổi) và Bùi Nhật Trường (28 tuổi), thành viên Công ty TNHH phần mềm Thanh Duy (thành phố Bến Tre) đã đoạt giải Nhất tại Hội thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần III - năm 2019.

Lê Thanh Duy cho biết, có ý tưởng tạo phần mềm hệ thống này là vì thấy việc quản lý dữ liệu ở các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (gọi chung là cơ sở giáo dục - CSGD) chưa ứng dụng công nghệ thông tin. Hoặc có ứng dụng nhưng mỗi CSGD lại sử dụng phần mềm hệ thống khác nhau, dẫn đến thiếu đồng bộ về dữ liệu và mất thời gian trong báo cáo, thống kê, trích xuất thông tin khi cần sử dụng.

Việc quản lý dữ liệu ở các CSGD còn thủ công, ghi chép sổ sách hoặc nạp vào file excel, lưu đĩa cứng vào kho; khi tìm dữ liệu mất thời gian và dễ mất dữ liệu do ẩm mốc, thiên tai, hỏa hoạn...

Với phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây, dữ liệu được lưu trên mạng. Khi dữ liệu lưu trong máy, trong đĩa bị mất, người dùng có thể vào mạng in lại. Duy muốn tạo phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu giáo dục trên nền tảng điện toán đám mây để giúp cho các CSGD quản lý, lưu trữ dữ liệu dễ dàng, an toàn hơn.

Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ngành học Công nghệ thông tin, Duy, Giang và Trường đều vào làm việc ở Công ty FPT để học hỏi kinh nghiệm. Tháng 4/2019, cả ba quyết định khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp riêng là Công ty TNHH phần mềm Thanh Duy. Qua kinh nghiệm và kiến thức công nghệ thông tin, Công ty Thanh Duy đã thiết kế xây dựng thành công phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu giáo dục trên nền tảng điện toán đám mây đáp ứng yêu cầu hiện tại. Bước đầu sản phẩm có thể quản lý thi trực tuyến, cơ sở dữ liệu dùng chung (CSDLDC) cho CSGD; Hệ thống quản lý trường học và lập học bạ điện tử cho học sinh.

Nếu như trước đây, thí sinh dự tuyển phải viết tay phiếu dự thi, nộp vào trường thi, nay với hệ thống này người dự thi có thể viết trên máy vi tính và gửi qua mạng Internet đến trường mình dự thi. Với phần mềm này, thí sinh có thể chỉnh sửa qua mạng mà không phải đến trường viết lại phiếu dự thi như trước đây.

Với trường học, việc quản lý trực tuyến đáp ứng yêu cầu chính xác, bảo mật tuyệt đối các kỳ thi; phần mềm tự động hóa các khâu quan trọng như đăng ký dự thi, thống kê số thí sinh, lập danh sách phòng thi, lập bảng ghi tên, ghi điểm, đánh số báo danh một cách nhanh chóng, chính xác.

Trước đây, vào các kỳ thi, các trường phải mất một tuần làm thủ tục thi cho học sinh và mất vài ngày thống kê số lượng thí sinh. Với hệ thống này, chỉ mất một ngày làm thủ tục. Số liệu thống kê tự động hóa ngay khi nạp danh sách thí sinh dự thi.

Hệ thống quản lý thi trực tuyến còn có chức năng đề cử cán bộ coi thi, sắp xếp cán bộ coi thi từ CSDLDC của CSGD nhằm đáp ứng yêu cầu tuyệt đối việc phân bổ cán bộ coi thi một cách hợp lý (phù hợp số thí sinh dự thi).

Hệ thống còn có chức năng lập học bạ điện tử cho học sinh. Học bạ điện tử có ưu điểm hơn học bạ ghi giấy trước đây trong trường hợp học bạ bị thất lạc hoặc học sinh rút về bị mất, không thể lập học bạ khác. Nay với hệ thống này, khi học sinh bị mất học bạ, có thể in lại và sử dụng chữ ký điện tử cho học bạ đó.

Hệ thống còn ứng dụng vào việc quản lý trường học, trong đó tập trung vào quản lý nhân sự, thư viện, học sinh nghỉ ốm, nghỉ phép...

Ba bạn từ trái sang: Bùi Nhật Trường, Bùi Quang Giang và Lê Thanh Duy. Ảnh do nhân vật cung cấp
 Ba bạn từ trái sang: Bùi Nhật Trường, Bùi Quang Giang và Lê Thanh Duy. Ảnh do nhân vật cung cấp

Hệ thống đa dụng

Duy cho biết: Hệ thống này không chỉ ứng dụng cho trường học mà còn có thể thiết kế lại phù hợp với quy trình, công việc của các đơn vị khác nhau. Khi đơn vị có nhu cầu, công ty của Duy đến tìm hiểu xem họ khó khăn như thế nào trong quản lý, sẽ thiết kế lại hệ thống cho phù hợp như: Ở xí nghiệp cần có hệ thống quản lý dữ liệu của đơn vị trên nền tảng điện toán đám mây về quản lý công nhân, tiền công, nghỉ bệnh, nghỉ phép... việc sử dụng hệ thống sẽ giúp xí nghiệp quản lý thuận lợi, chính xác hơn.

Vì vậy, phần mềm hệ thống quản lý này không làm sẵn để bán cho các đơn vị có công việc khác nhau, ngoại trừ các trường học, có quy trình giống nhau.

Tuy phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây đa năng, đa dụng, có thể phát triển trên nhiều lĩnh vực nhưng với Thanh Duy, Quang Giang và Nhật Trường thì trước nhất là đầu tư cho ngành Giáo dục, hỗ trợ phát triển giáo dục, và Bến Tre là tỉnh đầu tiên ứng dụng hệ thống này. Đến nay, tỉnh Bến Tre có 134 trường THCS, 34 trường THPT (có trường THPT chuyên) ứng dụng hệ thống này và đã mang lại kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020.

Nhận xét về phần mềm hệ thống này, thầy Võ Phương Quang Đạo, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết: Trước đây, Sở và các CSGD trong tỉnh đã sử dụng phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu khác nhưng quy trình hay bị vướng. Phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Công ty TNHH phần mềm Thanh Duy có quy trình phù hợp hơn: Thí sinh đăng ký qua mạng, tiện lợi hơn viết tay. Hệ thống giúp cho Sở trong kiểm tra hồ sơ, các phòng GD&ĐT lập số báo danh, tổ chức thi; hỗ trợ tốt cho quản trị nhà trường, lưu trữ hồ sơ điện tử nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.