Lưới ba lớp khiến Cù Lao Chàm vắng bóng rùa

Ngoài việc mất môi trường sinh sản do du lịch, lưới ba lớp của ngư dân đã giết chết những con rùa về Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đẻ trứng.

Lưới ba lớp khiến Cù Lao Chàm vắng bóng rùa
Bài 3: Rùa tử nạn trên đường vào biển Cù Lao Chàm đẻ trứng

Rùa mắc lưới chết, được trưng bày ở Bảo tàng biển Cù Lao Chàm.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) ba năm qua nỗ lực đưa trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm ấp nở, với hy vọng rùa quay về đảo đẻ trứng. Tuy nhiên, những hoạt động đánh bắt thủy sản, với các loại ngư cụ tận diệt, lại đang cướp đi cơ hội sống của nhiều rùa trưởng thành.

30 năm gắn bó với nghề thả lưới, ngư dân Phạm Lụa (52 tuổi, ở Cù Lao Chàm) kể đã hai lần gặp rùa mắc trong lưới, một con chết, một con sống được ông gỡ ra thả về đại dương. "Đây là việc chúng tôi không mong muốn, nhưng chẳng thể bỏ nghề đánh bắt thủy sản, vì nó đem lại nguồn thu, cung cấp thức ăn cho gia đình", ông Lụa phân trần.

Theo ngư dân này, rùa vẫn về biển Cù Lao Chàm kiếm ăn nên khi thấy cá mắc lưới, chúng liền bơi đến ăn, vô tình dính lưới ba lớp - loại lưới có một lớp mắt dày ở phía trong, hai lớp mắt thưa phía ngoài. Khi mắc lưới, rùa càng vùng vẫy càng bị lưới đùm chặt ở dưới nước, không ngoi lên thở được nên chết ngạt. 

Lưới ba lớp được người dân thả xuống biển Cù Lao Chàm đánh bắt hải sản. Ảnh: Đắc Thành.

Lưới ba lớp được người dândùngđánh bắt trên các vùngbiển quanh Cù Lao Chàm. Ảnh:Đắc Thành.

Cũng thường thả lưới quanh đảo Cù Lao Chàm, tháng 6/2018 ông Bùi Dũng từng bắt gặp con rùa biển dính lưới. Tấm lưới thả xuyên đêm, sáng ra ông thu lưới thấy phao bị nhấn chìm, kéo lên thì nặng trĩu nên nghĩ gặp cá lớn. Sợ cá chạy thoát, ông lặn xuống kiểm tra thấy một con rùa nặng 80 kg đã chết.

Ông Dũng đưa xác rùa về bàn giao cho cơ quan chức năng, sau đó được trưng bày ở Bảo tàng biển Cù Lao Chàm. "Đây là cá thể rùa trưởng thành đang tìm về biển Cù Lao Chàm tìm chỗ đẻ trứng, ai ngờ nó chưa kịp lên bờ sinh sản thì dính lưới", ông Lê Xuân Ái, chuyên gia rùa biển chứng kiến sự việc, nói.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp có 345 hộ đang khai thác xung quanh các đảo với nhiều nghề. Trong đó, nghề lưới ba lớp được xác định "đã giết chết nhiều con rùa biển".

"Từ năm 2016 đến 2018, 11 con rùa biển bị mắc lưới của ngư dân Cù Lao Chàm. Một con được giải cứu, còn 10 con chết trước khi được phát hiện", ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nói.

Một con rùa mắc lưới ngư dân được đưa về trưng bày tại Bảo tàng biểnCù Lao Chàm. Ảnh: Đắc Thành.

Một con rùa mắc lưới ngư dân được đưa về trưng bày tại Bảo tàng biển Cù Lao Chàm. Ảnh:Đắc Thành.

Ngoài cư dân trên đảo, vùng biển Cù Lao Chàm còn có ngư dân trong tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đến khai thác nghề giã cào, lưới mành, lưới ba lớp. Ông Vũ khẳng định, việc này đã tạo thêm áp lực cho công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản vì cách thức đánh bắt tận diệt khiến nguồn hải sản cạn kiệt, triệt hạ đường sinh sống của rùa.

"Phần lớn thời gian sinh sống của rùa biển là ở dưới nước nên rất dễ sa vào các lưới khai thác hải sản trong vùng", ông Vũ nói lý do rùa gặp nạn và cho biết hầu hết ngư cụ khai thác hiện nay không có thiết bị cho rùa biển thoát ra. Điều này làm tăng số lượng rùa biển bị đánh bắt một cách không chủ ý.

Giải pháp cứu rùa biển ở Cù Lao Chàm hiện mới dừng ở việc vận động người dân bỏ lưới ba lớp, chuyển qua khai thác bằng loại lưới khác và cắt cử lực lượng bảo vệ tuần tra kiểm soát ngày đêm để bảo vệ vùng biển, tránh gây hại cho rùa.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.