(GD&TĐ)-Năm 2007, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ và năm 2011 là hạn cuối để các trường liên quan phải chuyển đổi sang hệ thống đào tạo mới này.
Sinh viên trường ĐH Nguyễn Trãi . Ảnh: gdtd.vn |
Lúng túng!
Th.S Phạm Thị Minh Phương – trường CĐSP Hà Nội cho biết, trường CĐSP Hà Nội đã trải qua trên một năm thử nghiệm chuyển đổi từ hình thức đào tạo theo tín chỉ, tuy nhiên, đánh giá về kết quả của công tác đào tạo, đại đa số ý kiến cho rằng chưa thực sự hiệu quả do một số nguyên nhân như: trình độ đầu vào của sinh viên của trường quá yếu dẫn đến năng lực tự học cũng như việc thích nghi với hình thức đào tạo này chưa tốt. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong thời đại công nghệ kỹ thuật như hiện nay.
TS.Nguyễn Huy Kỷ - Trường CĐSP Hà Nội cho rằng, nếu nhìn nhận đúng bản chất của việc đào tạo theo học chế tín chỉ, thì một trong những đòi hỏi và yêu cầu người học cần phải có đó là khả năng tự học, tự nghiên cứu. Nhưng trong thực tế, có lẽ cho đến nay, ít ai có thể khẳng định bằng con số rằng, sinh viên Việt Nam có ý thức và khả năng tự học, tự nghiên cứu tốt. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên, nhiều người còn cảm thấy bỡ ngõ hoặc cứng nhắc với phương pháp dạy học tích cực...
Không chỉ CĐSP Hà Nội, nhiều trường ĐH, CĐ cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng khi chuyển từ đạo tạo niên chế sang học chế tín chỉ. Theo TS.Lê Viết Khuyến (Bộ GD&ĐT)- thực tế có nhiều trường triển khai hệ tín chỉ nửa vời, không thấy được bước nào cần thực hiện trước, bước nào cần thực hiện sau, mới chỉ tiếp cận với hệ tín chỉ một cách hình thức, chưa tìm hiểu bản chất. Một số trường nhầm lẫn chỉ tập trung đổi mới phương pháp dạy học mà không thấy được khâu then chốt của hệ tín chỉ là phải tạo dựng một quy trình và chương trình mềm dẻo. Cũng theo TS.Lê Viết Khuyến, việc phổ biến tình trạng sinh viên bị rơi rụng sau 2 học kỳ đầu, có trường rớt đến trên 50% là đi ngược lại với bản chất của hệ tín chỉ, vì sinh viên được đăng ký khối lượng học tập phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình...
Cần một chương trình đào tạo thực sự tín chỉ
Theo Th.S Nguyễn Văn Linh – trường CĐSP Hà Nội, để đáng giá được mức độ tín chỉ đã đạt được trong công tac đào tạo của một cơ sở đào tạo nào, chỉ cần nhìn vào chương trình đào tạo của cơ sở đó. Vì vậy, một trong những việc đầu tiên phải làm khi chuyển đổi từ niên chế sang tín chỉ là xây dựng chương trình đào tạo. Chương trình này, theo Th.S Linh cần đảm bảo tính khoa học, tính hiện đại, tính mềm dẻo và linh động, tính liên thông.
Giải quyết vấn đề người học, Th.S Phạm Thị Minh Phương – Trường CĐSP Hà Nội cho rằng, để người học tự giác học tập và học tập một cách tích cực thì việc tạo ra môi trường học tập thân thiện, không quá áp lực và mang tính động việc, khuyến khích đối với sinh viên vô cùng quan trọng. “Khi học 3 tiết cuối buổi chiều, tôi thường dạy liên tục khoảng 1 tiếng hay gần 2 tiết, sau đó cho sinh viên nghỉ dài lao dài hơn để các em có thể nghỉ ngơi hay ăn nhẹ. Tuy nhiên, việc này cần có sự cảm thông và chia sẻ của các phòng ban hay lãnh đạo nhà trường” – Th.S Phương chia sẻ. Bên cạnh đó, theo Th.S Phương, cần xây dựng đề cương môn học chi tiết, đầy đủ, khoa học với những quy định cá nhân về môn học một cách chặt chẽ, rõ ràng; tối đa hóa hiệu quả tự học của sinh viên thông qua việc đưa ra đường hướng, cung cấp nguồn tài liệu học tập hiệu quả và đầu tư nghiêm túc cho chuyên môn.
Giảng viên trường CĐSP Nam Định Nguyễn Thị Mơ thì cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay cần tháo gỡ là sự chậm đổi mới về phương pháp dạy học phù hợp với bản chất của đào tạo tín chỉ, vì vậy, cần phải đặt trọng tâm của việc chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ là ở khâu cải tiến phương thức đào tạo, trong đó phương pháp dạy học là cốt lõi. Việc đổi mới phương pháp phải bắt đầu từ việc chỉ đạo xây dựng đề cương chi tiết học phần với quan điểm đó phải là một bản kế hoạch hành động sư phạm, tức là không chỉ chú trọng về xác định nội dung mà còn thể hiện rõ cách thức giúp người học nội dung đó. Cùng với đó, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn hướng vào nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp dạy học phù hợp; từng bước hình thành cho giảng viên phong cách sư phạm hiện đại.
Trường “nghèo” lại càng cần phải triển khai sớm hệ tín chỉ Theo Phó hiệu trưởng trường CĐSP Hà Nội Vũ Ngọc Phương, không nên nghĩ hệ thống tín chỉ chỉ thích hợp với những trường lớn (về quy mô đào tạo và tiềm lực tài chính) mà với những trường có quy mô đào tạo không lớn như CĐSP Hà Nội vẫn có thể triển khai được, tuy nhiên cần có những bước đi thích hợp. Cũng với quan điểm này, TS.Lê Viết Khuyến cho rằng, không nên nghĩ hệ tín chỉ chỉ thích hợp với các trường “giàu” mà chính các trường “nghèo” lại càng cần phải triển khai sớm hệ tín chỉ. Có điều, trường “nghèo” muốn thành công thì phải làm theo kiểu “nghèo”. Hệ tín chỉ ra đời khi các trường còn rất nghèo. |
Hiếu Nguyễn