Lùi bước vì ...tiền?

Lùi bước vì ...tiền?

Hàng loạt trường đại học, chính quyền bang, các công ty lớn và nghị sĩ đã phản ứng mạnh mẽ nhằm bảo vệ sinh viên nước ngoài và khiến Tổng thống Mỹ phải lùi bước.

Tranh cãi bắt đầu nổ ra từ khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ thông báo về chính sách cư trú mới đối với du học sinh tại Mỹ. Theo đó, nhiều người sẽ phải hồi hương vì việc ở lại Mỹ theo học chương trình online 100% để tránh dịch sẽ bị coi là bất hợp pháp. Động thái này được đưa ra đúng lúc các trường đại học triển khai kế hoạch tiếp tục học trực tuyến nhằm bảo vệ giáo viên và sinh viên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ.

Chính sách visa mới đặt hàng trăm nghìn du học sinh quốc tế tại Mỹ rơi vào tình cảnh tương lai bấp bênh, bởi nếu tiếp tục học từ xa hoàn toàn sẽ bị trục xuất trong khi đến trường thì gặp rủi ro nhiễm bệnh. Con đường về nước của họ cũng vô cùng khó khăn do các đường bay quốc tế vẫn đang đình trệ. Trong khi đó, mỗi năm lực lượng hơn 1,1 triệu du học sinh này mang lại gần 500.000 việc làm và đóng góp nguồn thu trên 40 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.

Theo giới phân tích, quy định visa nói trên khiến các sinh viên quốc tế như bị biến thành một "quân bài chính trị" để Tổng thống Donald Trump ép các trường đại học nước này phải mở cửa trở lại vào mùa thu. Do đó, chính sách này đã vấp phải làn sóng phản đối rộng khắp các giới tại Mỹ. Các đại học lớn Havard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) "nổ phát súng" đầu tiên khi đệ đơn kiện chính phủ nhằm ngăn chặn quy định visa mới được thực thi.

Tiếp đó, chính quyền 20 bang và thủ đô Washington DC cũng nối bước nộp hồ sơ kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump với sự ủng hộ về tài liệu của gần 40 trường đại học đóng trên địa bàn của mình. Họ tố cáo chính sách visa mới ảnh hưởng tới kế hoạch từ trước của các trường và khiến sinh viên nước ngoài phải về nước trong điều kiện vô cùng khó khăn do đại dịch hoành hành. 

Riêng tại các bang đứng đơn kiện nói trên có 373.000 sinh viên quốc tế theo học năm 2019 và đang đóng góp khoảng 14 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Tầm quan trọng về tài chính này đã khiến chính quyền các bang không thể ngồi yên và buộc phải phản ứng bằng công cụ pháp lý.

Đặc biệt, nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới tại Mỹ như Google, Facebook và Twitter cũng ủng hộ các bên đâm đơn kiện vì cho rằng chính sách visa mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, Phòng Thương mại Mỹ và hàng chục nghị sĩ Quốc hội cũng lên tiếng đòi chính quyền xem lại quy định mà họ mỉa mai là "kém hiểu biết" này.

Sau áp lực dữ dội từ nhiều phía, ngày 14/7 Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ buộc phải hủy chính sách visa mới đối với du học sinh chỉ sau một tuần công bố. Đây được coi là bước lùi của Tổng thống Donald Trump, trong khi phía phản đối coi đó là "chiến thắng mang nhiều ý nghĩa". Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ Ted Mitchel đánh giá sự kiện đã cho thấy rõ "tầm quan trọng của sinh viên quốc tế đối với nước Mỹ".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ