Xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ gian lận trong đo lường cao (ảnh minh họa). |
Với 7 chương, 49 điều, phạm vi điều chỉnh của luật gồm các quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường; quản lý nhà nước về đo lường.
Theo tờ trình dự án luật của Chính phủ, các hành vi vi phạm quy định về đo lường ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong khi đó hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay hiện mới chỉ đáp ứng từ 60 - 70% nhu cầu kiểm định (khoảng 28 triệu phương tiện đo các loại).
Vì vậy, dự thảo luật đã quy định mức xử phạt cao hơn mức xử phạt trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đối với hành vi vi phạm về đo lường nhằm thu lợi bất chính lớn. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 5 lần số tiền thu lợi do vi phạm mà có thì mức phạt được áp dụng không quá 5 lần số tiền thu lợi đó; tiền thu lợi do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, quy định chung chung thế này sẽ khiến Quốc hội rất khó quyết định. Phải cụ thể hành vi vi phạm, tùy theo tính chất đến đâu thì phạt theo mức độ đó.
“Thực tế khi đi giám sát kiến nghị của cử tri thì dân rất bất bình về gian lận trong lĩnh vực xăng dầu. Nhưng hỏi có giải quyết được không thì đồng chí cục trưởng của Bộ Khoa học - Công nghệ trả lời là rất khó, vì người bán hàng trang bị rất tinh vi, đoàn thanh tra đến người ta ngắt thiết bị điện là thôi. Thêm nữa, muốn nói người ta gian lận phải đi kiểm định. Trong khi đồng chí ấy nói kiểm định cũng khó khăn vì phải có nhân lực, có tiền. Như vậy chúng ta bất lực trước kiến nghị của người dân… Vậy luật này có xử lý được vấn đề đó không, có nói về đầu tư trang thiết bị không, hay phải giải quyết ở luật nào” – ông Trần Thế Vượng đặt câu hỏi.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị phải nói rõ những loại phương tiện nào nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật để thống nhất cách hiểu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, vì sao luật không đặt rõ vấn đề hạ tầng đo lường, trong khi đây là vấn đề rất quan trọng. Vấn đề hạ tầng, bao gồm hạ tầng pháp lý, hạ tầng nhân lực và đặc biệt là hạ tầng cơ sở vật chất, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong đề nghị không nên quy định trong luật mà nên thể hiện trong các văn bản dưới luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu để hoàn chỉnh hơn dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.
Quang Anh