Lớp học giữa khu nhà mồ
Nằm bên lề quốc lộ 25, điểm trường tại thôn Plei Trang (của trường TH Nguyễn Trãi, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) được xây dựng với 3 dãy nhà xây cấp 4 được bố trí rời rạc nhau bao vây lấy khu nhà mồ của thôn. Ở đây có 11 lớp, trên 280 học sinh theo học.
Hễ ai đi ngang qua đây, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh các em học sinh tung tăng chơi đùa giữa những nấm mộ cao gần vượt mặt ở trong khuôn viên trường. Nhiều nấm mộ chôn cất đã lâu cỏ mọc um tùm xen lẫn với một số ngôi mộ mới chôn khoảng vài năm. Chén bát, chum ché bể vứt lỏng chỏng quanh khu mộ. Vài mái nhà che tạm trên nóc mộ xiêu vẹo, đung đưa rít tiếng cọt kẹt theo từng cơn gió nhẹ thoảng qua...
Trường tiểu học Nguyễn Trãi nằm chung trong khu nhà mồ |
Người dân địa phương cho biết, xưa nay buôn Plei Trang mỗi khi có người chết vẫn đem ra chôn ở khu nhà mồ này. Từ hai năm nay, khi thành lập trường tiểu học ở đây, chính quyền xã Ia Piar cấm không cho chôn thêm mộ nữa, nhưng thôn Plei Trang vẫn chưa làm lễ bỏ mả theo phong tục. Vì thế, người dân thường tụ tập ở đây để uống rượu nhà mả, nhất là khi vào hội lúa mới họ tổ chức uống rượu đông người suốt cả ngày.
Em Ksor A dè dặt nói: “Ngồi học ở đây em sợ lắm. Mỗi khi nghe tiếng gió thổi rít lên kẽo kẹt là em run bắn người, cứ lén nhìn về phía khu nhà mồ thôi!”
Ông Mai Chí Toan- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện cho biết: “Khu nhà mồ thôn Plei Trang có trước khi xây trường từ lâu. Theo quy định thì khu dân cư và các công trình dân sinh nói chung phải cách nghĩa địa ít nhất 500m mới đảm bảo vệ sinh môi trường. Đất xây trường nằm trong quỹ đất dự phòng do xã Ia Piar quản lý, vì xã không còn quỹ đất nơi khác để bố trí nên buộc phải xây trường tại vị trí có khu nhà mồ này”.
Cách điểm chính của Trường tiểu học Nguyễn Trãi hơn 1 km, có một dãy phòng học gồm 3 phòng gỗ ván tạm bợ |
Phòng học “ngàn sao”
Những bức xúc về trường lớp ở xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai chưa dừng lại ở đó. Cách điểm chính của Trường tiểu học Nguyễn Trãi hơn 1 km, dọc theo quốc lộ 25 là điểm trường thôn Plei Ksing A, B. Tại đây có một dãy phòng học gồm 3 phòng gỗ ván tạm bợ và 1 phòng xây cấp 4 được dựng lên giữa bãi đất trũng đọng nước cho 2 lớp mẫu giáo 5 tuổi và 2 lớp 1, 1 lớp 2 sử dụng 2 buổi trong ngày.
Có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận cả 3 phòng học gỗ ván ở đây đã xuống cấp trầm trọng. Cột nhà nhỏ xiêu vẹo, vách ván đung đưa cọt kẹt theo chiều gió, mái tôn bong tróc nhìn thấu trời. Cả 24 học sinh lớp 2 đang phải kê bàn ghế ngồi học trên nền đất thấp ẩm ướt.
Cô giáo Rơ Mah H’Liên dừng bài giảng, để chạy ra xua đuổi gần chục con ngỗng của nhà hàng xóm thả bơi tìm thức ăn trước sân trường vừa đi lạc vào lớp học. Cô H’Liên bức xúc nói: “Xung quang trường là nhà dân nền đất cao hơn nhà trường. Không kể mùa lũ lụt, chỉ cần một trận mưa là nước dột khắp nơi, ướt hết cô trò, nước dâng dềnh dàng khắp ngoài sân, ngập đầy trong phòng học. Nhiều hôm đang học giữa chừng thì mưa, nước dâng lềnh phềnh đủ thứ rác bẩn dơ dáy vào phòng học, các em học sinh phải trèo lên ghế để ráng cho xong bài học. Từ năm 2005 đến giờ vẫn phải ngồi học như vậy. Một năm không biết đến bao nhiêu lần cả dãy 4 phòng học này phải cho các em nghỉ học vì ngập nước…”.
Cột nhà nhỏ xiêu vẹo, vách ván đung đưa cọt kẹt theo chiều gió, mái tôn bong tróc nhìn thấu trời... |
... Mang theo những bức xúc của Trường tiểu học Nguyễn Trãi, chúng tôi làm việc với ông Rơ Com Xuân – Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai, ông cho biết: Trường học nằm giữa khu nhà mồ và phòng học gỗ ván xuống cấp, ngập nước là những tồn tại nhiều năm nay, vẫn biết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và việc dạy học của thầy trò nhưng xã đang tìm cách giải quyết.
Mới đây chính quyền xã đã đạt được thỏa thuận với làng Plei Trang về việc xã hỗ trợ 2 con bò để sắp tới dân làng tổ chức lễ bỏ mả. Còn việc di dời mồ mả ra khỏi khuôn viên nhà trường là việc phải làm nhưng xã không có kinh phí thực hiện mà phải trông đợi vào sự hỗ trợ của cấp trên. Riêng 3 phòng học gỗ ván đã xuống cấp nằm giữa vùng đất trũng ngập nước của thôn Plei Ksing A, B xã cũng đành bó tay vì không có kinh phí để đầu tư xây mới…”.
Chia tay ngôi trường này trong bóng chiều chạng vạng, những cơn gió lại rít lên từng cơn khiến chúng tôi cảm thấy lạnh lẽo. Mùa này, những cơn mưa rừng lại đến nhiều hơn, không biết các em học sinh rồi sẽ học ra sao !?
Bài và ảnh: Lê Anh