Lớp học phòng chống xâm hại trẻ em: Bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa

GD&TĐ -Với mong muốn cho HS vùng nông thôn nắm bắt được những kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục giới tính, chăm sóc, bảo vệ con em mình trước nguy cơ bị xâm hại, giảng viên, SV Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức khóa học hè về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho HS trên địa bàn huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam).   

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lớp học không chỉ mang lại những giá trị thiết thực cho con em HS, người dân địa phương, mà còn bước đầu tạo ra sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, cộng đồng xã hội.

Những bài học bổ ích không nằm trong trang sách

Những ngày qua, khu Nhà văn hóa thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước) rộn ràng, sôi động với những giờ học của học hè về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho con em HS trên địa bàn. Với những nội dung giáo dục mang ý nghĩa thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của con em HS và nguyện vọng của người dân, nên lớp học ngày càng thu hút đông đảo HS, phụ huynh tham gia đăng ký học tập. Trực tiếp đứng lớp, phụ trách

giảng dạy khóa học là giảng viên, SV khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng). Chương trình giảng dạy được tích hợp, chọn lọc từ đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên khoa Tâm lý giáo dục về giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục cho HS tiểu học. Chính vì vậy, các giờ học luôn diễn ra sinh động, hiệu quả, các em HS hào hứng đón nhận.

Trực tiếp phụ trách nhóm SV thực hiện khóa tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em cho HS, SV Nguyễn Văn Khánh – đang theo học năm 3 khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Khóa học về phòng chống xâm hại trẻ em lần này dành cho đối tượng HS từ lớp 3 đến lớp 6, là con em vùng nông thôn xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Lớp học đầu tiên của khóa tập huấn có 54 HS đăng ký tham gia, nhưng đến các lớp học sau thì tăng lên đến 100 HS”.

Nói về ý tưởng thực hiện chương trình, ThS Lê Thị Lâm - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) - người phụ trách chương trình khóa tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em cho HS, chia sẻ: Vấn đề trẻ em bị xâm hại, bị xâm hại tình dục hiện nay đang báo động.

Những con số thông kê phần nào cho thấy những nguy cơ, rủi ro mà trẻ em phải đối mặt. Một trong những nguyên nhân là do công tác phòng ngừa chưa tốt, chưa hiệu quả, có nơi còn chưa có. Chính vì thế, với mong muốn góp phần, chung tay cùng cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trước rủi ro bị xâm hại tình dục, nhóm SV tại khoa Tâm lý giáo dục đã có ý tưởng tổ chức các lớp học hè về phòng chống xâm hại trẻ em cho HS, nhất là HS ở vùng nông thôn, miền núi.

Chính vì ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thiết thực như vậy nên khi ý tưởng được đề xuất, lãnh đạo khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đồng ý ngay. Đồng thời tiến hành hỗ trợ kinh phí, tổ chức tập huấn đội ngũ SV cốt cán để triển khai chương trình ngay trong chiến dịch tình nguyện hè năm 2018.

Mong muốn mô hình được nhân rộng

Là người tham gia khóa tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Văn Tố - người dân thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước) cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng khi được tham gia một khóa học hết sức bổ ích như thế này. Lớp học đã giúp tôi hiểu được rằng, khi một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó có được chữa chạy về cơ thể cũng không thể hết được những nỗi đau về tâm hồn.

Các em sẽ bị một vết sẹo lớn về tâm lý và trẻ như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó các em sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của chính mình. Vì thế, chính các bậc phụ huynh cần phải trang bị đầy đủ kiến thức tâm sinh lý, cách xử lý tình huống trong những trường hợp con em có nguy cơ, bị xâm hại”.

Còn ông Đặng Xuân Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) bày tỏ: “Xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề báo động, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều người chủ quan cho rằng, việc này không thể xảy ra với con cái của họ, bởi vì chẳng bao giờ họ để con chơi với người lạ.

Các bậc cha mẹ này luôn cho rằng họ coi chừng, chăm sóc con cái rất cẩn thận. Trong khi thực tế, không phải ai cũng có thể kiểm soát được tất cả các hoạt động và những người tiếp xúc với con em mình. Rất nhiều trẻ bị xâm hại đều sống ở những nơi có tình hình an ninh ổn định. Kể cả gia đình có nền tảng giáo dục tốt, trẻ được học ở các ngôi trường tốt.

Các cháu bị xâm hại trong thời gian vui chơi, giờ nghỉ ngơi, ngay sân sau nhà, bên nhà hàng xóm, trên đường đi học về,...Với những lợi ích thiết thực mà lớp học mang lại, chúng tôi mong muốn, trong thời gian đến, các khóa học tập huấn về trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tiếp tục được triển khai nhân rộng trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu của con em HS địa phương, cũng như nguyện vọng của người dân, phụ huynh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ