“4 trong 1”
Gọi là 4 trong 1 bởi lớp học ấy ghép từ lớp 1 đến lớp 4. Khu vực Đập Góc có khoảng 45 hộ dân là ngư dân vạn đò các xã Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân (Phú Vang) tập trung về đây cư trú khoảng vài chục năm trước.
Cuộc sống khó khăn, lênh đênh sông nước, con chữ trở thành thứ xa xỉ với những đứa trẻ nơi đây. Thương tụi nhỏ, một lớp học miễn phí ra đời do thầy giáo Trần Văn Hòa (53 tuổi) tự mở và đứng lớp với những bài học vỡ lòng…
Và lớp học ấy đã tồn tại được 24 năm nay. Dù chỉ có bằng tốt nghiệp THPT nhưng với tình thương và lòng nhiệt huyết, thầy Hòa cần mẫn gieo chữ cho các em và nâng bước những ước mơ. Từ lớp học ấy, nhiều em đã tiếp tục con đường học vấn, thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH.
“Ba em đi biển xa nhà. Mẹ em đi thả lưới và mò nghêu. Em và em trai của em được thầy Hòa gọi đi học để biết chữ. Đi học vui lắm. Thỉnh thoảng thầy còn cho áo quần, bút viết, sách vở. Trong xóm có anh Mậu, anh Muống, anh Thành và nhiều anh nữa thi đỗ ĐH rồi” - Nguyễn Văn Thi, đang học lớp 4 tại đây, cho biết.
Học sinh của lớp khá đặc biệt. Lớp có 18 em nhưng học từ lớp 1 đến lớp 4. Thầy Hòa cho hay học sinh mỗi lớp ít nên phải học ghép. Khi các em lớp 4 làm bài tập thì các em lớp 3 tập đọc, lớp 1 tập viết…
Bảng được chia làm nhiều phần rõ ràng để các em dễ theo dõi. Sau khi học xong chương trình lớp 4, thấy em nào có khả năng, thầy Hòa sẽ xin cho các em vào trường tiểu học học tiếp, em nào chưa được thì học lại.
Trần Thị Hoài Thương - Học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Phú Mỹ - kể: “Học xong lớp 3 ở lớp thầy Hòa, em được ba mẹ và thầy chuyển vào học tiếp trong trường tiểu học. Năm học vừa rồi em được học sinh giỏi. Em vui lắm. Mỗi khi không giải được bài tập, em lại mang sách sang hỏi thầy”.
“Bà con đây, ai cũng quý thầy”
Từ một lớp xóa mù chữ miễn phí, lớp học thầy Hòa đã được sáp nhập vào Trường tiểu học Phú Mỹ 2, thầy Hòa cũng được Phòng GD-ĐT H.Phú Vang nhận làm giáo viên hợp đồng để dạy cho con em ngư dân khu vực Đập Góc.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang - cho biết: “Ban đầu đó là một lớp học miễn phí do thầy Hòa mở ra với tâm huyết xóa mù chữ cho con em xóm Đập Góc.
Lớp học có quy củ và rất hiệu quả. Ghi nhận điều này, năm 2006, thầy Hòa được ký nhận hợp đồng và hỗ trợ tiền đứng lớp. Bởi việc làm của thầy Hòa rất đáng quý. Ngư dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn”.
Về xã Phú Mỹ, hỏi lớp học thầy Hòa, hầu như ai cũng biết, dù Đập Góc nằm cách biệt bên bờ đầm Sam và xa khu dân cư. Những đứa trẻ khuôn mặt rám nắng, chân vẫn còn bùn đất ngồi chăm chú nhìn bảng. Thầy Hòa cất tiếng hiền từ giảng bài. Tiếng đọc bài âm vang cả xóm… Phụ huynh nào không biết chữ cũng được thầy Hòa bày con chữ.
Chị Trần Thị Phượng kể: “Trước đây, tui làm gì biết chữ, nhờ thầy Hòa bày cho mà giờ tui cũng biết đọc biết con chữ. Có thể ký giấy tờ, viết tên mình, không phải lăn tay như trước.
Mấy đứa nhỏ không chỉ được học miễn phí mà thầy còn kêu gọi mấy hội từ thiện giúp đỡ bút viết, áo quần cho tụi nhỏ. Bà con đây, ai cũng quý thầy”.
Nhưng vẫn còn đó nhiều tâm tư ở người thầy giáo đặc biệt này. “Ở đây, toàn là con em ngư dân. Cuộc sống bà con vẫn khổ nên tụi nhỏ phải phụ ba mẹ từ nhỏ. Không biết nghỉ học ngày nào.
Các buổi học, tôi phải tới sớm để đến nhà gọi mấy em đến lớp. Nhiều hôm, mải đi mò nghêu ngoài đầm phá mà có em bỏ học luôn. Vậy là mình phải dạy bù cho kịp chương trình” - Thầy Hòa chia sẻ.
Câu chuyện giáo dục: Bài học từ người thầy
Hôm đầu tiên thầy nhận lớp chủ nhiệm, chúng con lo và sợ thầy nhiều lắm. Mặt thầy nghiêm nghị quá. Mãi sau này con mới biết, đằng sau sự lạnh lùng ấy là trái tim đầy tình thương mến với học trò. Đó là nguyên tắc làm thầy mà mãi sau này con mới hiểu: thương yêu trong sự nghiêm khắc.
Thầy đã cho chúng con những bài học hay không chỉ trong sách vở mà cả ngoài cuộc sống. Còn nhớ hôm ấy, vì xe hỏng nên con vào lớp trễ sau thầy. Con lẳng lặng trốn vào cửa cuối lớp để mong thầy đừng thấy.
Nhưng thầy cũng phát hiện ra. Thầy bảo vào đường nào thì ra lại đường ấy, rồi lên cửa trước xin thầy vào lớp. Hôm ấy thầy không phạt, thầy chỉ bảo: “Không tiếc gì một lời xin phép, phải ngay thẳng thật thà, thói quen đi "cửa sau" phải nên tập bỏ từ nhỏ vì nó là mầm mống của nạn tham nhũng quốc gia”. Thầy nói pha giọng hài hước làm cả lớp phải cười, nhưng chúng con đều nhận ra sự sâu sắc đằng sau câu chuyện ấy.
Bài học đầu tiên thầy chép nhan đề và các đề mục xong rồi đi rảo cả lớp để kiểm tra. Chúng con mỗi đứa ghi mỗi kiểu, nhìn chung chưa đạt. Thầy bảo phải giữ sự trong sáng và chuẩn mực cho chữ viết, cho bài học. Phải cố gắng rèn chữ viết vì ai trong đời cũng chỉ ghi bài học ấy một lần mà thôi.
Khi nhắc nhở chúng con, thầy cũng rất nhẹ nhàng. Một số bạn ngồi không ngay ngắn thì thầy bảo phải ngồi tư thế cho thẳng để có cái tâm cho thẳng. Nhiều bạn nam tóc dài chưa kịp cắt, thế mà thầy cũng nhắc khéo bằng ca dao: Đàn bà để tóc thì sang/Đàn ông để tóc chỉ mang nặng đầu.
Con còn nhớ câu chuyện bạn Nam, một cá biệt của lớp. Thầy cứ bảo bạn ấy rằng bao giờ lỗi của em cũng như "giọt nước tràn ly". Hôm đó, Nam có ý so bì với một bạn khác vi phạm lỗi rất nặng, nhưng là lần đầu, được thầy xử nhẹ.
Thầy lấy một viên phấn bẻ ra thành nhiều cục nhỏ, thầy ném ra nhiều góc lớp và bảo Nam đi nhặt. Nó không tài nào nhặt hết được. Sau đó thầy lấy viên phấn khác, không bẻ ra và ném vào góc bàn. Bạn vi phạm lần đầu ấy dễ dàng nhặt lại được.
Thầy lý giải cho lớp: “Các em thấy đấy, mặc dù phạm lỗi nặng nhưng là lần đầu nên dễ dàng sửa chữa như nhặt lại viên phấn nguyên kia. Còn những hành vi xấu mặc dù nhẹ nhưng cứ lặp lại hoài thì khó thay đổi vô cùng. Đừng gieo hành vi xấu để gặt số phận không tốt sau này”.
Con nghĩ rằng bạn Nam đã hiểu ra. Và con cũng báo tin vui cho thầy là bạn Nam hiện nay có nghề nghiệp hẳn hoi. Gặp nó, nó bảo ngày đó nhờ thầy "chiếu cố" mà nó thành người như hôm nay, chứ biết bao đứa cá biệt khác bị đẩy ra ngoài xã hội tương lai mờ mịt lắm!
Tấm gương của thầy đã giúp con chọn theo nghề dạy học. Thầy cũng đã tư vấn cho con rằng chọn nghề phải dựa trên 3 tiêu chí: sở thích, đam mê; năng lực, sở trường; nhu cầu xã hội, đảm bảo đời sống lâu dài.
Con biết dạy học là nghề khó khăn, ít kiếm ra tiền, chúng bạn không mấy đứa đi theo. Nhưng con cố gắng theo đuổi nó và cố gắng trở thành một giáo viên có phong cách như thầy.
Theo Thanh niên