Một lớp học ban đêm của các em học sinh |
Tiếng trống vào lớp học… “ca ba”
“Tùng…Tùng…Tùng…”. Những tiếng trống trường vang lên và lan ra khắp các dãy nhà trường Trung học cơ sở bán trú xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Theo thói quen, tôi nhìn đồng hồ và giật mình tự hỏi: Tại sao lúc này lại có tiếng trống báo vào lớp nhỉ? Anh Hùng, Đội trưởng đội xây dựng cơ sở I, thuộc Ban chỉ huy quân sự Kỳ Sơn, đơn vị đang làm nhiệm vụ tại xã Huồi Tụ như đọc được thắc mắc ấy liền nói: Đó là tiếng trống báo hiệu giờ vào học buổi tối của các em học sinh đấy.
Theo hướng tay anh Hùng chỉ, từng tốp học sinh đang chạy từ khu “ký túc xá” lên các phòng học. Những tiếng nô đùa im bặt, không gian tĩnh nặng trở lại. Khu nhà ở của các em học sinh tịnh không một bóng người.
Tôi tìm xuống “khu ký túc xá” của các em học sinh người dân tộc thiểu số sống ở các bản xa trường học. Trước mắt tôi nào là: giường tầng, củi, bếp, bát đũa, xoong, nồi, muối mắm và…những bộ quần áo cũ…, đó là tất cả những gì các em có trong hành trang đến trường của mình. Nhưng cũng thật đặc biệt, sách giáo khoa, vở viết của các em được xếp thật ngay ngắn, cẩn thận tại mỗi “góc học tập”. “Được như rứa là tốt lắm rồi đấy anh ạ” -Thầy giáo, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trường chia sẻ cùng tôi.
Thầy Trường cho biết thêm: “Vì các em nhà xa, điều kiện đi lại khó khăn nên hiện trường có gần 300 em học sinh ở khu nội trú. Mỗi bản, các em nhóm lại ở chung một nhà, cả xã có 11 bản thì ở đây có 9 ngôi nhà, chỉ có 2 bản là học sinh nhà gần trường. Hệ thống nhà ở của các em đều do phụ huynh đóng góp xây dựng, người thì góp gỗ, tiền mua ngói… vì ít nhất mỗi em cũng phải học tại đây 4 năm…”
Trước thực trạng các em ăn ở lộn xộn, không bảo đảm được trật tự, vệ sinh, Trường thành lập Ban quản lý khu nhà ở do thầy hiệu trưởng trực tiếp phụ trách. Từng nhà, các em bầu ra một trưởng nhóm chịu trách nhiệm mọi mặt với nhà trường. Qua kiểm tra thường xuyên nên việc ăn, ở, đi lại, học tập của học sinh khu nội trú dần đi vào ổn định, trật tự nội vụ vệ sinh quy củ hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Ban giám hiệu nhà trường là phải quản lý thời gian buổi tối của các em như thế nào? Và những lớp học buổi tối được ra đời ở tất cả các khối học. Theo quy định, từ 18h30 phút đến 21 giờ, học sinh ở khu nội trú phải có mặt để làm bài tập về nhà và ôn bài cũ dưới sự quản lý của các thầy, cô giáo chủ nhiệm.
Các em học sinh tập trung ở khu nội trú trước lúc đi học ca 3 |
- Vậy chế độ ngoài giờ của thầy, cô giáo như thế nào? – Tôi hỏi thầy Trường.
Anh cười: Làm hoàn toàn tự nguyện thôi anh ạ. Ở đây chúng tôi chưa có chế độ như các trường khác. Còn nói học sinh đóng góp, đến cơm các em chẳng đủ ăn nữa là…Công lao không nói, nhưng gay nhất là việc đảm bảo đủ ánh sáng cho các em học bài. Mới đây, trường được Đài truyền hình Nghệ An tặng 1 chiếc máy phát điện, ai cũng mừng. Nhưng có máy rồi, còn xăng, dầu thì lấy đâu ra cho nó “xài” đây?
Và bài toán tìm nguồn nhiên liệu để chạy máy phát điện của thầy, cô giáo trong Trường cũng thật lắm phép tính. Ban đầu, Ban giám hiệu nhà trường vận động xã, Tổng đội thanh niên xung phong 8, Đội xây dựng cơ sơ I và các thầy, cô giáo cấp I, II, Mầm non đóng góp tiền mua dầu. Nhưng một tháng, chiếc máy nổ của trường “xài” vài triệu đồng tiền dầu cho 2 tiếng chạy buổi tối, xin mãi, đóng góp nhiều quá…không ổn. Thế là phép tính: Từ công sức lao động, sản xuất của thầy và trò trong trường được thử nghiệm. Và đáp án: Mỗi tuần, tất cả thầy, cô giáo cùng các em học trong trường giành 1 ngày trong quỹ thời gian nghỉ đến chăm sóc, thu hoạch chè ở Tổng đội thanh niên xung phong 8 để lấy tiền mua dầu chạy máy nổ phát điện…!
- Phương án như vậy có phần ổn phải không anh! – Thầy Trường cười buồn!
Em Già Y Pà, học sinh lớp 9, người bản Huồi Khê cho biết: Ban đầu bọn em thấy không được thích lắm, nhưng giờ thì quen rồi. Mỗi buổi tối lên lớp em thấy thời gian thật bổ ích. Trước đây, ở nhà chúng em chỉ chơi đùa và ngủ mà thôi…
Bằng tấm lòng, tình cảm yêu thương, kèm cặp, giúp đỡ của các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở bán trú xã Huồi Tụ nhiều em học sinh của trường đã đỗ vào các các bậc học tiếp theo của huyện và tỉnh. Hiện trường có tỷ lệ học sinh đỗ vào trung học phổ thông cao thứ 2 toàn huyện Kỳ Sơn.
Còn lắm trăn trở, suy tư
Hoàng Thị Hồng, cô giáo mới lên công tác tại trường THCS bán trú Huồi Tụ kể về lần đầu “theo các chị” đi tắm suối của mình. “Thật khủng khiếp, chúng em phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ, qua những lùm cây rậm rì, tiếng côn trùng kêu rợn người mới tìm tới nơi có nước sạch để tắm giặt…”
Một góc khu nội trú của các em học sinh |
Ở nơi vùng sâu, vùng xa lại nằm trên đỉnh núi cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, nước sạch được các thầy, cô trong trường trữ bằng can nhựa và chỉ đủ ăn, còn những chuyện khác như tắm, giặt thì…xuống suối….! Đến thăm các gia đình thầy cô giáo ở đây mới thấy hết nỗi cám cảnh, cuộc sống hàng ngày của họ được thực hiện với Hai không: điện không, nước không…
100% thầy, cô giáo của Trường đều đến từ các huyện miền xuôi của tỉnh Nghệ An. Người thì vợ, chồng, con cái ở với ông bà nội, ngoại. Có những thầy cô lên công tác, gặp nhau và thành vợ chồng, rồi sinh con, thuê nhà và cùng…vượt qua gian khổ. “Giờ thì đường đi lại đã bớt khó khăn hơn, trước đây, từ trung tâm thị trấn Mường Xén bọn em phải đi cả ngày mới tới được trường, mỗi khi nghỉ hè về quê chẳng muốn lên nữa. Nhưng rồi, tự an ủi, động viên và gạt nước mắt tạm biệt gia đình để lên với các em học sinh” –Cô giáo dạy sử Bùi Thị Yến quê ở huyện Quỳnh Lưu tâm sự.
Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm tâm sự khác nhau, nhưng họ vẫn đang tin vào những thành quả được tạo dựng từ chính công sức của mình...Nỗi khổ về mặt vật chất sẽ dần được khắc phục khi một ngày không xa điện lưới quốc gia sẽ kéo tới, hệ thống nước sinh hoạt được khắc phục, nhưng nỗi khổ về mặt tinh thần thì luôn bám lấy họ qua từng giấc ngủ. “Trong số các thầy cô đang công tác tại đây, hơn một nửa có thời gian công tác trên 10 năm, chúng tôi rất thương học sinh và vô cùng yêu nghề, nhưng nhiều đêm nằm nghĩ về tương lai của mình, đặc biệt là những đứa con, rồi chúng nó sẽ ra sao, gửi ông bà khi nhỏ thì được, lớn rồi thì chẳng yên tâm được đâu anh ạ…Nghĩ vậy, lại mất ngủ và khóc…” –Thầy Tâm, bày tỏ nỗi niềm của mình với tôi trước lúc chia tay.
Tôi chia tay thầy, trò trường trung học cơ sở bán trú xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khi tiếng trống vào lớp học “ca ba” mới bắt đầu. Tiết trời Kỳ Sơn chuyển rét. Tôi rất vui khi biết tin Đài Truyền hình Nghệ An vừa gửi tặng các em học sinh của trường 50 cái áo ấm và 1.000 quyển vở nhân năm học mới. Vui, vì ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân biết đến nỗi vất vả, khó khăn và họ đã chia sẻ với thầy cô, các em học sinh nơi đây. Cần lắm và cần nhiều hơn nữa những tấm lòng như vậy để cùng nuôi dưỡng niềm tin, thắp sáng tương lai .
Vũ Hạnh