Lớp học của lòng thiện

Lớp học của lòng thiện

(GD&TĐ) - Hình thành từ năm 1993 đến nay, lớp học tình thương của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã trở thành ngôi nhà thứ hai của hàng chục học sinh khuyết tật. Ở đây, các em được học chữ, học kỹ năng sống, được hòa nhập vui chơi. Với sự tận tâm  dạy bảo của cô giáo các em không còn là những chiếc gánh quá nặng của gia đình và xã hội.

v
Uốn nắn từng nét chữ đơn giản nhất. Ảnh: Văn Lê

Lớp học của tình thương

Năm 1993 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của lớp học tình thương với 16 em học sinh vừa thiểu năng trí tuệ vừa bị ảnh hưởng chất độc màu da cam với sự quan tâm của phường Kim Giang và Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Quận Đống Đa. Từ năm 1996 đến nay với sự giúp đỡ của UBND quận Thanh Xuân, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, phường Kim Giang, phòng Lao động Thương binh Xã hội đặc biệt là Trung tâm GDTX Thanh Xuân lớp học vẫn được duy trì và phát triển.

20 năm trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn thử thách (từ địa điểm lớp để học sinh học tập đến đến kinh phí tồn tại lớp), lớp học đã là nơi gắn bó và dạy dỗ cho gần 40 học sinh. Bà Chu Liên Hương - Giám đốc TTGDTX Thanh Xuân cho biết, các em học sinh khuyết tật đến lớp đều không biết chữ, không có ý thức tự phục vụ bản thân nhưng trải qua thời gian được cô giáo dạy bảo giúp đỡ các em đã có thể đọc chữ, làm những phép toán đơn giản, có thể tự vệ sinh cá nhân, nhiều em còn giúp đỡ được bố mẹ công việc nhà. Đặc biệt, 8 em đã có thể hòa nhập cộng đồng, tự đi làm tự nuôi sống bản thân, có em vừa có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình…

Tuy nhiên, để lớp học tồn tại trong thời gian tới thì trung tâm và cả giáo viên chủ nhiệm lớp phải đối diện với nhiều thách thức.

Trước hết, vì lớp học mang tính chất nhân đạo, không thu bất kỳ một khoản đóng góp nào của học sinh trong khi đó sách bút, đồ dùng học tập, cơ sở vật chất cho lớp… vẫn phải trang bị mà trung tâm lại không được cấp ngân sách hoạt động lớp học. Để duy trì lớp, ban giám đốc trung tâm đã phải vận động, kêu gọi tài trợ kinh phí từ các dự án. Tuy nhiên, các dự án ít khi mang tính bền vững vì vậy khi dự án kết thúc cũng là lúc ngân sách hoạt động cho lớp bị cắt. 

Mặt khác, như trăn trở của bà Chu Liên Hương thì 20 học sinh trong lớp là 20 số phận, hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Bản thân các em là những người khuyết tật về trí não nên không điều hành được hành vi, khả năng tự phục vụ, lao động kiếm sống khó khăn. Cùng đó gia đình các em đa số đều nghèo hoặc có hoàn cảnh éo le như bố mẹ ly hôn, bố mất… Vì vậy, nếu chỉ dạy học, dạy kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật không thôi thì chưa đủ. Khi các em không còn chỗ bấu víu từ gia đình người thân các em biết nương nhờ vào đâu. Trung tâm đã và đang tiếp tục nghiên cứu những ngành nghề đơn giản, phù hợp dạy cho học sinh, làm sao để khi trở về nhà và ra ngoài xã hội các em có thể tự kiếm sống hoặc phụ giúp gia đình.

Tình thương với học trò đã giúp cô Phượng kiên trì bám lớp 12 năm qua
Tình thương với học trò đã giúp cô Phượng kiên trì bám lớp 12 năm qua

Dạy học cho trẻ khuyết tật

Nhắc tới lớp học tình thương của TTGDTX Thanh Xuân có lẽ không thể không nhắc tới cô giáo Nguyễn Ngọc Phượng người đã gắn bó 12 năm liền với những học sinh khuyết tật. Cô đã trở thành người mẹ, người chị cùng đồng hành và ở bên những học sinh đáng thương ngay cả khi không có một chế độ đãi ngộ nào hoặc chỉ được nhận được số tiền bồi dưỡng ít ỏi. Chỉ có tình yêu thương mãnh liệt đối với học sinh khuyết tật, sự kiên nhẫn tận tâm… mới có thể giúp cô Phượng trụ vững và bám lớp đến tận hôm nay.

Năm 2002, cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên ngành Văn tốt nghiệp ra trường và xuống Hà Nội tìm việc làm. Trong những lần đi chợ tại nơi mình ở trọ, cô Phượng nhìn thấy một số trẻ kém may mắn rất đáng thương hàng ngày rủ nhau đi đâu đó. Theo chân các em, Phượng biết được các em đến lớp học nhỏ dành cho học sinh khuyết tật của phường.

Tâm nguyện được giúp đỡ những học sinh bất hạnh bỗng bật lên trong đầu. Phượng mạnh dạn trực tiếp đến gặp đơn vị phụ trách lớp để xin dạy học.

Những ngày đầu nhận lớp, mặc dù đã quyết tâm song khó khăn vượt xa những dự trù trong đầu. 20 học sinh trong một lớp học của cô Phượng thì có thể chia ra tới 4 nhóm bệnh của người khuyết tật (Nhóm chất độc màu da cam; Nhóm tự kỷ; Nhóm bại não; Nhóm thiểu năng trí tuệ). Có học trò năm nay đã gần 40 tuổi, nhiều tuổi hơn cả tuổi cô giáo, có học trò bằng tuổi cô, có học trò bằng tuổi em. Có học trò cả ngày không nói câu nào, có học trò khóc cười bất chợt, có học trò chẳng biết giới tính của mình là nam hay nữ…

Với những đối tượng học sinh đặc biệt này, cô Phượng phải mất vài tháng để tiếp cận, làm quen và nắm bắt đặc điểm, tâm tính từ đó tìm ra cách giảng dạy phù hợp cho từng nhóm học sinh, từng học sinh.

Thế nhưng không phải cứ nhận diện được đặc điểm của học sinh, chia nhóm để giảng dạy đã là ổn định được lớp. “Dạy học sinh khuyết tật vô cùng vất vả. Cô dạy xuôi thì trò học ngược. Chỉ một chữ số, một phép tính cộng hoặc trừ đơn giản nhất như 1+ 1 = 2 có khi cô trò cũng phải “vận lộn” cả tuần để dạy và học”. Với những học sinh tự kỷ, cô hỏi 10 câu thì may ra trò trả lời một câu. Luyện viết được một chữ a, b…. đúng dòng, rõ chữ, không viết ngược, có khi giáo viên phải mất vài buổi để cầm tay, hướng dẫn. Nhưng đấy là những lúc trò còn muốn học, chứ những lúc chán học rồi thì cô có nịnh đến thế nào thì trò vẫn ngồi chơi, ngắm bàn ghế, cô giáo các bạn.

Mỗi buổi học của cô Phượng trên lớp bao giờ cũng dành một khoảng thời gian không nhỏ để cùng trò ôn lại kiến thức văn hóa cũ của ngày hôm qua, hôm kia và trước đó. Với học sinh bình thường giáo viên dạy 10 phần học sinh có thể tiếp thu tới 9 phần, thậm chí là 100%. Nhưng với học sinh khuyết tật, cô dạy 10 học trò chỉ tiếp thu được 1-2 phần cũng đã là thành công.

Trên lớp học, cô trò không chỉ dạy nhau kiến thức văn hóa mà cô giáo còn như người mẹ, người chị rèn luyện cho các em từng chút một những kỹ năng sống cơ bản như chải đầu, đánh răng rửa mặt, giữ gìn vệ sinh cá nhân, cách ngồi học sao cho đúng tư thế... 

Cô Phượng nói rằng, đôi khi cũng cảm thấy buồn và nản vì muốn truyền đạt cho các em kiến thức mà không thể theo ý mình. Tuy nhiên, sau những phút bình tâm cô lại nhủ mình phải kiên trì hơn nữa với những học sinh đáng thương này. Áp dụng biện pháp giáo dục này chưa hiệu quả phải chuyển sang biện pháp khác, làm sao để các em có thể tiếp cận và hiểu bài một cách tốt nhất.

Cô Phượng cho biết, sau 12 năm kiên trì bám lớp đến nay hầu hết  học sinh của cô đều gắn bó với lớp ngần ấy năm. Mặc dù là những học sinh khuyết tật về trí não, đến lớp để có môi trường hòa nhập song các em đi học khá chăm chỉ. Nhiều học sinh đã có sự chuyển biến đáng kể về mặt giao tiếp. Các em đã có thể nhớ đường đến lớp mà không cần bố mẹ đưa đón...

Được làm việc thiện là điều hạnh phúc

Hỏi: “Đã khi nào cảm thấy quá mệt mỏi và chán nản đến muốn bỏ dạy không?” Không suy nghĩ nhiều, cô Phượng nói: Khó khăn phải đối diện khi giảng dạy cho những đối tượng học sinh đặc biệt là có. Những có hội được giảng dạy cho các học sinh bình thường ở những ngôi trường khác đến với mình cũng đã nhiều. Tuy nhiên, cứ nghĩ tới những số phận thiếu may mắn trong cuộc đời, những ánh mắt trao gửi niềm tin của các gia đình có con em ở lớp học tình thương này như đã níu kéo bước chân của cô. Cô luôn đặt ra cho mình câu hỏi, liệu các em sẽ ra sao nếu mình không đứng lớp?. Gia đình các em sẽ khó khăn chừng nào nếu không có được một chỗ gửi gắm những đứa con khờ dại hàng ngày? Cô Phượng cũng nói rằng, được làm việc thiện, để có ích cho ai đó, có ích cho cuộc đời này cũng là điều hạnh phúc. Khi nào lớp học còn tồn tại, còn chỉ một học trò thì cô vẫn sẽ đến lớp.

“Để giảng dạy có hiệu quả cho những đối tượng học sinh “đặc biệt” thì giáo viên không chỉ phải nghiên cứu những kỹ năng cơ bản qua sách, mạng Internet, được tập huấn… mà đòi hỏi hàng ngày phải gần gũi với học sinh từ đó hiểu rõ tính nết và có biện pháp giáo dục phù hợp. Không những thế, có nắm chắc tâm tính từng học trò mới có thể kết hợp cùng gia đình giáo dục hiệu có quả” - Cô Nguyễn Ngọc Phượng.

Sông La

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ