Lớp học cầu nối: Nơi giúp trẻ vượt qua bỡ ngỡ

GD&TĐ - Theo các nhà tâm lý giáo dục, giai đoạn chuyển bậc học, trẻ thường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường mới mà không phải phụ huynh nào cũng có kỹ năng giúp con vượt qua thử thách này. 

Lớp học cầu nối: Nơi giúp trẻ vượt qua bỡ ngỡ

Chưa kể, chuẩn bị như thế nào để tốt cho con, để con hòa nhập với môi trường học tập mới khác hoàn toàn với môi trường ở bậc học dưới thì không phải phụ huynh nào cũng biết. Mô hình Lớp học cầu nối như là một cách để giúp HS làm quen với môi trường mới, hình dung được những khác biệt khi chuyển cấp học…

Lạ nhưng không bỡ ngỡ

Chuẩn bị tốt nghiệp trường “mẫu giáo”, các bé Trường Mầm non Hoa Ban (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) có một số tiết học khá thú vị: tham dự một tiết chào cờ đầu tuần tại Trường Tiểu học Núi Thành.

Sau giờ chào cờ, các bé được các thầy, cô giáo và các anh chị mời đến thăm thư viện, phòng tin học, ngắm nhìn lớp học của các anh chị lớp Một với sự tò mò thích thú. Ngoài việc mỗi bé đều được tặng quà lưu niệm là con vật bằng giấy do các anh chị trường tiểu học tự gấp; các bé còn được xem các tiết mục múa hát tập thể và văn nghệ do các anh chị biểu diễn, được chơi những trò chơi nhỏ với các anh chị học sinh của trường.

Các bạn HS lớp Lớn Trường Bé Thông Minh còn được tham dự một tiết học cùng các anh chị lớp Một Trường Phù Đổng, nghe cô giáo nói sơ qua về nề nếp lớp học, giới thiệu sách vở, dụng cụ học tập khi vào lớp Một…

Thậm chí, các bé còn được đi xem khu vệ sinh của nhà trường để biết rằng trường tiểu học có rất nhiều điểm khác với ở trường mẫu giáo của các bé. Khái niệm “sẽ là học sinh lớp Một” trong nay mai còn được khắc sâu trong tâm trí các bé khi nghe cô giáo lớp Một nói chuyện với các bé. Các bé sẽ phải quen với việc đi học đúng giờ, bàn ghế ngồi học cũng khác so với trường mẫu giáo, ở trường phải học cách tự lập từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến chuyện vệ sinh…

Cô Nguyễn Thị Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (TP Đà Nẵng) - cho biết: Mô hình Lớp học cầu nối cho học sinh chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, tiểu học lên THCS nhằm giúp cho học sinh bớt bỡ ngỡ với môi trường học đường mới, đã trở thành hoạt động thường niên tại các trường học ở quận Sơn Trà.

Ngoài được đi tham quan, xem lớp học, các phòng bộ môn Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, HS Trường Tiểu học Ngô Gia Tự còn được các thầy cô giáo lớp 5 chuẩn bị tâm thế để chuyển tiếp từ bậc học Tiểu học lên THCS như mỗi môn học sẽ do một giáo viên đảm nhiệm, sẽ có nhiều phòng học bộ môn cho các môn khác nhau…

Chuẩn bị tâm thế cho cả phụ huynh và học sinh

Cô Lê Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường THCS, Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky - Line chia sẻ: “Ở học kỳ I năm lớp 6, chỉ cần HS thích nghi được với việc chuyển tiết, làm quen với việc mỗi môn học sẽ do một GV đảm nhận, quen được với nghe giọng nói của các địa phương khác nhau; quen được với phương pháp học… đã là quá tốt”.

Vào học trường THCS, các em được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, có nội dung trừu tượng, sâu sắc và phong phú hơn ở bậc học dưới, do đó đòi hỏi các em phải có sự thay đổi về cách học, và không phải HS nào cũng bắt nhịp kịp với sự thay đổi này.

Quan hệ giữa GV và HS cũng khác trước, không còn được gần gũi như ở bậc tiểu học; chưa kể là mỗi GV có một phương pháp dạy khác nhau. Điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các em. Do đó, phụ huynh không nên quá “sốc” nếu so sánh điểm số của con mình so với những năm học tiểu học.

Giai đoạn lớp 6 được xem là lớp “vỡ lòng” của bậc THCS. Chính vì vậy, các phụ huynh có con học lớp 6 phải quan tâm đến các em nhiều hơn để kịp thời giúp các em vượt qua giai đoạn đầu hết sức khó khăn ở THCS từ tâm lý đến cách học, đừng giải quyết đơn giản là lớp 6 học yếu thì cho học thêm.

Tất cả những điều này đều được Ban giám hiệu và giáo viên lớp 5 Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ với phụ huynh của những HS lớp 5 trong buổi họp phụ huynh cuối năm, lễ tri ân và trưởng thành của các em.

Trường Mầm non Hoàng Cúc (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tổ chức Hội thảo Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 với sự tham dự của Hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn phường cùng toàn thể phụ huynh cả trẻ 5 tuổi trong toàn trường.

Buổi nói chuyện giúp cho phụ huynh giảm bớt sự lo lắng và có sự đầu tư đúng đắn để giúp trẻ tự tin khi bước vào lớp Một như chuẩn bị cho trẻ tốt về mặt thể lực, trí tuệ, tình cảm xã hội, ngôn ngữ giao tiếp và một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập cũng như tự phục vụ bản thân khi bước chân vào môi trường tiểu học.

Cô Lê Thị Thu Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, phụ huynh cần phân biệt việc cho trẻ học trước chương trình lớp Một và việc cho trẻ làm quen để chuẩn bị vào lớp Một. Chẳng hạn như cho trẻ tập tô, làm quen với chữ cái, tập đếm… bằng các trò chơi là phù hợp. Thế nhưng, sẽ là lợi bất cập hại nếu cho con học ghép vần, luyện viết chữ đẹp, làm toán… khi vẫn đang ở tuổi mẫu giáo lớn.

Hiện nay, nội dung dạy - học ở các trường mầm non đã tiếp cận được với nội dung, phương pháp giảng dạy ở bậc tiểu học. Sự tiệm cận giữa mầm non và lớp Một ngày càng tốt hơn; cô giáo mầm non sẽ hướng dẫn những yêu cầu cơ bản nhất để các cháu làm quen với môi trường ở lớp Một.

Chính vì vậy, phụ huynh cần chú trọng đến khả năng làm chủ tiếng Việt của trẻ. Trẻ phải nói năng lưu loát, có thể kể được những câu chuyện ngắn, tỏ ra tự tin khi trò chuyện với người lớn. Khả năng thích ứng học đường bao gồm các kỹ năng như sự chủ động, tự tin, dễ hòa nhập, thích thú đến trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ