Lớp 11D ngày ấy

GD&TĐ - Tôi nhớ như in, niên khóa 1983 - 1986, lớp chúng tôi có một sự kiện mà chúng tôi cho là trọng đại, nó hằn sâu trong tâm trí chúng tôi mãi tới tận bây giờ. 

Lớp 11D ngày ấy

Đó là năm chúng tôi lên lớp 11E. Năm ấy lớp 11D vì quá bướng bỉnh nên nhà trường quyết định giải tán lớp, chia đều số học sinh vào các lớp. Lớp 11E của tôi nhận thêm 7 “nhân vật” nổi tiếng vào lớp và đổi thành 11D. 

Thế là 35 “nhân vật” của lớp 11E cũ chúng tôi cũng nổi tiếng theo. Cô giáo chủ nhiệm đã không biết bao nhiêu lần phải rơi nước mắt vì những trò nghịch ngợm của chúng tôi…

Cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi lúc ấy mới ra trường, nên nhà trường phân công lớp ngoan hiền học giỏi. Ai ngờ chưa được nửa tháng thì một lớp ngoan hiền lại trở thành một lớp nghịch ngợm nhất trường. 

Thành ngữ có câu: “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Đằng này lớp tôi tới những bảy con sâu. Thì hỏi thử ai mà không sầu? Ai cũng nghĩ cô giáo chủ nhiệm của tôi sẽ thất bại. Ai lại thứ Bảy nào cô cũng khóc. 

Nhiều người cứ bảo những giọt nước mắt của cô có ý nghĩa gì. Những đứa nghịch ngợm sao không đuổi cổ cho rồi mà cứ ngồi đó khóc… Nhưng cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi không nỡ đuổi học trò…

Chúng tôi cứ nghĩ chắc chắn lớp 11D cuối năm sẽ bị lưu ban nhiều vì hạnh kiểm. Nhưng không ngờ cuối năm lại không có một ai bị lưu ban. Nghĩ cũng hay. 

“Nhiều khi trong cuộc sống những điều tưởng chừng không mấy ý nghĩa lại có ý nghĩa quyết định đến tâm hồn, tính cách và sự lựa chọn của con người trong cuộc đời”. 

Không biết câu nói ấy của một tác giả mà tôi không nhớ tên có phải vậy không? Nhưng những giọt nước mắt hiền từ của cô giáo chủ nhiệm lăn trên đôi gò má hồng hào đã làm lớp tôi nhận ra những khuyết điểm của mình, để bắt đầu sửa chữa dần.

Sang học kỳ II lớp tôi không xảy ra một vụ xô xát hay xích mích nào giữa các thành viên trong lớp. Chúng tôi rất tự hào về điều đó… Phải nói là lớp tôi không những đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong học tập, mà ngay cả trong lao động cũng thế.

Tôi nhớ rất rõ, tháng 3/1985 nhà trường tổ chức đi lao động làm kênh Thạch Nham ở xã Nghĩa Thắng. Thế là cả lớp chúng tôi mang hành trang lên đường. 

Ngày đó chúng tôi không có đủ xe như bây giờ, nên cứ hai đứa một cây xe đạp đèo nhau đi. Đường từ trường lên Nghĩa Thắng không biết bao nhiêu là dốc. Thấy chúng tôi đạp đi nặng nề, cô giáo chủ nhiệm bảo: Khi đạp lên dốc các em đạp theo hình sin chứ đạp thẳng góc mệt lắm. 

Nghe cô nói chúng tôi đạp theo hình sin lên đến dốc rất khỏe. Khi đến nơi thì trời bắt đầu chập choạng tối. Chúng tôi tìm nhà để ở. Lo chỗ ở xong cô giáo bảo mấy đứa con gái lo cơm tối, con trai lo dọn dẹp. Cơm nước xong chúng tôi dọn ra ăn. 

Không hiểu sao mà các cô gái lại nhầm giữa dầu phụng với dầu hỏa? Các món chiên xào đều dùng dầu hỏa cả. Nên không ai ăn được. Bữa cơm hôm ấy mãi đến bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ. 

Một bữa cơm chỉ toàn nước mắm mà ngon đến lạ. Bây giờ mỗi lần hướng dẫn học trò đi lao động ở lại cả ngày, tôi lại thấy nhớ những bữa cơm như thế.

Ngoảnh lại đã gần ba mươi năm rồi. Những kỷ niệm tưởng chừng như bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Nhưng không những kỷ niệm đó vẫn sống mãi trong trái tim của mỗi thành viên 11D.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ