(GD&TĐ) - Trong đời mỗi người ai cũng có một ấn tượng về người thầy đặc biệt của mình. Với tôi đó là cô giáo Kiều Hoa.
Tôi gặp cô trong những ngày đầu theo học nghề giáo. Nghe tên cô ai cũng nghĩ cô hẳn rất đẹp. Quả thật tên cũng như người. Cô có vẻ đẹp của người con gái từng đi qua thời chiến tranh của đất nước, dù có khốc liệt của đạn bom nhưng cũng đầy lãng mạn và chất thơ. Tóc cô dài chấm gót chân, kiểu tóc mà bây giờ không còn cô gái nào theo đuổi, hương tóc thoang thoảng mùi hương nhu, hắc hương. Mắt dài và đẹp. Nhưng mẹ tôi bảo những người con gái tên Hoa đều hay trắc trở đường đời. Đôi mắt cô cũng vậy, cũng giấu đi nỗi buồn một mái nhà tan vỡ. Có lẽ đến Bà Rịa ngoài tìm một nơi bình yên, cô muốn tiếp tục sự nghiệp trồng người gây dựng tiếp những thế hệ học sinh sẽ là những người thầy. Tôi cũng là một học sinh trong số đó.
Cô giáo của tôi ẩn chứa bên trong vẻ đẹp dịu dàng có lẽ là nét nghiêm túc và khắt khe của việc dạy và học. Nhưng cái khắt khe của cô khiến tôi lao vào niềm đam mê với sách. Cô nói chân trời hiểu biết là sách và người thầy phải sẵn sàng cho mọi câu hỏi của học trò. Muốn làm thầy cần phải học. Tôi đã học từ cái giản đơn đến những triết lí sâu xa. Nhìn cô lúc nào cũng làm việc với sách, lúc nào cũng có thời gian dành cho sách tôi thấy mình bé nhỏ hơn nhưng cũng bắt đầu mơ ước đến những chân trời mới từ những trang sách tôi đọc cùng cô. Tự mình đặt câu hỏi và phải tìm ra câu trả lời. Có lẽ đó là điều mà bất cứ người thầy nào cũng muốn dạy cho học sinh của mình. Tôi đã mang bài học đó trên hành trang dạy học và hiểu rằng bài học lớn thường bắt đầu từ những thứ thật giản đơn.
Cô dạy văn, nói văn là đời. Cô nói hãy mở trái tim mình nhìn cuộc sống trước khi nhìn nhân vật, đánh giá nhân vật, tác phẩm. Hãy nhìn bằng cái nhìn nhân hậu. Cô nói nhân hậu mới có thể nhìn thấy mọi thứ từ nhiều chiều vì cuộc sống là muôn màu, muôn vẻ. Phải hiểu điều gì mình cảm nhận được từ nhà văn, điều gì mình học được từ nhân vật thì mới biết điều gì mình sẽ dạy cho học trò ngày mai. Cũng chỉ có nhân hậu mới mở được trái tim người khác, có nhân hậu mới chịu đựng được những khó khăn và đứng dậy từ vấp váp. Tình yêu của cô có lẽ truyền cho tôi cảm hứng và sức mạnh vì tôi biết nếu không có niềm tin đó, khi bắt đầu cuộc sống và bước vào nghề đầy gian truân, tôi không có đủ dũng khí để đi hết chặng đường mình chọn. Cô đã dạy tôi biết sống nhân hậu với nghề và nhân hậu với trò.
Hơn mười năm đã qua đi. Cô không còn là giảng viên Trường Cao đẳng Bà Rịa Vũng Tàu, mái tóc cũng đã bạc dần, đã xuất hiện những nếp nhăn trên gương mặt. Cô có niềm vui của người mẹ nuôi dạy con học thành thạc sĩ, có niềm vui của người bà thay mẹ chăm cháu khi mẹ đi làm xa, có niềm vui của người thầy đã tạo ra lớp lớp học trò vững vàng và thành công trên bục giảng. Không còn chút nghiêm khắc của người thầy. Cô trở về nét dịu hiền của người phụ nữ.
Vẫn con đường nắng Hòa Long, vẫn chiếc xe đạp hàng ngày chở cháu tới trường, có lẽ cô đã rất vui. Con đường cô đã đi giờ có tôi, có những người học trò khác đang vẽ tiếp. 20/11 sắp đến gần, ngôi nhà của cô chắc lại đầy những bó hoa thơm ngát, nhiều màu sắc và đầy ắp tiếng cười của những cháu, những con, những học trò quay về chúc mừng mẹ, mừng bà, mừng cô. Ai đó đã nói cô giáo ở trường là mẹ và ở nhà vẫn là cô giáo. Cảm ơn cô, cô giáo của tôi vì những bài học giản dị làm thầy và làm người đã cho tôi vững bước hôm nay.
Mã số: 2036