Lồng ghép nhiều nội dung để giảm các cuộc họp

GD&TĐ - Tình trạng họp hành, hội nghị nhiều gây tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian đã được nhận diện và các cơ quan, đơn vị đã bắt đầu cắt giảm những cuộc hội họp không cần thiết. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần phải tổ chức họp, hội nghị để phổ biến, quán triệt hoặc bàn thảo, tranh luận, hoàn thiện và phải có ý kiến quyết định, kết luận của người có thẩm quyền mới triển khai thực hiện được. Vậy, giảm các cuộc họp bằng cách nào?

Ảnh minh họa, theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam
Ảnh minh họa, theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Tôi nhiều lần được Hội Luật gia tỉnh mời tham gia tuyền truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đoàn của chúng tôi thường đến tận các thôn, làng để gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà con địa phương.

Trước khi xuống địa bàn, Hội Luật gia tỉnh liên hệ trực tiếp với UBND huyện, UBND xã để bàn phương án phối hợp như chọn địa bàn, bố trí địa điểm, thông báo tập hợp người dân... sau đó có kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung liên quan. Trên cơ sở kế hoạch này, nhiều tổ chức, ban, ngành ở huyện, ở xã và cả thôn cũng chuẩn bị  các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của mình để làm việc theo kiểu kết hợp, “ăn theo” buổi làm việc của Hội Luật gia tỉnh.  

Theo đó, trong khi chờ Hội Luật gia tỉnh đến (vì đường xa) cán bộ thôn thường tổ chức  họp với bà con trong thôn để phổ biến, thông báo một số nội dung liên quan đến hoạt động, tình hình của thôn.

Khi Hội Luật gia tỉnh đến và tổ chức xong nội dung của đoàn thì lần lượt các đơn vị khác như Phòng Tư pháp huyện, cán bộ hộ tịch xã, phụ nữ xã, đoàn thanh niên xã... tiếp tục triển khai nội dung của mình với thời lượng phù hợp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Nếu như tổ chức, ban, ngành, đoàn thể nào cũng tổ chức các cuộc họp riêng rẽ thì bà con phải đến thôn họp nhiều lần, mất thời gian, ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, cuộc sống…

Tương tự như trường hợp một cán bộ ở huyện vượt cả 70-80km về tỉnh họp nhưng nhiều khi cuộc họp chỉ một nội dung, thời gian chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng phải đi cả mấy ngày trời. Đặc biệt, có trường hợp cùng cán bộ đó vừa đi họp về lại nhận được giấy mời lại “lên đường” đi họp tiếp! Như vậy, dẫn đến lãng phí thời gian, kinh phí đi lại, ăn ở, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, thậm chí gây ra áp lực về giao thông, đi lại...

Do đo, bên cạnh tăng cường tổ chức họp trực tuyến, hạn chế những cuộc họp không cần thiết thì nên tổ chức một cuộc họp nhưng với nhiều nội dung liên quan. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm các họp mà vẫn đảm bảo các nội dung, vấn đề liên quan cần triển khai.

Theo đó, cơ quan chức năng nên liên kết, kết hợp, gộp nhiều nội dung, nhiều vấn đề vào trong một cuộc họp, khi triển khai cho cùng một đối tượng, cùng một cơ quan, đơn vị. Khi đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia triển khai các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình mà không phải triệu tập đối tượng nhiều lần, với nhiều cuộc họp riêng rẽ. Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực như vừa giảm tải các cuộc họp, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí…                              

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...