Lời khuyên cho sinh viên thiết kế đồ họa để có công việc ổn định, thu nhập cao

GD&TĐ - Có nhận thức, tư duy, biết cân bằng cái tôi, biết lăng nghe và hợp tác làm việc nhóm... là những lời khuyên của các nhà tuyển dụng với sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa.  

Lời khuyên cho sinh viên thiết kế đồ họa để có công việc ổn định, thu nhập cao

Sáng 5/5, Khoa Thiết kế đồ họa Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW tổ chức Hội thảo "Thiết kế đồ họa - Từ đào tạo đến thực tiễn".

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà tuyển dụng
 Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà tuyển dụng

7 lời khuyên hữu ích Phát biểu đề dẫn, thạc sỹ Phạm Hùng Cường - Trưởng Khoa Thiết kế đồ họa - cho biết: Hội thảo sẽ tập trung vào một các nội dung trọng tâm như: Giới thiệu một số công đoạn làm việc gắn liền với ngành thiết kế đồ họa của một số công ty, doanh nghiệp; những yêu cầu về tuyển dụng một số họa sĩ thiết kế chuyên nghiệp; những kỹ năng cần trang bị ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để có thể tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp một cách tốt nhất.

Ngoài ra, còn có những chia sẻ về nghề nghiệp của các cựu sinh viên đang làm tốt công việc của mình tại các lĩnh vực khác nhau trong xã hội...

Với 17 năm làm trong ngành truyền thông có liên quan đến đồ họa, ông Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch, Giám đốc Sáng tạo Công ty truyền thông Luck House - đưa ra 7 lời khuyên được rút ra từ những thành bại mà ông đã từng chứng kiến:

Thứ nhất: Nhận thức và tư duy quan trọng hơn kỹ năng. Trong thực tế, có nhiều đồ họa Việt Nam dày công luyện kỹ thuật vẽ tới mức rất cao nhưng lại không củng cố nhận thức và khả năng tư duy sáng tạo. Họ đã tự biến mình thành những người thợ vẽ đơn thuần. Trở thành một đồ họa viên đẳng cấp cao không phụ thuộc quá nhiều vào tay vẽ mà là khả năng thấu hiểu, chiều sâu tư duy và ý tưởng.

Thứ hai: Các bạn muốn thành công thì phải biết cách lắng nghe và hợp tác với đồng nghiệp.

Thứ ba: Sáng tạo cho khách của khách. Phần lớn các công ty thuê bạn để làm sản phẩm đồ họa cho khác của họ. Nhưng khách hàng cũng không dùng sản phẩm cho chính họ mà họ dùng nó để truyền thông hoặc bán tới khách hàng của họ.

Thứ tư: Học hỏi không ngừng nghỉ. Trường học lớn chính là trường đời, trong đó có môi trường cá nhân và công việc. Bạn muốn sáng tạo thì đừng lặp lại chính mình và đừng bám vào cái cũ. Chỉ có cách mở rộng nhận thức và kiến thức mới có thể giúp bạn làm được điều đó.

Thứ năm: Đi thật sâu vào một chuyên ngành.

Thứ sáu: Không để mất đi động lực và cảm hứng.

Thứ bảy: Kiểm soát cái tôi.

Cân bằng cái tôi và nâng cao kỹ năng mềm

Cựu sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW Nguyễn Thị Thanh Mai: Kỹ năng mềm rất cần đối với một nhà thiết kế để có thể thành công trên con đường lập nghiệp. Khi bạn có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình đối với khác hàng bạn sẽ tự tin hơn khi trình bày ý tưởng.

Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, bà Hàn Thị Thu Huyền - Trưởng phòng nhân sự Công ty Torecid Vietnam - đặt 3 câu hỏi với các sinh viên: Bạn là ai? Bạn muốn đạt được điều gì trong tương lai? Bạn sẵn sàng làm gì để thực hiện mục tiêu của mình?

Bà Huyền nhấn mạnh: Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và giáo dục các bạn sinh viên có sự chuẩn bi chu đáo hơn về mặt kiến thức; kinh tế, xã hội phát triển đem lại nhiều cơ hội việc làm hơn, các bạn cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Đây là một lợi thế rất lớn cho các bạn sinh viên mới ra trường, đặc biệt là theo xu hướng mới.

Các doanh nghiệp đang tìm đến tận cơ sở đào tạo các trường đại học, cao đẳng để tuyển dụng nhân tài. Nhưng cuộc chạy đua trên con đường sự nghiệp cũng không hề đơn giản hơn trước đây, khi mà "đối thủ" của bạn ngày càng tốt hơn. Và việc trưởng thành hơn trong xác định con đường mục tiêu rõ ràng vẫn luôn là một yêu cầu cần thiết cho sự thành công nghề nghiệp của các bạn.

Là một cựu sinh viên của trường, Nguyễn Thị Thanh Mai - nhân viên phát triển sản phẩm của Công ty Đầu Tư và Phát triển Việt Hưng - Ecopark - "bật mí": Bản thân nghệ thuật là mang hơi hướng cá nhân nhưng khách hàng mới là người quyết định cho sản phẩm thiết kế của bạn được đưa ra sử dụng hay không. Chính vì thế, nếu kỹ năng giao tiếp tốt, bạn hoàn toàn có thể thuyết phục khách hàng đi theo gout thiết kế, sản phẩm của mình.

"Hay trong một tập thể, việc bạn làm việc với những cộng sự khác là việc không thể tránh khỏi. Một dự án lớn cần một đội mạnh. Bạn không thể đem cái tôi cá nhân áp đặt lên một tập thể. Chính vì thế kỹ năng làm việc nhóm lúc này cần được phát huy. Bạn hãy lắng nghe và đồng cảm với cộng sự của mình. Khi bạn cân bằng được cái tôi cá nhân và tập thể là bạn đã có thêm hành trang vững chắc trong đời" -Thanh Mai chia sẻ.

Hội thảo "Thiết kế đồ họa - Từ đào tạo đến thực tiễn" đã giúp sinh viên tiếp cận được những thông tin về nghề nghiệp từ thực tiễn cuộc sống thông qua các công ty, các nhà tuyển dụng và thế hệ cực sinh viên đang trực tiếp làm việc và học tập sau khi ra trường.

Đồng thời giúp các em có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó có kế hoạch học tập và rèn luyện, chuẩn bị những hệ điều kiện cho bản thân để tiếp cận với cuộc sống một cách tốt nhất.

Đây cũng là cơ hội để giảng viên có điều kiện cập nhật những thông tin mới nhất, mang tính thực tiễn áp dụng vào giảng dạy nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ