Lỗi không ở “Phượng”

Lỗi không ở “Phượng”

Trong nỗi lo lắng, bất an dây chuyền, không ít trường học nhanh chóng vào cuộc cho hạ tán, cắt tỉa, “niêm phong” không cho học sinh tới gần, thậm chí đốn hạ cây phượng. Có nơi trong kế hoạch thiết kế cảnh quan cho trường mới cũng đưa ra họp bàn nên hay không nên việc trồng phượng trong sân trường? Một bạn đọc gọi đến Báo Giáo dục & Thời đại cho biết có thành viên của trường còn đề nghị nên bỏ hẳn các cây cao, có bóng như cây phượng với lý do “bớt đẹp, bớt mát một tí nhưng đỡ…“rách việc” về sau”! Bởi nếu trồng các cây cao, có bóng mát như phượng vừa không an toàn, lại tốn kém chi phí cắt tỉa, chăm sóc!

Phát triển mảng xanh cho trường học có ý nghĩa rất lớn, không chỉ về mặt môi trường, mà còn góp phần khích lệ học sinh tương tác với thiên nhiên, khích lệ tính sáng tạo, tư duy tích cực. Chính vì thế, từ năm 2008, Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trên cả nước. Qua nhiều năm thực hiện, diện mạo các trường học có nhiều khởi sắc, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của học sinh được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong xây dựng mảng xanh, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8270:2009 ở danh mục chọn loại cây trồng cho trường học gợi ý khá nhiều loài cây, trong đó đặc biệt kiến nghị trồng cây phượng. Điều này cũng dễ hiểu. Về mặt khoa học, phượng có bộ rễ rộng, tán rộng, hoa đẹp, phù hợp tạo bóng mát và có giá trị thẩm mỹ khi trồng trong nhà trường. Đặc biệt, mùa hoa rộ mỗi khi hạ về, phượng gắn bó thân thiết với tuổi học trò, được lưu giữ trong ký ức của biết bao thế hệ học sinh, đi vào thơ ca, nhạc họa như một biểu tượng đẹp.

Theo các chuyên gia về cây xanh, không phải tự nhiên trong quy chuẩn trồng cây nơi công cộng đều có lưu ý phải ghi thời gian trồng với mỗi cây. Cây trồng khoảng 25 - 30 năm phải thay thế. Các cây lâu năm cao, tán rộng phải có không gian đất đủ rộng để rễ bám chắc. Thế nhưng, nhiều trường học có những cây phượng thọ 40 - 50 năm, thân cây mục, rỗng, bị sâu bệnh tấn công là điều dễ hiểu. Hay có nơi đưa cây phượng đã lớn vào trồng (cho nhanh đẹp?), trong điều kiện sân trường chật hẹp, bê tông hóa, bộ rễ chỉ bám nông trên mặt đất, cây cũng rất dễ đổ. Một số nơi việc mé cành, tỉa lá, chăm sóc cây sâu bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến cây gãy đổ, bật gốc, gây họa trong trường học.

Bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh là cần thiết nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đốn bỏ toàn bộ hay không trồng mới phượng trong sân trường. Đây là những giải pháp thái quá, cực đoan không cần thiết, vì lỗi không phải ở cây phượng. Vấn đề quan trọng là trách nhiệm quản lý của các bên liên quan. Theo quy định hiện hành, cây xanh nằm trong khuôn viên thuộc sự quản lý của nhà trường nhưng nếu muốn đốn hạ cây phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn. Sự rối rắm trong việc quản lý khiến dư luận đổ dồn trách nhiệm lên thầy cô, nhà trường, những người không có chuyên môn về lĩnh vực cây xanh, chẳng có quyền đốn hạ…

Từ sự việc cây phượng, thiết nghĩ, nâng cao hơn nữa công tác bảo đảm an toàn học đường, thường xuyên theo dõi, chăm sóc cây xanh để trường học xanh, đẹp, an toàn là những việc cần làm, thay vì nói không với phượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.