T nhắn tin qua điện thoại thường xuyên. Vốn đã dạy T từ những năm trước nên tôi thấy khác lạ. Kinh nghiệm của một người thầy cho tôi biết T đang có một vấn đề gì đó rất khó giải quyết. Tôi sắp xếp gặp T.
T xác nhận điều tôi đã tìm hiểu trước đó là cho đến giờ, T không sống cùng cha mẹ. Do phải kinh doanh đường dài, cha mẹ đã đem T từ một huyện vùng xa của tỉnh gởi cho một người bà con ở trung tâm thị xã nuôi dạy từ bậc tiểu học. Cả hai vợ chồng dồn hết sức lực vào những hợp đồng làm ăn. T thờ ơ nói rằng: em không thiết tha gì việc cha mẹ về thăm. Cha mẹ T xem mỗi tháng gởi cho một số tiền để nuôi nấng T là đủ. Tôi biết T đang có sự bất bình vì cuộc sống mà cha mẹ mang lại cho em.
Tôi khuyên em nên thay đổi suy nghĩ, không nên căng thẳng với cha mẹ. Có lẽ mải lo kinh tế và mong em có điều kiện tiến bộ, giỏi giang nên họ phải chọn cách gởi em xa rời gia đình như vậy. Tôi hứa sẽ trao đổi với cha mẹ em và cũng yêu cầu T tập trung vào việc học. Ngay sau đó tôi gọi điện cho mẹ em. Tôi đề nghị một cuộc gặp gỡ sau buổi họp chủ nhiệm đầu năm vì có nhiều việc liên quan đến T. Mẹ em từ chối với lý do đang ở ngoại tỉnh để điều hành chuyện làm ăn. Tôi đành thông báo rằng T đang có những biểu hiện đáng lo ngại về tâm lý, hành vi. Người mẹ ấy thản nhiên trả lời rằng sẽ nhờ người cô đang chăm sóc T đi họp thế.
Rồi phiên họp cha mẹ học sinh đầu năm học cũng diễn ra theo kế hoạch nhà trường. Mẹ em không đến, người cô nuôi dưỡng em nhiều năm qua cũng không đến. Đưa thư mời dự họp cho tôi là một ông cụ ngoài bảy mươi tự giới thiệu là ông ngoại của T. Ông nói cha mẹ không ai về, ông phải đi thay. Tôi ngạc nhiên lắm vì đồng nghiệp của tôi cho biết suốt mấy năm qua, dù cha mẹ vắng mặt, người cô nuôi dưỡng T đều đến họp khi nhà trường mời. Tôi mời ông vào lớp. Trong suốt buổi họp tôi thấy ông ngoại em không vui, cứ thấp thỏm thế nào. Ngay cả khi cả phòng họp xôn xao về các nội dung có liên quan đến các em như học tập, hạnh kiểm, chỉ tiêu thi đỗ vào trung học phổ thông…, ông cũng cúi xuống yên lặng như đang lo lắng điều gì.
Phiên họp kết thúc. Cha mẹ học sinh lần lượt ra về. Ông ngoại T vẫn ngồi ở cuối lớp kiên nhẫn chờ đến khi không còn ai mới đến gần tôi. Ông nói như thì thầm:
-Thưa thầy, tôi có chuyện muốn nói cùng thầy!
Tôi nhẹ nhàng mời ông ngồi và lắng nghe ông. Ông cho biết cả hai bên nội ngoại chỉ có mỗi T là cháu trai. Mọi niềm hy vọng gởi hết vào T nên từ một huyện vùng xa, cha mẹ em mang em gởi đến trung tâm của tỉnh mong em được thụ hưởng mọi điều tốt nhất từ ăn ở cho đến học hành. Cha mẹ đáp ứng không thiếu gì cho T. Đáp lại T cũng làm cha mẹ, họ hàng hài lòng. T học khá, chưa kể đến là vẻ ngoài lịch sự, tươm tất làm thầy cô rất có thiện cảm. Có điều, T ít khi tâm tình cùng cha mẹ. T hầu như không gọi điện, nhắn tin gì về nhà. Nhiều năm nay như vậy. Mọi việc do người cô thay T bàn bạc với gia đình. Lâu lâu, cha mẹ ghé thăm, T không biểu lộ cảm xúc gì. Cha mẹ cứ nghĩ T ít nói nên thôi.
Cùng trao đổi bài |
Ông buồn rầu cho tôi biết, gần đây, ông ra thăm cháu thì thấy T lạ lắm. Có lúc T vắng nhà, thậm chí đi chơi cả đêm mặc cho ông đợi chờ. Thoạt đầu, ông không lo lắm vì T chỉ qua lại với một thanh niên là cháu trai của người cô nhận nuôi dưỡng chăm sóc T từ bé đến giờ. Cả hai thân thiết như hai anh em cũng đâu có gì lạ. Người thanh niên này không có biểu hiện gì đáng ngờ, lại là người thân trong nhà. Đi đâu cũng có nhau. Việc ăn ngủ, vui chơi cùng nhau có gì là lạ.
Việc người thanh niên này đưa đón T đến trường hàng ngày, tôi có biết. Đôi lúc, tôi có thắc mắc vì sao được đưa đón mà T đi học muộn đôi ba lần trong tuần, T trả lời tại xe hỏng. Tôi nhắc phải khắc phục sai sót này. T hứa ngay. Tôi cũng chưa thấy có điều gì lạ trong quan hệ giữa T và người thanh niên ấy vì cho rằng T được anh trai thương mến lo lắng đưa rước vậy thôi.
Mới đây, thấy T xanh xao, mệt mỏi, vẻ suy nhược hiện lên rõ rệt, không còn hồn nhiên, năng động như trước, ông ngoại rất lo. Thêm vào đó, ông phát hiện, người cháu trai của cô có thái độ lạ thường khi tiếp cận T. Sự chăm sóc, lo lắng cho T đi kèm thái độ, cử chỉ không phải là của người bình thường quan tâm đến nhau. Một hôm, chờ T sang ngủ ở nhà người thanh niên ấy về, ông gặng hỏi mãi mới biết được sự thật. Sự thật đó làm ông đau lòng, sợ hãi và tìm đến tôi là thầy chủ nhiệm của T trong năm học này.
Thì ra suốt thời gian qua, biết T xa cha mẹ, luôn khát khao sự chia sẻ, tâm tình những khi vui buồn, người thanh niên đó đã sắp đặt một âm mưu xấu xa. Ban đầu, anh ta gần gũi, tâm tình, đưa rước T đi học. Người cô thấy cháu quý mến T, tình nguyện chia sẻ việc chăm sóc với cô nên yên lòng. Vui buồn gì T cũng thổ lộ cùng anh ta. Việc đi chơi, ăn uống cùng nhau không làm một ai trong gia đình thấy khó chịu cả.
Dần dà, người thanh niên ấy tập cho T tiếp xúc với những câu chuyện tình cảm đồng giới, tìm hiểu qua phim ảnh không lành mạnh. T bắt đầu xa lánh những hoạt động tập thể ở nhà trường. Ngay cả việc tiếp xúc, sinh hoạt vui chơi với các bạn gái cùng lớp, T cũng bộc lộ sự khó chịu khi các bạn tìm đến. Cuối cùng, anh ta đã dẫn dắt được T vào mối quan hệ bệnh hoạn. T đồng ý làm bạn tình cùng anh ta. Cứ vài ngày là T sang ngủ cùng anh ta. Vì vậy sức khỏe T sa sút, việc học cũng không còn được T quan tâm. Đáng lo ngại hơn, giờ đây T chấp nhận mối quan hệ này dù cho hậu quả có thế nào.
Nhìn ông ngoại của em, tôi biết ông đau lòng lắm. Ông không hiểu được vì sao niềm hy vọng của hai bên nội ngoại nhà ông lại lâm vào cảnh tệ hại như thế này. Ông còn cho biết T thú thật với ông tất cả những chiêu trò quái đản mà người thanh niên kia thực hiện với T trong thời gian qua. Ban đầu T nói T cũng sợ nhưng thực hiện mãi thành quen và do người thanh niên kia dụ dỗ kể cả đe dọa nên T không biết làm sao để thoát ra. Ông của T còn cho biết người cô nhận nuôi T đã đầu hàng không biết giải quyết thế nào vì sợ va chạm với nhà chồng. Ông chỉ còn biết cầu cứu nhà trường mà thôi.
Tôi hứa với ông sẽ tận lực giúp T thoát khỏi trò chơi nguy hiểm và đầy bệnh hoạn này. Việc trao đổi tâm tình giữa thầy trò, ông cháu phải nhiều hơn. Điều quan trọng là phải thay đổi môi trường sống của T, không để người thanh niên kia tiếp cận nữa. Nhưng muốn đưa T về với cuộc sống của một học sinh, tôi rất cần sự hợp tác của cha mẹ em. Tôi băn khoăn mãi liệu một mình tôi có cứu nổi T không? Tôi cũng tự trả lời là không thể. Tôi phải gặp được cha mẹ em mới có được giải pháp tốt nhất. Tôi có thêm kinh nghiệm là nếu cha mẹ xa rời con cái quá sớm, mải lo làm giàu, không hướng dẫn con có cái nhìn đúng đắn về quan hệ giới tính, rất có thể gặp phải chuyện đau lòng như chuyện cậu học trò của tôi.