Lời giải cho bài toán quỹ đất

Lời giải cho bài toán quỹ đất

(GD&TĐ) - Là nơi tấc đất tấc vàng, một trong những cản trở lớn nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia của Hà Nội là quỹ đất. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga, hiện ngành đã có những phương án khả thi, cùng với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, ngành nhằm giải bài toán này. 

 Năm học vừa qua, Hà Nội đã quyết tâm đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, quyết tâm này đã đem lại kết quả như thế nào thưa bà? 

Lời giải cho bài toán quỹ đất ảnh 1
Bà Phạm Thị Hồng Nga

- Với quyết tâm rất cao và theo đúng chỉ đạo của thành phố, ngành giáo dục Hà Nội đã rất quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia. Sở GD&ĐT Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho từng quận huyện, sau đó, các quận huyện ký cam kết gửi lại cho sở GD&ĐT; 3 tháng một lần có họp giao ban trực tuyến để kiểm điểm công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng như sự đầu tư của các quận huyện. Sở GD&ĐT cũng tham mưu với thành phố hỗ trợ kinh phí cho các quận huyện còn khó khăn; thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của các quận huyện.

Từ đó, số trường chuẩn quốc gia của Hà Nội chỉ trong năm qua đạt 114 trường, cao nhất từ trước đến nay, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây quả thực là cố gắng rất lớn bởi việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đến giai đoạn này hết sức khó khăn. Những trường đủ diện tích, đủ tiêu chí đã nhận danh hiệu trường chuẩn từ 1-2 năm trước. Còn lại hiện nay, nếu huyện xa, đủ quỹ đất thì thiếu kinh phí xây dựng; những quận nội thành lõi thì có kinh phí nhưng lại thiếu diện tích. 

Vì vậy Hà Nội xin ý kiến lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, căn cứ vào tiêu chuẩn mở của Bộ, những đơn vị ở quận nội thành lõi đã xây dựng trước năm 90, không thể mở rộng được diện tích đất, thì cho phép được nâng tầng để nâng diện tích sàn. Với điều kiện chất lượng những trường đó vượt trên chuẩn cho phép. Cụ thể, có 4 trên 5 chỉ tiêu vượt chuẩn cho phép rất cao, chỉ còn thiếu duy nhất chỉ tiêu diện tích đất thì cho phép được cải tạo, xây dựng, sửa chữa bằng cách là nâng tầng, đồng thời, nâng cấp cả trang thiết bị hiện đại. Còn với các quận huyện vùng sâu, vùng xa có cơ chế đặc thù để có kinh phí xây dựng trường chuẩn quốc gia.

 Quỹ đất có phải là khó khăn lớn nhất trong nỗ lực cán đích mục tiêu về trường chuẩn quốc gia của Hà Nội, thưa bà?

-  Đúng là đối với Thủ đô, quỹ đất là vấn đề hết sức khó khăn, nhất là trong các quận nội thành, để xây dựng trường học. Tuy nhiên, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt. Tất cả những cơ sở kinh doanh được cho là có vấn đề liên quan đến môi trường, nếu còn đất trống mà doanh nghiệp chưa sử dụng có hiệu quả thì thành phố đều cho chủ trương chuyển địa điểm ra vùng ngoại ô để lấy đất xây trường.  

Với cách làm quyết liệt như vậy, hiện 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng, những nơi rất khó khăn về đất đã có 8 trường học được xây mới. Dự kiến sẽ có 4-5 trường trong số đó sẽ khai giảng năm học mới ngay trong năm 2013. 

 Kết quả kiểm điểm tiến độ xây dựng trường chuẩn quý I năm 2013 của ngành Giáo dục Hà Nội cho thấy, cấp THPT đang ở vị trí “đội sổ” về tỷ lệ trường đạt chuẩn (22%), vì sao vậy?

- Đối với THPT, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia khó khăn hơn các cấp dưới rất nhiều. Lý do là, để xây dựng, nâng cấp cải tạo sửa chữa một trường THPT với diện tích khoảng từ 3-5 ha đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn, khoảng 40-50 tỷ đồng. Hàng năm, riêng các trường THPT trực thuộc sở, thành phố đã giao kinh phí khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng. Tuy nhiên, với kinh phí lớn như thế, người ta phải chia giai đoạn đầu tư nên không thể làm nhanh như cấp học mầm non, tiểu học hay THCS. 

Một nguyên nhân nữa là trong 2 - 3 năm vừa qua, kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam suy thoái. Thủ tướng đã ra Nghị quyết 11 dừng lại tất cả những việc đầu tư xây dựng công; sau đó Chỉ thị 1792 của Thủ tướng chỉ giao kinh phí cho những nơi chuyển tiếp, tức nơi công trình đang xây dựng dở dang phải xây nốt, để không bị lãng phí hiệu quả sau đầu tư, còn những nơi xây mới phải dừng lại. Do đó, khoảng hơn 13 trường THPT, những trường có mức đầu tư lớn phải dừng lại theo đúng quy định. Tuy nhiên, từ năm học này trở đi, sở GD&ĐT quyết tâm để mỗi năm có từ 5 - 7 trường THPT chuẩn quốc gia. Năm 2012 đã có 5 trường và năm nay sẽ có 6 trường để nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên cao hơn đối với cấp THPT.

Lời giải cho bài toán quỹ đất ảnh 2
Hà Nội luôn cố gắng để có trường học xanh - sạch - đẹp

Ngành Giáo dục Hà Nội sẽ có giải pháp gì trong năm học tới cũng như kế hoạch dài hơi để đạt được mục tiêu trường chuẩn quốc gia đã đặt ra?

- Hiện nay, ngành GD - ĐT Hà Nội đã xây dựng Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2013-2015. Mục đích của Đề án này là làm thế nào tạo điều kiện cho tất cả các trường học, các cấp học đạt được mục tiêu đề ra là đến 2015 có từ 50  - 55% trường công lập trên địa bàn Hà Nội đạt chuẩn quốc gia. 

Một giải pháp quan trọng hàng đầu là coi việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng số 1 của ngành GD. Sở GD&ĐT cũng đã giao cho các hiệu trưởng, coi việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá một nhà trường.

Khi lên kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia 2013 - 2015, sở GD&ĐT đã gắn các chỉ tiêu vào cụ thể từng trường, trường nào đã đạt được 4 tiêu chí, còn tiêu chí khó nhất là cơ sở vật chất phải tập trung đầu tư như thế nào... 

Sở GD&ĐT đã đề xuất với UBND thành phố có cơ chế đặc thù cho 4 - 5 huyện hết sức khó khăn về kinh phí. Đối với huyện vùng xa như Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chủ tịch UBND thành phố đã đồng ý cho cơ chế đặc thù, cấp kinh phí để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ngoài ra, với những chương trình mục tiêu quốc gia, Hà Nội tập trung ưu tiên đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường để trường có cơ sở để đạt chuẩn. 

Hiện nay, một số quận huyện có sự quyết liệt trong chỉ đạo, số trường đạt chuẩn quốc gia trong năm vừa qua rất cao, như Hoài Đức 12 trường, Thanh Trì (7 trường), Đan Phượng (7 trường), Hà Đông (9 trường). Để có được kết quả này, trong vòng 4 năm trở lại đây, những địa phương trên đã đầu tư khoảng trên 1.000 tỷ đồng để xây mới trường học; đồng thời đầu tư mỗi năm xấp xỉ 100 tỷ đồng để mua sắm thiết bị. 

Đặc biệt, cấp học Mầm non, cách đây 4 năm mới có 6,3% số trường chuẩn thì đến nay, 22,4% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, đó là một bước tiến dài. Năm nay, Hà Nội có thêm 47 trường mầm non công lập đăng ký đạt chuẩn quốc gia.

Hiện, Hà Nội đã đạt được 36,5% số trường chuẩn quốc gia. Năm nay, với quyết tâm cao và nhiều giải pháp lớn, Hà Nội chắc chắn sẽ đạt và vượt chỉ tiêu 122 trường chuẩn quốc gia đã đặt ra.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.